Khi V.League bó tay với pháo sáng
Sau khi CLB Hà Nội nhận án phạt, đã có nhiều tranh cãi xảy ra. Bởi lẽ, CLB Hà Nội không chỉ nộp phạt 70 triệu đồng mà họ còn phải thi đấu một trận trên sân không có khán giả. Trong khi đó CLB Hải Phòng chỉ bị phạt 70 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, án phạt này khiến các cầu thủ và khán giả Hà Nội thiệt thòi. Còn đối tượng chính là CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng thì không chịu bất cứ một án phạt nào.
Ông Vũ Xuân Thành – Trưởng Ban kỷ luật VFF cho biết: “Chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều để đưa ra án phạt này. SVĐ Hàng Đẫy bị “treo” vì mọi việc xảy ra ở đây chứ không phải SVĐ Lạch Tray. BTC sân đã để các CĐV Hải Phòng đốt rất nhiều pháo và phản ứng chậm trễ. Với CLB Hải Phòng, sau khi suy đi tính lại thì phương án phạt tiền là hợp lý. Nếu cũng “treo” sân Lạch Tray thì không thuyết phục vì sự kiện xảy ra tại SVĐ Hàng Đẫy”.
Sự cố pháo sáng ở sân Hàng Đẫy. Ảnh: H.Đ.. |
Trong trường hợp này, Ban kỷ luật VFF vừa có cái lý, vừa có cái khó của họ.Việc xử phạt BTC sân Hàng Đẫy là đúng. Tuy nhiên, họ lại không thể đưa ra án phạt cho đối tượng gây rối chính là CĐV Hải Phòng. Điều này chính là cái khó khi CLB Hải Phòng không có Hội CĐV chính thức nên không thể áp dụng án phạt cho tổ chức nào cụ thể. Trước khi ra án, chính ông Thành cũng từng đau đầu khi cho rằng, việc ra án phạt chỉ cần căn cứ quy định, nhưng vấn đề làm sao ngăn chặn được pháo sáng mới là khó.
Bởi nhìn lại lịch sử V.League trong vòng 10 năm nay, vấn nạn pháo sáng được các CĐV Hải Phòng tạo ra mùa giải nào cũng có. Theo thống kê, ở mùa 2018, CLB Hải Phòng đã bị ban kỷ luật VFF phạt hơn 300 triệu đồng vì CĐV đốt pháo sáng.
Ở mùa giải 2017, CLB Hải Phòng từng bị kỷ luật phải đá trên sân nhà không có khán giả khi gây rối trong trận đấu với Hà Nội ở vòng 6. Trước khi có cơn “mưa” pháo sáng ở sân Hàng Đẫy, CLB Hải Phòng đã nhận án phạt 20 triệu đồng do khán giả đốt pháo sáng ở khu vực xung quanh sân nơi diễn ra trận đấu, gây mất an ninh an toàn cho CLB SHB Đà Nẵng tại vòng 5 V.League.
Dẫn ra như thế để thấy rằng, tất cả những gì mà VFF hay VPF có thể làm chỉ là những biện pháp tuyên truyền cũng như áp dụng các quy định xử phạt khi sự cố xảy ra. Việc ngăn cản triệt để pháo sáng trong sân là điều không thể.
Tuy nhiên, nhìn lại tất cả những vụ việc đốt pháo sáng trong suốt thời gian qua thì có thể nhận thấy, chỉ khi Hải Phòng làm khách ở Hà Nội, lượng pháo sáng mới được đốt nhiều như thế. Như trận đấu vừa rồi, theo nhận xét của ông Vũ Xuân Thành – Trưởng Ban kỷ luật VFF thì phải có hàng thùng pháo sáng được CĐV Hải Phòng đưa vào SVĐ. Câu hỏi được đặt ra, vì sao CĐV Hải Phòng thích đốt pháo sáng ở sân của Hà Nội?
Theo một CĐV Hải Phòng chia sẻ thì điều này tích tụ từ những hận thù quá khứ. Cách đây khoảng 10 năm, từng có thời điểm mà CĐV Hải Phòng lên Hà Nội cổ vũ đã xảy ra va chạm với lực lượng an ninh. CĐV Hải Phòng từng bị BTC sân Hàng Đẫy làm khó khi với tăng giá vé. Chính điều này mới sinh ra hành động rải tiền âm phủ ở các trận đấu tại Hàng Đẫy.
Và điều khiến nhiều CĐV Hải Phòng bức xúc chính là việc bầu Hiển cùng lúc sở hữu và liên quan đến nhiều đội bóng. Hải Phòng khó có cửa vô địch ở bất cứ mùa giải nào. Thế nên không ít lần, CĐV Hải Phòng đã giăng rất nhiều băng rôn phản cảm để phản đối ông bầu này. Và mỗi cuộc đối đầu gữa Hà Nội và Hải Phòng, pháo sáng đã được đốt trong trạng thái quá khích.
Vấn đề đặt ra ở đây, việc ngăn ngừa tình trạng đốt pháo sáng không thể căn cứ vào những bản án kỷ luật. Điều cần là phải thay đổi được nhận thức và thái độ của chính những CĐV Hải Phòng quá khích. Điều quyết định để nhiều CĐV Hải Phòng có đốt pháo hay không chính là yếu tố cảm xúc. Thế nhưng, để xoá bỏ được mối hiềm khích đã ăn sâu vào mọi thế hệ CĐV Hải Phòng không phải dễ.
Ngày 24-4, VFF đã có công văn gửi Tổng cục TDTT đề nghị báo cáo Bộ VHTTDL hỗ trợ văn bản gửi Bộ Công an, các UBND tỉnh, thành phố có CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2019 nhằm chấn chỉnh, giải quyết triệt để tình trạng đốt pháo sáng gây mất trật tự và an ninh, an toàn các trận đấu.
Trước đó, LĐBĐ thành phố Hải Phòng cũng đã gửi thư tới các cổ động viên bóng đá Hải Phòng đề nghị chấp hành các quy định của BTC giải và BTC trận đấu trên các sân, có những cử chỉ, hành động, lời nói lịch sự góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của cổ động viên và “tiếp sức” cho các cầu thủ Hải Phòng thi đấu đạt kết quả cao đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân thành phố.
Thế nhưng, khi chưa thay đổi được tư tưởng, nhận thức của CĐV thì V.League vẫn sẽ bó tay với vấn nạn pháo sáng.
Bầu Tú nói gì về sự cố sân Hàng Đẫy? Sau khi nhận án phạt, CLB Hà Nội đã có phản ứng trước truyền thông, họ cho rằng không thể một mình chịu trách nhiệm vấn nạn pháo sáng mà cần có sự chung tay của VPF, VFF. Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF cho biết: “Ở đây cần nhấn mạnh rằng, BTC sân Hàng Đẫy là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an ninh, an toàn của trận đấu. Trước trận đấu 4 ngày, VPF cũng đã có công văn gửi CLB Hà Nội về việc cần tăng cường đảm bảo an ninh cho trận đấu với Hải Phòng, vì với những gì đã diễn ra ở mùa giải trước thì chúng tôi đã có dự báo trước. Ngay trong cuộc họp kỹ thuật, Ban điều hành V.League cũng đã nhắc lại việc cần đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu này. BTC sân cũng đã nhất trí. Vấn đề ở đây là việc BTC sân họ không có đề xuất hay ý kiến gì với VPF để hỗ trợ cho trận đấu này. Nếu như trước trận đấu, BTC sân Hàng Đẫy lên kế hoạch, vạch ra được những khó khăn đề xuất sự hỗ trợ của VPF thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và có những hành động cụ thể. Chính vì vậy mà khi sự cố CĐV đốt pháo sáng xảy ra, đây là trách nhiệm của BTC sân. Ngay như trong những giải đấu của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) tổ chức tại Việt Nam, VFF là đơn vị tổ chức trực tiếp các trận đấu và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. VFF sẽ phải tính toán, lên kế hoạch, nếu thấy khó khăn, cần hỗ trợ sẽ đề xuất lên AFC. Thế nên, nếu có sự cố xảy ra thì chính VFF phải chịu trách nhiệm đầu tiên”. H.H. |