Nhiều dự án trọng điểm của Hà Nội chậm tiến độ

Thứ Sáu, 28/06/2019, 09:44
Hết 5 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng đạt khoảng 31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (33,17%). Chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của thành phố...

Ngày 27-6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội đã giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2019 bàn về một số vấn đề quan trọng, cấp bách như kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; triển khai Kế hoạch bảo đảm cấp, thoát nước mùa hè năm 2019; công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.

36 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ

Trình bày báo cáo kiểm đếm tiến độ giải ngân vốn đầu tư cấp thành phố và các quận, huyện, thị xã tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, nhìn chung tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố là chậm, nhất là ở cấp thành phố. Hết 5 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng đạt khoảng 31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (33,17%). Chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của thành phố.

Về tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đến thời điểm này, trong số 29 dự án ngân sách và ODA với tổng mức đầu tư 154.039 tỷ đồng, đã hoàn thành 5 dự án và 1 hạng mục dự án, 4 dự án khởi công mới trong năm 2019, 2 dự án dự kiến chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng BT sang ngân sách.

Đối với 24 dự án PPP, tổng mức đầu tư khoảng 337.069 tỷ đồng, hiện có 3 dự án đang triển khai, 21 dự án còn lại tạm dừng theo ý kiến của Bộ Tài chính để chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Đối với 2 dự án xã hội hóa, dự án Bệnh viện Tim Hà Nội đã có văn bản đề nghị chuyển đổi sang đầu tư bằng vốn ngân sách và vốn vay tín dụng, dự án Hạ tầng khu công viên phần mềm đang bổ sung làm rõ thêm các nội dung để báo cáo Thành ủy chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, chủ trương đầu tư dự án.

Chưa biết đến bao giờ dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông mới khai thác thương mại?

Như vậy, trong tổng số 55 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, đến nay có 19 dự án đáp ứng tiến độ ban đầu, 36 dự án chậm tiến độ. Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội chỉ rõ, nguyên nhân khiến các dự án ngân sách, ODA chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, gây khó khăn trong thực hiện, dẫn đến người dân khiếu kiện, như: GPMB các ga ngầm của 2 tuyến đường sắt, vành đai 3; Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích…

Cùng đó, trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và cả chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến quá trình thực hiện còn lúng túng; một số dự án phải thiết kế, điều chỉnh dự án. Còn đối với các dự án PPP, nguyên nhân chậm tiến độ là do các Bộ chậm ban hành thông tư hướng dẫn sửa đổi, thay thế các văn bản hiện hành…

Ngoài vấn đề trên, vấn đề cung cấp nước sạch mùa hè 2019 cũng đã được đưa ra bàn thảo. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Với tốc độ phát triển đô thị tăng thêm trên 6% so với năm 2018 và nhu cầu sử dụng nước của nhân dân vào thời gian cao điểm mùa hè tăng khoảng 5-10% thì với sản lượng dự kiến khai thác 1.235.000m3/ngđ là cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân hè 2019 với tỷ lệ cấp nước đạt 100%, và chi tiêu là khoảng 100 đến 150 lít/người/ngày.

Để đảm bảo công tác cung cấp nước sạch mùa hè 2019, TP yêu cầu các Công ty Nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch mùa hè 2019, đặc biệt đối với tình huống sự cố vỡ tuyến ống số 1 sông Đà hoặc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cấp nước sông Đuống. Vì thế, TP đảm bảo duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất nước khoảng 1.235.000-1.370.000 m3/ngày đêm.

Về Kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2019, 6 tháng đầu năm, thành phố đã xóa thêm được 4 “điểm đen” về úng ngập. Đồng thời, nhằm phòng, chống úng ngập hiệu quả, thành phố thực hiện nhiều nhóm giải pháp, tiếp tục nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị, phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ để xử lý những điểm trũng trên các trục đường chính khi có mưa lớn. Các cơ quan có trách nhiệm sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến chậm giải ngân xây dựng cơ bản

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề cập, phân tích từng vấn đề đã được thảo luận, đồng thời chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm, lưu ý một số vấn đề mấu chốt cần được các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đáng chú ý, chỉ rõ một số bất cập trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và tiến độ chậm của một số công trình, dự án trọng điểm; những vướng mắc trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cấp, thoát nước, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến các lĩnh vực xây dựng cơ bản, từ đó có giải pháp quyết liệt khắc phục trong thời gian tới. Đảng đoàn HĐND thành phố chỉ đạo tiến hành giám sát về các nội dung này.

Đồng chí Hoàng Trung Hải  cũng nhấn mạnh, thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ 2015-2020 không còn nhiều, năm 2020 là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nên nguy cơ chậm tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản sẽ bị ảnh hưởng thêm. Do đó, ngay sau hội nghị này, các cơ quan có trách nhiệm phải tập trung quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, nâng cao tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nhật Uyên
.
.
.