Phi công Ấn Độ kịp bung dù nhưng vẫn thiệt mạng vì gãy cổ
Theo các quan chức IAF, chiếc tiêm kích đã cất cánh từ thành phố Suratgarh, bang Rajasthan đến thành phố Jagraon ở bang Punjab để tiến hành huấn luyện ban đêm. Sự cố xảy ra trong lúc phi cơ trở về căn cứ, chưa rõ nguyên nhân tai nạn.
Phi công gặp nạn được xác định là trưởng Phi đội IAF MCC Abhinav Chaudhary.
Hiện trường vụ việc. (Ảnh: Indian Express) |
Đội cảnh sát địa phương và các quan chức IAF từ căn cứ không quân Bathinda và Halwara đã đến hiện trường ngay sau khi vụ việc xảy ra. Sau 4 giờ tìm kiếm, thi thể phi công Abhinav Chaudhary đã được tìm thấy cách nơi tiêm kích rơi gần 2 km.
"Dù đã được mở ra và tín hiệu cấp cứu cũng được phát đi nhưng anh ấy đã tử vong trước khi lực lượng cứu hộ tới. Chaudhary đã cố gắng hạ cánh an toàn bằng cách sử dụng một chiếc dù nhưng dường như đã bị gãy cổ và cột sống", Gurdeep Singh, quan chức địa phương, cho hay.
"Đó là một sự cố đáng tiếc vì chúng tôi không thể cứu được phi công, nhưng may thay chiếc tiêm kích đã rơi xuống bãi đất trống. Không có thiệt hại về người khác và cư dân trong khu vực vẫn an toàn. Không có ngôi nhà nào bị hư hại", ông Singh nói thêm.
Trước đó, hôm 17/3, một phi công chiến đấu cấp cao của IAF đã thiệt mạng sau khi tiêm kích MiG-21 Bison gặp nạn lúc đang cất cánh tại thành phố Gwalior thuộc bang Madhya Pradesh.
Ấn Độ đã đặt mua 1.200 chiếc MiG-21 từ Liên Xô vào đầu những năm 1960. Tuy nhiên, chúng thường được gọi là "quan tài bay" do kém an toàn. Theo dữ liệu chính thức, hơn 20 chiếc MiG 21 đã gặp nạn kể từ năm 2010. Từ năm 2003 đến 2013, 38 tiêm kích MiG 21 đã bị rơi. Dữ liệu cũng cho thấy hơn 170 phi công đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến MiG 21.
Hiện tại, IAF vẫn đang biên chế 4 phi đội MiG 21. Việc loại biên tiêm kích này được cho là sẽ bắt đầu vào năm 2022, nhưng hiện đang bị trì hoãn do lo ngại ảnh hưởng tới sức mạnh của IAF. Theo thông tin, tất cả 4 phi đội MiG 21 Bisons có thể sẽ bị loại biên dần trong vòng 5-6 năm tới.