V.League chỉ xếp thứ 22 Châu Á: Trách ai bây giờ?

Thứ Sáu, 19/04/2019, 09:33
Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) công bố bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia, Việt Nam chỉ đứng thứ 22 châu lục và số 5 khu vực Đông Nam Á. Điều này không bất ngờ với một nền bóng đá còn quá nhiều bất cập ở sân chơi V.League.


Theo công bố của AFC, Thái Lan giữ vị trí số 8 trong bảng xếp hạng và là quốc gia duy nhất của Đông Nam Á nằm trong top 10. Philippines xếp thứ 12, Singapore, Malaysia lần lượt đứng thứ 16, 17. Còn Việt Nam chỉ đứng thứ 22.

Một sự đánh giá có thể gây sốc với nhiều người sau khi chứng kiến thành công mà thầy trò HLV Park Hang-seo mang lại. Chúng ta giành á quân giải U23 châu Á, hạng tư ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018 và vào tứ kết Asian Cup 2019. 

Thế nhưng với những ai đã theo dõi bóng đá Việt Nam lâu năm, đặc biệt là các giải quốc gia thì đó là điều bình thường. Bởi ở cấp độ CLB chúng ta lại có thành tích không tốt ở châu Á. Thậm chí, bóng đá Việt Nam còn không có suất vào thẳng vòng bảng AFC Champions League mà phải thi đấu vòng sơ loại.

Một hình ảnh xấu xí trận Hải Phòng – Đà Nẵng ở vòng 5 V.League 2019. Ảnh: H.A.

Cấp độ CLB, chúng ta từng thua những trận đấu thảm bại đến muối mặt ở đấu trường AFC Champions League. Hoa Lâm Bình Định từng thua Busan I'Park 8-0 năm 2005. Đà Nẵng từng thua Gamba Osaka 15-0 tại AFC năm 2006, Đạm Phú Mỹ Nam Định thua Krung Thai Bank 9-1 năm 2008. Tại AFC Cup 2009, Hà Nội ACB cũng từng thua Kedah 7-0… Mới đây CLB Hà Nội mới đã lấy lại thể diện quá khứ cho Việt Nam với chiến thắng 10-0 trước Nagaworld tại AFC Cup 2019.

Nói về thứ hạng của V.League, ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF cho biết: “Vấn đề này được nhìn nhận dựa trên cả thành tích của các CLB ở đấu trường AFC. Chúng ta mới chỉ có B.Bình Dương đạt được thành tích tốt nhưng đã từ rất lâu rồi. Vấn đề làm sao để cải thiện thứ hạng của bóng đá Việt Nam không chỉ có VFF, VPF mà bản thân các câu lạc bộ phải nâng tính chuyên nghiệp lên.

Chúng tôi trong nhiều cuộc họp đều nhấn mạnh điều này để làm sao ngày càng cải thiện cho các đội bóng. Trước tiên là cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của AFC. Muốn nâng cao chất lượng của bóng đá Việt Nam phải là sự chung tay của toàn hệ thống, việc tổ chức giải chỉ là một trong số những khâu có thể đưa bóng đá chuyên nghiệp hơn”.

Thực tế, AFC khiến nhiều người giật mình là chỉ có 5/14 đội bóng V.League đạt chuẩn chuyên nghiệp gồm: Hà Nội,  Thanh Hoá, Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh và SHB Đà Nẵng. Ngay như đội vô địch V.League 2017 là Quảng Nam cũng không đủ tiêu chuẩn để dự AFC Champions League 2018 nên đội á quân là Thanh Hoá đã phải thay thế. Nhưng chính Thanh Hoá cũng không có sân bãi đạt tiêu chuẩn mà phải thuê SVĐ Mỹ Đình làm sân nhà.

Nói thế để thấy rằng, chính việc chưa chuyên nghiệp ở từng câu lạc bộ dẫn đến một giải đấu vẫn bị đánh giá là vùng trũng của châu lục. Chúng ta không thể trách được chính các đội bóng với cơ chế sống phụ thuộc vào các doanh nghiệp và ăn đong từng mùa giải. Chúng ta cũng không thể đổ lỗi cho công tác điều hành, quản lý của VFF hay VPF hoàn toàn vì tất cả những yếu tố xây dựng lên giải đấu chuyên nghiệp phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế của các đội bóng. Để có được sự cải tổ phải là sự chung tay của toàn xã hội, nhiều lĩnh vực.

Một thực tế được nhìn thấy, số lượng các đội bóng V.League sống được nhờ vào khán giả gần như không có. Như CLB HAGL là đội bóng từng công bố thu lãi nhờ bán vé và áo đấu, quảng cáo cũng không thể dùng tiền ấy để nuôi được CLB cả mùa. Họ vẫn phải sống nhờ vào bầu Đức.

Chuyện các đội bóng phụ thuộc vào doanh nghiệp dẫn đến thực trạng phát triển không bền vững. Bởi sau khi nhà tài trợ rời đi, một đội bóng có thể bị xoá sổ. Trường hợp của Thanh Hoá là một ví dụ, họ từng là thế lực của V.League 2 mùa giải trước khi được FLC đầu tư, nhưng khi nhà tài trợ rời đi, một loạt ngôi sao cũng tháo chạy, đội bóng này đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính ở mùa giải 2019. Hiện tại, sau 5 vòng đấu đầu tiên của V.League 2019, Thanh Hoá đã xếp cuối bảng với chỉ 3 điểm.

Hay như CLB Nam Định cũng từng khát khao lên chơi V.League. Thế nhưng ngay mùa giải 2018 được tham dự sân chơi số 1 này, họ đã rơi vào bi kịch tài chính. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng mà có lúc họ tưởng như sẽ “vỡ”. Đến mùa giải 2019, Nam Định có nhà tài trợ mới nhưng nguồn kinh phí cũng không quá dồi dào. Điều này phần nào cũng khiến cho việc đầu tư cho đội bóng gặp hạn chế.

Đó còn chưa kể V.League vẫn liên tiếp xuất hiện các vấn nạn về sai sót trọng tài, chất lượng chuyên môn không cao cùng nhiều hình ảnh xấu xí từ hành vi, văn hoá ứng xử trên sân cỏ. Tất cả những điều này dẫn đến một giải đấu mãi chưa thể tiến lên chuyên nghiệp.

Sau những thành công ở cấp độ ĐTQG của thầy trò ông Park, bóng đá Việt Nam đang được quan tâm hơn. Nhưng để thu hút đầu tư cho từng đội bóng để xây dựng giải đấu chất lượng thì đó là câu chuyện của những người điều hành. Chúng ta có cơ hội ở từng thời điểm nhưng có biết nắm bắt hay không là câu chuyện khác.

Trọng tài đang làm xấu xí V.League

Sau 5 vòng đấu của V.League 2019, sai sót trong công tác trọng tài là một vấn đề nổi cộm. Đặc biệt, những sai sót của các trọng tài đẳng cấp FIFA hay những người nhiều kinh nghiệm là điều khó thuyết phục. 

Ông Trần Anh Tú cho rằng: “Tôi nghĩ các trọng tài đó có thể đã ỉ lại về kinh nghiệm của mình nên họ đã không có sự chuẩn bị tốt cho mỗi trận đấu. Nếu một trọng tài nghiêm túc với nghề sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Và những trọng tài có nhiều kinh nghiệm, do lớn tuổi không duy trì được thể lực tốt nên đã không theo kịp các tình huống bóng”.

Công tác trọng tài khiến VPF rất quan tâm. Chính vì thế mà đơn vị này cũng đang xúc tiến để áp dụng công nghệ VAR ở giai đoạn lượt về của V.League 2019. Tuy nhiên, VPF cũng đang loay hoay khi V.League chỉ có thể áp dụng kiểu “nhà nghèo” trên các xe lưu động thay vì các phòng chuyên nghiệp. (H.H.)

Hưng Hà
.
.
.