Rủi ro lớn từ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo

Thứ Sáu, 30/10/2020, 15:53
Hơn 2/3 trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành trong 9 tháng đầu năm là không có hoặc không có thông tin về tài sản đảm bảo. Thế nhưng, mặc kệ rủi ro chờ chực, 98% TPDN vẫn được bán sạch.


98% TPDN đã có chủ

Theo số liệu thống kê của các chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn- SSI, trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp phát hành 341 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Nếu loại trừ 98 nghìn tỷ đồng TPDN không có thông tin về tài sản đảm bảo và toàn bộ 101,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán không có tài sản đảm bảo, số  trái phiếu không có tài sản đảm bảo là 43,5 nghìn tỷ. Trong nhóm TPDN không có tài sản bảo đảm, nhóm bất động sản chiếm gần một nửa với 20,5 nghìn tỷ đồng (TNR Holdings, Địa ốc Phú Long, CTCP BĐS Mỹ, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phú Thượng…). Số 22,6 nghìn tỷ TPDN không có tài sản đảm bảo khác là của các doanh nghiệp khác như  Masan, BCG, IPA… 

Có 29,1 nghìn tỷ trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức phát hành hoặc của bên thứ 3, gồm: 22,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản (Vinhomes, Phát Đạt, Novaland…); và các trái phiếu của Tổng CTCP Thiết bị Điện VN, Camimex, Uniben, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM…

Bất động sản đứng đầu về phát hành TPDN

Thế nhưng theo các chuyên gia phân tích, nếu dùng chính trái phiếu làm tài sản đảm bảo thì rủi ro cũng chẳng khác gì trái phiếu không có tài sản đảm bảo. 

Trên thực tế, dù tỷ lệ TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo yếu chiếm đa số, song tỷ lệ phát hành/chào bán thành công vẫn lên đến 98%, điều này cho thấy cho thấy nhu cầu thị trường ở mức cao. Đáng chú ý, bất động sản vẫn đứng đầu về lượng TPDN phát hành. Tuy nhiên, trong tổng số 88 doanh nghiệp phát hành, chỉ có 16 doanh nghiệp niêm yết, còn lại là trái phiếu 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành. Cùng với đó, lượng trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản 9 tháng đầu năm nay cũng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2019… Điều đáng nói, hiện tại, Việt Nam chưa có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm với TPDN. 

Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng đã được quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP cho thấy hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động xếp hạng tín nhiệm đã tương đối đầy đủ từ 5 năm trước đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp có giấy phép nhưng mới triển khai dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho rất ít các doanh nghiệp. Hiện tại, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Standard and Poor’s thành lập tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm. SSI kỳ vọng, hoạt động định hạng tín nhiệm được kỳ vọng sẽ triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.

Hoàn thiện chính sách để hạn chế rủi ro

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong xu hướng tăng trưởng nóng của TPDN, có một số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, một số doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh quy mô phát hành và nhằm thu hút nhà đầu tư đã đẩy cao lãi suất phát hành.

 Phân tích những rủi ro đến từ nhóm trái phiếu này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường bất động sản diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu. 

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải  được khoản nợ lớn đã phát hành. Đối với doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng. Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

Trước thực trạng này, đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ Tài chính thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình thị trường TPDN và khung khổ pháp lý để giúp các nhà đầu tư và các đối tượng tham gia thị trường nắm bắt và tuân thủ quy định của pháp luật, phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu. Ban hành nhiều thông cáo báo chí để khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường TPDN, cảnh báo nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc về các rủi ro khi đầu tư TPDN, thận trọng đối với việc chào mời và cam kết. 

Song song với đó, cơ chế chính sách về phát hành TPDN liên tục được Bộ Tài chính hoàn thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường. Khung pháp lý mới nhất và được cho là hiệu quả tức thì là Nghị định 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/0/2020 đã thắt chặt các điều kiện phát hành TPDN như tiêu chuẩn đối với tổ chức phát hành, giới hạn số lượng nhà đầu tư, thêm điều kiện đối với các tổ chức tư vấn phát hành… 

Thế nên, trong tháng 9, lượng TPDN phát hành đã giảm đáng kể. Số liệu được đưa ra trong Báo cáo “Thị trường TPDN tháng 10-2020”  do Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT phát hành cho thấy trong tháng 9-2020, tổng giá trị TPDN phát hành ra thị trường đạt 12.981 tỷ đồng, giảm 88,8% so với tháng 8-2020, trong đó, 10.522 tỷ đồng là TPDN phát hành riêng lẻ, còn lại 2.459 tỷ TPDN phát hành ra công chúng…

Hà An
.
.
.