Xung quanh chức vô địch V.League 2015 của Becamex. Bình Dương:

Mốc son Mai Đức Chung

Thứ Năm, 03/09/2015, 07:30
Với CLB Bình Dương, một chức vô địch V.League vào lúc này cũng không phải là điều quá đỗi xúc cảm và kỳ tích, vì đấy đã là chức vô địch thứ 4 của họ trong chưa đầy một thập kỷ. Nhưng với Giám đốc kĩ thuật Bình Dương Mai Đức Chung thì chức vô địch V.League năm nay lại là mốc son trong cuộc đời huấn luyện của riêng mình.


Thật tình cờ, ông Chung nhận tin vô địch trên sân Lạch Tray - Hải Phòng, cái sân mà năm 2003 ông cũng từng vô địch SEA Games với đội tuyển nữ Việt Nam. Ai cũng biết, ở ĐT quốc gia nữ và ĐT quốc gia nam, lần lượt trong các vai trò HLV trưởng và trợ lý số 1 cho HLV trưởng, ông Chung luôn là một người cực kỳ mát tay.

Ngoại trừ những thành công đặc biệt với ĐT nữ, ông Chung có một thời gian dài luôn là "nhà tư vấn" số 1 cho các đời thầy ngoại ở ĐT nam, và dưới thời HLV Alfred Reidl thì đã có lúc ông Chung đảm nhiệm vị trí quyền HLV khi nhà cầm quân người Áo về quê nhà chữa bệnh. Đấy là lúc ông đã uyển chuyển kéo tiền đạo Công Vinh xuống đá thấp, chuyển sơ đồ 4-4-2 kinh điển của Reidl sang 4-2-3-1, và nhờ thế đội bóng của chúng ta đã có những thành công lớn.

Năm 2009 thì ông Chung quay lại sân chơi quốc gia trong tư cách HLV trưởng một CLB, và có thể nói đấy là một thay đổi lớn của ông. Bởi  lần gần nhất trước đó ông dẫn một CLB dự giải đấu này là Tổng cục Đường sắt từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, và ai cũng hiểu môi trường CLB và giải VĐQG Việt Nam thời "chuyên nghiệp trá hình" hiện nay khác xa cái thời bao cấp của gần 30 năm trước. 

Có lẽ chính vì những khác biệt ấy mà không lâu sau khi mạo hiểm lĩnh ấn kiếm ở Bình Dương, ông đã phải âm thầm ra đi. Phải nói đấy là một lần ra đi cay đắng khi sau một loạt trận Bình Dương thi đấu không như ý, những nhà lãnh đạo Bình Dương đã mời sẵn ông Đặng Trần Chỉnh làm Giám đốc kỹ thuật - một dấu hiệu chứng tỏ họ sẵn sàng thay thế ông Chung. Và sau một trận đấu Bình Dương tự thua trên sân Hàng Đẫy trước HN.T&T thì điều phải đến rồi cũng đến: ông Chung ra đi, ông Chỉnh lên nắm quyền.

Ông Chung trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: H.M.

Rời Bình Dương, ông Chung sau này về dẫn Navibank Sài Gòn rồi Thanh Hoá, và chỉ có mùa giải năm ngoái ở Thanh Hoá là có vẻ thành công với ông. Đấy là năm mà Thanh Hoá đã bất ngờ giật HCĐ, nhưng vào đúng lúc ai cũng nghĩ ông sẽ cùng Thanh Hoá bước vào một mùa giải mới đầy tham vọng thì những va chạm với "thượng tầng" xứ Thanh mà ông lại ra đi. Lần này thì ông về làm Trưởng phòng các đội tuyển Quốc gia của VFF, và người ta bảo đấy là một vị trí phù hợp với mẫu người lành lành, ngại va chạm của ông, cũng rất có thể là vị trí cuối cùng của ông trước khi giã từ cuộc chơi bóng đá.

Thế mà đùng một cái ông lại đồng ý quay về Bình Dương làm Giám đốc kỹ thuật thay cho người bạn thân Lê Thuỵ Hải. Lần này, bên cạnh sự ôn hoà trong những thời điểm cần phải ôn hoà (chẳng hạn trong việc sắp xếp nhân sự ra sân, nơi mà nhiều cầu thủ dự bị dưới thời ông Hải đã được vào sân nhiều hơn, thậm chí được đá chính) ông Chung thi thoảng cũng không ngại "cứng". Điển hình như khi Bình Dương thua đau và thua lạ trước "đám trẻ nhà bầu Đức" trên sân Pleiku thì ông đã nói thẳng tưng: "Có một số vị trí không đá hết mình để giữ chân lên Đội tuyển". Những phát ngôn giống như những đòn "nắn gân" tâm lý như vậy là điều gần như không tồn tại ở ông hồi trước, nhưng có lẽ cũng nhờ những đòn "nắn gân" như thế mà Bình Dương của ông bây giờ đã khác và khác rất nhiều so với Bình Dương của chính ông năm 2009.

Vòng 23 V.League, sau trận "chung kết" thắng áp đảo FLC Thanh Hoá, ông Chung vẫn thận trọng bảo: "Chúng tôi chưa vô địch". Nhưng đến vòng 24 vừa rồi, khi Bình Dương hoà trên sân Hải Phòng, còn Thanh Hoá thua đau ngay trên sân nhà thì đội ông đã vô địch V.League trước 2 vòng đấu.

Chúc mừng một mốc son mới trong cuộc đời huấn luyện của ông Chung, và mong là sau một lần lên ngôi, ông vẫn tiếp tục thành công ở một nơi vẫn được ví như... miền đất dữ.

Không dưới 10 tỷ đồng tiền thưởng

Vô địch V.League năm nay, thầy trò CLB Bình Dương nhận được 3 tỷ đồng tiền thưởng của VPF, 5 tỷ đồng tiền thưởng từ lãnh đạo CLB. Ngoài ra UBND tỉnh và các doanh nghiệp địa phương cũng sẽ có những khoản thưởng riêng cho đội. Theo ước tính tổng cộng số tiền này sẽ không dưới 10 tỷ đồng, nhưng nó vẫn chưa phải là con số cuối cùng, bởi sắp tới Bình Dương còn một trận chung kết Cúp Quốc gia với HN.T&T, và nếu giành chiến thắng để đoạt cú đúp danh hiệu trong năm, chắc chắn họ sẽ được nhận thêm một khoản không nhỏ nữa.

Ngọc Anh 

Ngôi vô địch không "cứu" được đoạn kết khét mùi

Vòng 24 V.League chiều thứ Ba vừa rồi, lẽ ra chức vô địch V.League của Bình Dương sẽ là điều đáng quan tâm nhất. Nhưng thực tế thì báo giới và người hâm mộ (ngoại trừ người hâm mộ Bình Dương) lại dồn sự chú ý vào những trận cầu “khét lẹt” liên quan đến cuộc đua chống xuống hạng. Đấy là chiến thắng 3-2 khó tin của HA.GL trước HN.T&T sau khi bị dẫn tới 2 bàn trong hiệp 1, là chiến thắng 3 bàn của Cần Thơ trước Sông Lam Nghệ An trong một trận đấu mà trước lúc bóng lăn nhiều người đã dự đoán là "Cần Thơ chắc thắng". Và một phần nào đó còn là trận hoà 4-4 giữa Đồng Tâm Long An và Đồng Nai sau 90 phút mà nhiều người đã phải thốt lên: "Nếu Đồng Nai biết ghi bàn thì họ cũng thắng luôn rồi...".

Thật trùng hợp là những đội cần tích điểm trụ hạng như HA.GL, Cần Thơ, Đồng Nai đều có một vòng đấu hoà đến thắng, và đấy đều là những trận đấu mà đối thủ của họ có nhiều biểu hiện không chơi hết mình. Rõ ràng, chức vô địch lần thứ 4 chói sáng của Bình Dương không che được những trận cầu khét và một đoạn kết khét của V.League năm nay.

Chờ xem VPF với ông trưởng giải trẻ tuổi Nguyễn Minh Ngọc sẽ dũng cảm làm cho ra nhẽ hay lại xuê xoa, bất lực với câu hỏi muôn đời: bằng chứng đâu?

Tuấn Thành  

Diệp Xưa
.
.
.