Dự án “chết yểu”, người mua nhà ôm trái đắng

Chủ Nhật, 03/01/2021, 07:38
Phấn khởi huy động mọi nguồn để có tiền đóng cho chủ đầu tư, với hy vọng chỉ một thời gian ngắn sẽ có được “chốn an cư”. Thế nhưng rồi, thời gian chờ đợi thay vì một, hai năm nay đã lên đến cả chục năm. Càng xót xa hơn khi đóng cả đống tiền vào đó, nhưng hằng ngày những khách hàng này phải nhìn dự án đình trệ, ngừng thi công, sắt thép hoen gỉ theo thời gian.

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc dự án đình trệ, nhưng câu chuyện phương án nào, hướng nào để người mua nhà lấy được lại nhà… là câu chuyện phải bàn.

Trơ gan cùng tuế nguyệt

Theo tiến độ, mỗi khách hàng như anh Trần Công Ảnh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải đóng từ 600 đến 800 triệu đồng vào dự án Sky Garden Tower ngõ 115 Định Công. Thế nhưng sau thời gian rầm rộ thi công, đến năm 2013, khi mới thi công đến tầng 8 thì dự án dừng lại và “trơ gan cùng tuế nguyệt” từ đó đến nay. Hiện, gỉ sắt bám thành từng mảng tại các thanh sắt chờ tầng 8, các tấm che vật liệu xây dựng tơi tả, công trường không còn hoạt động thi công. Cỏ mọc um tùm trong khuôn viên dự án, cánh cổng đi vào công trường luôn đóng chặt.

Không ít khách hàng đang bị sa lầy vào các dự án chậm tiến độ nhiều năm.

“Nhiều khách hàng, trong đó có tôi lúc đó đã phải đi vay từ ngân hàng để đóng tiền vào dự án theo tiến độ chủ đầu tư đưa ra. Đến nay, dù dự án không triển khai được tiếp, nhà không có nhưng không ít người vẫn đang phải còng lưng gánh lãi vay từ ngân hàng. Lúc ký hợp đồng mua nhà hy vọng bao nhiêu thì những năm qua lại thấy ê chề bấy nhiêu. Khách hàng cũng gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng cũng không có gì chuyển biến”, anh Trần Công Ảnh chia sẻ.

Theo tìm hiểu, Dự án Sky Garden Towers nằm trong ngõ 115 phố Định Công, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 28 tầng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, 2 tầng hầm, 360 căn hộ. Khởi công ngày 14/1/2012, dự kiến hoàn thành quý 3/2014, thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, dự án đã dừng thi công khi xây tới phần thô 8 tầng nổi và 2 tầng hầm. Nguyên nhân dự án này dừng thi công đã từng làm nóng dư luận khi giám đốc doanh nghiệp này bỗng dưng “mất tích”.

Lý do này cũng được nêu tại Văn bản số 6015/SXD-TTr mà Sở Xây dựng TP Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội: Theo phản ánh từ cơ sở, nguyên nhân chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án là do hiện tại cán bộ, nhân viên của Công ty và các cơ quan đơn vị không thể liên hệ được với Giám đốc Công ty TNHH Định Công.

Không chỉ có Sky Garden Tower 115 Định Công mà còn hàng loạt dự án khác dù đã khởi công từ cách đây nhiều năm nhưng cũng chưa hẹn ngày về đích như: Dự án Golden Millennium Tower (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) phát triển đã 11 năm nay, song hơn 300 khách hàng vẫn chưa thể nhận nhà; hay như dự án Usilk City (Khu đô thị Văn Khê) sau gần 10 năm bị bỏ hoang cũng chỉ mới rục rịch tái khởi công…

Thay thế chủ đầu tư    

Thực hiện chỉ đạo kiểm tra, xử lý về việc các dự án “treo”, bỏ hoang ở nhiều quận, huyện, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay đối với những dự án này. Thực tế, ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, gây mất trật tự, văn minh đô thị.

Theo Luật Đất đai 2013, các dự án chậm tiến độ sẽ được gia hạn thêm 24 tháng. Trong thời gian gia hạn, nếu doanh nghiệp không triển khai được dự án, cũng không tự thanh lý được tài sản, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi dự án mà không phải bồi thường thiệt hại, hay bồi thường tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp. Những năm qua, không ít dự án đã được các cơ quan chức năng của Hà Nội kiến nghị thu hồi, chuyển chủ đầu tư.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, Sở đã phối hợp các sở, ban, ngành triển khai đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 379 dự án và có kết luận, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng dự án theo quy định.

Trong đó, kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư 28 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, đối với 25 dự án với tổng diện tích 39ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng…

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, những dự án chậm tiến độ này đang “chôn” số vốn khổng lồ, rất lãng phí. Nếu các hợp đồng mua bán nhà được ký khi Luật Kinh doanh bất động sản 2015 đã có hiệu lực thì đã có bảo lãnh từ phía ngân hàng. “Với những dự án triển khai trước thời điểm luật này có hiệu lực thì giải pháp hiện nay có thể tính toán theo phương án tất cả những người góp vốn sẽ thành cổ đông, tính toán lại, thuê đấu thầu, thuê nhà đầu tư tiếp tục thực hiện. Để thực hiện được cần sự đồng lòng từ ba phía cả chính quyền, chủ đầu tư và người dân”, ông Đính nêu giải pháp.

Câu chuyện mòn mỏi đòi quyền lợi của những người mua nhà tại các dự án như thế này nhiều năm qua không còn là lạ lẫm. Theo Luật sư Trần Quang Khải (Văn phòng Luật sư Trần Quang Khải và Cộng sự) cho rằng, phương án tối ưu là thay thế chủ đầu tư.

“Lúc này quyền lợi của người mua nhà (các khách hàng đã đóng tiền vào dự án) sẽ đảm bảo bằng các phương thức khác nhau. Ví dụ như quyền được ưu tiên mua căn hộ, nhưng vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả cho nhà đầu tư mới. Hoặc nếu khách hàng không muốn mua căn hộ nữa thì nhận lại tiền. Lúc này chủ đầu tư mới kế thừa những gì chủ đầu tư cũ thì sẽ trả lại tiền cho người dân”, Luật sư Khải nêu giải pháp. Luật sư Trần Quang Khải lý giải, theo quy định, các chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ về đầu tư, vi phạm về thời gian, tiến độ dự án… thì lúc đó cơ quan quản lý nhà nước có quyền thu hồi. Từ đó tiến hành tìm kiếm, thay thế chủ đầu tư mới để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Phan Hoạt
.
.
.