Trái phiếu doanh nghiệp “hút” hơn 400 nghìn tỷ đồng: Hãy cẩn trọng!

Thứ Hai, 18/01/2021, 08:09
Trong thời điểm các kênh đầu tư khó khăn, lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng xuống thấp, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là nhiều rủi ro đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân


Theo số liệu công bố từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2020, có 277 doanh nghiệp tham gia phát hành TPDN, huy động thành công 403.469 tỷ đồng, thông qua 2.228 đợt phát hành. Riêng trong tháng 12/2020, có 98 đợt đăng ký phát hành với tổng giá trị đăng ký lên tới 75.350 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần so với tháng trước. Trong đó, có 47 đợt phát hành thành công đến từ 35 doanh nghiệp, huy động được 34.470 tỷ đồng, chiếm 45,7% tổng giá trị đăng ký. 

Xét theo loại hình doanh nghiệp, nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khi phát hành thành công hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm 55,13% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Tiếp đến là nhóm bất động sản và xây dựng với tỷ trọng lần lượt là 5,88% và 4,38%. Các loại hình doanh nghiệp khác chiếm tới 28,35% giá trị trái phiếu phát hành trong tháng 12/2020.

Nhiều nhà băng “sống khỏe” nhờ trái phiếu doanh nghiệp.

Mặc dù nhìn vào khối lượng phát hành TPDN thì trong quý cuối cùng của năm, lượng trái phiếu đã có vẻ “bớt nóng” sau khi Bộ Tài chính liên tục đưa ra khuyến cáo và nhất là khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 đã thắt chặt các điều kiện phát hành TPDN như tiêu chuẩn đối với tổ chức phát hành, giới hạn số lượng nhà đầu tư, thêm điều kiện đối với các tổ chức tư vấn phát hành… 

Đây được xem là “vắc-xin” liều cao chặn đứng cơn sốt thị trường, vì ngay khi có hiệu lực, tỷ lệ phát hành TPDN đã giảm hẳn trong tháng đầu tiên, với tổng giá trị TPDN phát hành ra thị trường giảm 88,8% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, nhìn vào tháng 12, số lượng phát hành TPDN lại cao gấp 4,2 lần so với tháng trước. 

Tháng 1, đặc biệt là sau Tết Âm lịch, nguồn tiền nhàn rỗi sẽ có nhiều hơn, khả năng dòng tiền sẽ lại chảy vào TPDN được nhiều chuyên gia nhận định, nhất là trong thời điểm các kênh đầu tư đều gặp khó, trong đó lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngày càng xuống thấp thì TPDN vẫn là nơi thu hút nguồn vốn đáng kể. 

Điều đáng nói là hiện nay, sức hút của TPDN không đến từ chất lượng kinh doanh, mà đến từ lãi suất được doanh nghiệp đưa ra “câu nhử”, dù phần lớn trong số đó không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm là chính trái phiếu. Theo các chuyên gia phân tích, nếu dùng chính trái phiếu làm tài sản đảm bảo thì rủi ro cũng chẳng khác gì trái phiếu không có tài sản đảm bảo. 

“Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản đảm bảo là cổ phiếu vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh, thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán/phá sản. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu”, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-SSI khuyến cáo.

Một số liệu thống kê cho thấy, dù tỷ lệ TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo yếu chiếm đa số, song tỷ lệ phát hành/chào bán thành công vẫn lên đến 98%, điều này cho thấy cho thấy nhu cầu thị trường ở mức cao. Đáng chú ý, bất động sản vẫn đứng đầu về lượng TPDN phát hành. Tuy nhiên, trong tổng số 88 doanh nghiệp phát hành, chỉ có 16 doanh nghiệp niêm yết, còn lại là trái phiếu 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành. 

Phân tích những rủi ro đến từ nhóm trái phiếu này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường bất động sản diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu. 

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải được khoản nợ lớn đã phát hành. Đối với doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng. 

Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

Một vấn đề khác cũng đang gây nhiều nghi ngại trên thị trường TPDN, đó là khách hàng mua TPDN lớn nhất trên thị trường là các nhà băng, với lượng TPDN mà các ngân hàng nắm giữ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. 

Theo nhìn nhận của các chuyên gia tài chính, việc ngân hàng đa dạng hóa danh mục trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn không phải là xấu, tuy nhiên, việc ngân hàng tăng đầu tư TPDN sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định đã phát sinh việc tổ chức tín dụng mua TPDN với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để cơ cấu lại nợ. 

Bởi vậy, bên cạnh hạn chế sức nóng của thị trường TPDN với nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng cần siết chặt hoạt động đầu tư TPDN của các ngân hàng, để vừa tránh rủi ro cho ngân hàng, doanh nghiệp, vừa bảo vệ nhà đầu tư. 

Hà An
.
.
.