Chờ duyên "tướng" Mai Đức Chung
Đã dẫn Myanmar 2-0 trong hiệp 1, thế nhưng ĐT nữ Việt Nam lại bị gỡ 2-2 rồi bị dẫn ngược 3-2. May mà ở những phút bù giờ cuối cùng chúng ta có bàn gỡ hoà 3-3 và sau đó giải quyết đối phương trên chấm luân lưu 11m.
Trước câu hỏi vì sao đã có lợi thế lớn trong hiệp 1 nhưng rốt cuộc lại phải trải qua một trận bán kết mất quá nhiều sức lực đến như thế, HLV Mai Đức Chung lý giải: "Áp lực quá lớn của khán giả chủ nhà đã khiến tinh thần toàn đội bị ảnh hưởng".
Các cô gái Việt Nam. |
Ông dẫn chứng việc một cầu thủ gạo cội như thủ thành Kiều Trinh còn có nhiều pha ra vào lúng túng và mắc lỗi trực tiếp trong bàn thua thứ 2 thì cũng khó trách những người còn lại. Nhưng rất tâm lý, nhà cầm quân gắn bó với nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam kết luận: "Tôi kể ra những điều này để chúng ta rút kinh nhiệm, chứ không phải để phàn nàn, kêu ca".
Cụ thể, điều cần rút kinh nghiệm ở đây là trong những thời khắc khó khăn, khi gần như cả đội bị đánh mất tinh thần và lối chơi thì cần một tiếng nói mạnh mẽ, hô hào, đốc thúc mọi thứ quay trở lại quĩ đạo và chắc chắn đấy cũng là điều mà ông Chung phải dặn dò các cầu thủ rất kỹ trước trận chung kết.
Đá chung kết với Thái Lan, chắc chắn các cô gái Việt Nam sẽ không phải chống lại... cả một biển người như trận bán kết với chủ nhà, cũng không phải đối diện với một đối thủ giàu thể lực, chơi bóng dài bóng bổng theo đúng kiểu Âu truyền thống.
Ngược lại, như truyền thống vốn có của mình, các cô gái Thái Lan tổ chức lối chơi kĩ thuật, phối hợp nhóm và lối chơi này cũng tương đồng với lối chơi mà HLV Mai Đức Chung đang áp dụng cho ĐT Việt Nam.
Ở vòng bảng, Việt Nam gặp Thái Lan trong bối cảnh đã chắc suất vào bán kết nên ông Chung chủ trương tung ra sân một đội hình dự bị, trong khi ngược lại không dễ phân định xem Thái Lan ra sân với đội hình nào.
Thành thử tỷ số 2-0 cùng một thế trận thuyết phục của chúng ta cũng cần phải được nhìn nhận một cách thận trọng, nhiều chiều, thay vì suy nghĩ "đã thắng được họ ở vòng bảng thì cũng sẽ thắng ở chung kết".
Tính chất của một trận vòng bảng và một trận chung kết là hoàn toàn khác nhau. Cách đây chưa lâu, ở giải U.16 Đông Nam Á, ĐT U.16 Việt Nam cũng từng thắng dễ U.16 Australia 3 bàn không gỡ, nhưng khi tái ngộ nhau ở chung kết, chúng ta đã trở thành bại tướng của đối phương.
Nếu ở các đời HLV trưởng Trần Vân Phát hay Takeshi Okada trước đây, ĐT nữ Việt Nam thường bị đánh giá thấp hơn ĐT nữ Thái Lan, điển hình nhất là trận Play Off tranh vé đi World Cup thua đau trên sân nhà Thống Nhất thì đến thời HLV Mai Đức Chung mọi thứ đã diễn ra theo chiều hướng khác.
Ngoại trừ chiến thắng 2-0 trước người Thái như vừa kể, ở sân chơi Asiad năm 2014, ĐT nữ do ông Chung dẫn dắt cũng thắng thuyết phục Thái Lan 2-1.
Khi ấy, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã thốt lên: "Có lẽ nếu ông Chung thay ông Trần Vân Phát dẫn dắt trận đấu tranh Play Off thì có lẽ chúng ta đã không thất bại".
Điều này một phần đến từ việc ông Chung có nhiều năm làm việc với các nữ cầu thủ trước đây nên rất hiểu tâm lý, tinh thần cầu thủ, một phần nữa nằm ở việc ông đã thay đổi lối chơi quá nghiêng về phòng thủ (thời Trần Vân Phát), quá chú trọng tới yếu tố sức mạnh và bóng bổng bóng dài (thời Kakeshi) để chuyển qua sơ đồ 4-2-3-1 với những pha phối hợp nhỏ, kỹ thuật, phù hợp với tố chất các cô gái Việt Nam.
Hôm nay mong là cái duyên của "tướng" Chung trong những lần chạm trán người Thái sẽ tiếp tục được phát huy, để ĐT nữ Việt Nam trở lại với vị thế “bà hoàng” khu vực.
Malaysia không xem Việt Nam là đối thủ chính
Sau khi lá thăm AFF Suzuki Cup 2016 đưa Malaysia vào bảng B cùng Việt Nam, Myanmar là một đội đứng đầu vòng đấu loại (trong bốn đội Campuchia, Lào, Đông Timor, Brunei), HLV trưởng ĐT Malaysia Ong Kim Swee đã đưa ra những nhận định đầu tiên. Một mặt Ong Kim Swee phàn nàn về việc giải Ngoại hạng Malaysia kết thúc vào cuối tháng 10, nên ĐT nước này có chưa tròn 1 tháng chuẩn bị cho AFF Cup, một mặt ông thẳng thừng đánh giá: "Việt Nam không dễ chơi, nhưng Myanmar mới là rào cản lớn". Lý do Ong Kim Swee đưa ra nhận định này là: "Myanmar có lợi thế chủ nhà, và cũng là đội có quá trình chuẩn bị kỹ càng, lâu dài cho giải đấu". Nếu so với các đội Philippines, Thái Lan, Singapore, Indonesia ở bảng A thì bảng B có vẻ dễ chịu và dễ thở hơn. Tuy nhiên, theo HLV trưởng ĐTVN Nguyễn Hữu Thắng thì ở thời điểm này trình độ các đội bóng Đông Nam Á cũng tương đương nhau, với bằng chứng là trong trận giao hữu quốc tế gần đây thậm chí ĐT Campuchia còn đánh bại cả ĐT Singapore. Cho nên, cũng không có quá nhiều khác biệt ở hai bảng. Điều quan trọng là ĐT Việt Nam phải có quá trình chuẩn bị nghiêm túc để sẵn sàng đối phó với mọi đối thủ và mọi hoàn cảnh khó khăn. Giải đấu này, ĐT của ông Thắng nhận chỉ tiêu ít nhất cũng phải vào bán kết. Tuấn Thành |
Không lo thể lực Nhiều ý kiến cho rằng ở bán kết trong khi Thái Lan thắng dễ và thắng nhẹ Australia thì Việt Nam đã phải trải qua hơn 120 phút với chủ nhà Myanmar nên xét về mặt thể lực Thái Lan sẽ nhỉnh hơn. Tuy nhiên HLV trưởng Mai Đức Chung cho biết trong chuyến tập huấn tại châu Âu trước giải đấu này, ĐT nữ Việt Nam đã có sự tích luỹ thể lực khá kỹ nên đấy không phải là một nỗi lo. Theo ông Chung, xét ở tất cả các yếu tố thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, Việt Nam và Thái Lan lúc này ngang ngửa nhau nên đội nào có tinh thần vững vàng hơn, đội đó sẽ giành chiến thắng. Ngọc Anh |