Dự nợ tín dụng và trái phiếu bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro
- Trái phiếu doanh nghiệp “hút” hơn 400 nghìn tỷ đồng: Hãy cẩn trọng!
- Trái phiếu vĩnh viễn - lối thoát cho nền tài chính EU?
- Rủi ro lớn từ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo
Dù thị trường gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và do vướng pháp lý, nhưng đến cuối năm vừa qua, dư nợ tín dụng (DNTD) của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh đã ở mức 293.750 tỉ đồng; chiếm khoảng 13% tổng DNTD trên địa bàn thành phố và tăng 5,9% so với trước đó 1 năm. Cùng lúc, nợ xấu tín dụng của DN BĐS tại thành phố cũng ở mức 2,7% tổng dư nợ BĐS.
Theo Hiệp hội BĐS thành phố, nợ xấu BĐS tuy vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay. Đáng quan ngại hơn là trong vài trăm nghìn tỉ đồng DNTD tiêu dùng, cũng đã có khoảng 42% vốn vay được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực BĐS, nhất là để kinh doanh nhà, đất.
Cùng lúc, phát hành trái phiếu DN BĐS tại thành phố năm 2020 cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng giá trị trái phiếu DN BĐS đạt 63.155 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 19,4% tổng giá trị phát hành trái phiếu DN tại thành phố.
Trong đó, có đến 12 tập đoàn, DN BĐS có tổng giá trị phát hành trái phiếu trên 3.000 tỉ đồng mỗi đơn vị. Đặc biệt là đã có 4 tập đoàn BĐS lớn có tổng giá trị trái phiếu phát hành từ 8.000-12.000 tỉ đồng mỗi đơn vị.
Để phát hành được số tiền lớn như vậy, lãi suất trái phiếu BĐS thường được DN để ở mức cao, trên 8%/năm, cá biệt có trái phiếu có lãi suất lên đến 18%/năm. Lãi cao nên tỉ lệ nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân cũng tăng mạnh khi đã có khoảng 50% nhà đầu tư cá nhân chọn mua trái phiếu DN BĐS.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đầu tư trái phiếu vốn là sân chơi của người chuyên nghiệp và thường đầu tư vào trái phiếu có lãi suất cao.
Theo một số chuyên gia về tài chính, rủi ro thường rơi vào thời điểm đáo hạn trái phiếu trong khoảng trên dưới 5 năm tới. Nhất là đối với các trái phiếu cam kết trả lãi cao nhưng DN hoạt động không hiệu quả hoặc thiếu các biện pháp đảm bảo rủi ro cho nhà đầu tư.