Có một Nick Vujicic Việt Nam

Chủ Nhật, 10/12/2017, 15:13
Có ai đó từng nói rằng, ông trời chẳng bao giờ lấy đi của ai tất cả bao giờ. Tạo hóa đã mang đi thứ này, thì lại bù đắp cho họ một thứ khác. Tạ Duy Anh, một diễn giả trẻ tuổi khuyết tật sinh năm 1990, là một người luôn tin vào quy luật bù trừ như thế.

Cậu cũng tin rằng, dù số phận sinh ra là một người khuyết tật nhưng không bao giờ Duy Anh chấp nhận đầu hàng số phận. Duy Anh cho rằng, khi nào bạn dành cho bản thân mình một tình yêu đủ lớn, khi đó bạn sẽ tự khắc lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống.

Cậu bé sinh non

Duy Anh sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là bộ đội, từng là những người lính chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị. Họ đều là những người lính được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước vì nhiễm chất độc da cam dioxin. Hai người lính trở về sau chiến tranh, gặp nhau thì họ đã gần 40, quyết định lấy nhau rồi sinh Duy Anh để hai vợ chồng có người nương tựa lúc về già.

Nhưng rồi, cậu bé Duy Anh chỉ ở trong bụng mẹ có sáu tháng rưỡi đã “đòi” ra ngoài. Mẹ cậu sinh non do tuổi cao và những ảnh hưởng của cơ thể vì nhiễm chất độc da cam. Duy Anh bị sinh thiếu tháng và chỉ nặng 1,1 kg.

Tạ Duy Anh chụp ảnh cùng Nick Vujicic.

Trong khi Duy Anh nằm trong lồng ấp, thở máy tại bệnh viện, các bác sĩ thông báo với bố mẹ cậu rằng, cậu chỉ có thể sống được ba ngày nữa. Cơ thể cậu bé còn quá non nớt và không đủ sức đề kháng để sống được trong môi trường bên ngoài. Người mẹ như một con cua bấy bất lực nằm đó thương xót cậu con trai, khóc ròng trong đau đớn.

Còn người cha của Duy Anh, trở về nhà, quyết định bán nhà, để đủ tiền mua sâm và nhung cho con uống. Mới ba ngày tuổi, không hiểu bằng cách nào mà bố cậu bé lén trộm bác sĩ nghiền sâm nhung vào sữa cho con uống, mỗi bữa một tí ti. Kỳ lạ, cũng không biết là vì cái gì nữa, mà chỉ mấy ngày sau, da cậu bé hồng hào trở lại như một phép màu.

Sau một thời gian nằm viện, Duy Anh được gia đình đón về trong niềm vui khôn xiết. Nhìn ánh mắt lanh lợi và nụ cười luôn nở trên môi cậu bé con xíu xiu, bố mẹ cậu thầm cảm ơn tạo hóa đã mang đến cho mình một báu vật cuộc đời. Một năm, hai năm, rồi ba năm trôi qua, niềm vui ấy đã nhường chỗ cho sự lo lắng khi cậu bé không biết đi, không biết nói, dù ánh mắt ấy vẫn làm cho bố mẹ cậu tin rằng, con không thể vô nghĩa trong cuộc đời này.

Họ đưa con đi chữa chạy khắp nơi, nhưng kết quả nhận được là Duy Anh không có khả năng đi lại bình thường và phải dùng đến xe đẩy hỗ trợ. Cậu cũng không thể nói năng bình thường và phải chấp nhận suốt đời vì những tổn thương trong cơ thể do sinh non.

Hành trình tìm con chữ

Dù không phải là một người bình thường như chúng bạn, nhưng Duy Anh vẫn khao khát đến trường để học chữ. Bố cậu là người hằng ngày cõng con đến lớp rồi giờ tan học đến cõng con về. Vì học trường công nên lớp học bao giờ cũng đông và Duy Anh thường bị các bạn trêu chọc. Thậm chí, trở thành một nơi để hầu hết các bạn trút giận hờn, ghen ghét và trò nghịch dại.

Những biệt danh như “Măng cụt”, “Bạch tuộc” được chúng bạn đặt cho Duy Anh vì tay phải của cậu không thể cử động như bình thường. Trong mọi tình huống, bàn tay chỉ có thể cử động thụ động khi được tay trái sắp xếp vào đúng chỗ. Cậu tập viết bằng tay trái và khi đi học, chỉ được coi là thành phần “dự thính” nên cậu được kê riêng một bàn cuối lớp, thậm chí cách bàn cuối cùng khoảng một mét, hoặc có khi ngay cạnh thùng rác của lớp.

Không ai coi Duy Anh là cậu bé bình thường. Vì không thể hòa nhập với cộng đồng, mọi người chỉ nghĩ rằng, Duy Anh đi học để “xóa mù chữ”. Không ai tin rằng, một cậu bé khuyết tật như Duy Anh có thể học.

Không chỉ bị kỳ thị, trong suốt cả thời kỳ học cấp 2, Duy Anh là nạn nhận của vấn nạn bạo lực học đường bởi những trò nghịch dại của đám “nhất quỷ nhì ma”. Duy Anh kể lại: “Tôi nhớ có một lần, lớp học có 43 đứa thì chúng xúm lại áp đảo một mình tôi. Đánh thôi chưa đủ, có một hội mấy cậu còn nghiền nát phấn trắng, trộn với nước lã bắt tôi uống.

Giờ chào cờ thứ 2, nhiều cậu bạn trốn chào cờ và xếp những chồng ghế lên cao che chắn ô cửa để tránh ánh mắt bên ngoài nhìn vào, chúng nó lấy xích xích chân tôi lại, rồi bắt bò khiến tôi vô cùng tức giận. Tôi nhẫn nhịn mà không dám nói với bố mẹ, vì bố tôi rất nóng tính. Nếu biết, chắc ông sẽ không tha thứ cho những đứa bắt nạt tôi.

Bố luôn nói với tôi rằng, thành công chỉ đến với những ai biết kiên trì, nhẫn nại vượt qua khó khăn. Chẳng có con đường thành công nào dễ dàng và không có con đường thành công nào ngoài việc học. Chưa bao giờ bố coi tôi là một kẻ vô dụng, thậm chí, ông còn kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Tôi sợ nếu tôi bỏ học thì bố mẹ sẽ buồn nên âm thầm chịu đựng tất cả những ngày đến lớp trong sự kỳ thị. Về nhà, tôi lên gác xép và khóc một mình.

Rồi có một thời gian dài tôi bị mắc chứng trầm cảm. Tôi tìm đến cái chết, đã 3 lần tôi lấy lưỡi dao cạo râu của bố để cứa vào tay. Nhưng rồi bố mẹ phát hiện được và đã nói với tôi rất nhiều điều khiến tôi nghĩ lại về bản thân mình và những người xung quanh. Cho đến một ngày, tôi nhớ là năm đó tôi học lớp 9, tôi vẫn nhớ có một cậu bạn tên Đức, nhà chắc khá giả, hát hay, vẽ đẹp.

Trong giờ học thể dục, đã lấy lá ở sân trường, cho vào giày rồi nghiền nát bắt tôi nhai. Bạn bảo tôi: “Tao sẽ là ca sĩ, tao đi khắp thế giới, mày què cụt, như con bạch tuộc nên sau này chỉ đi ăn xin với hót rác thôi con ạ!” thì tôi quyết định thôi học để chấm dứt tất cả những tổn thương ấy”.

Tạ Duy Anh.

Chết đi sống lại

Sau khi nghỉ học, Duy Anh về nhà và theo lời giới thiệu của một người quen, đã đến Bát Tràng theo một trung tâm về nạn nhân chất độc da cam và những người bạn, để làm gốm, làm vòng đá để bán cho các hội chợ triển lãm. Buổi tối, khi xong việc, Duy Anh lấy xe gỗ đẩy ra đầu chợ và nhìn thấy nhiều người làm tẩm quất dạo kiếm tiền khá tốt. Học mót được các anh, Duy Anh cũng biết làm và cũng đi mua một chiếc chiếu nhỏ tối đi làm tẩm quất.

Dù chỉ có một tay nhưng trong vòng 3 tháng trời, Duy Anh đã kiếm được 842 nghìn đồng, một số tiền đối với cậu là không hề nhỏ. Rồi một đêm, khi đang chuẩn bị ra về nghỉ ngơi thì Duy Anh bị một nhóm người (sau này cậu biết là nhóm bảo kê chỗ tẩm quất này) bắt đóng tiền bảo kê rồi cậu bị cướp hết tiền.

Dã man hơn nữa, chúng chở Duy Anh ra một khu đất hoang, để ở đó tự tìm cách lê về. Sau đó, đến buổi đêm, Duy Anh lê đến gõ cửa một quán cơm bình dân. Lúc đó đã 1h30 sáng, quán đóng cửa nhưng vợ chồng chủ quán, là chú Bình, Lan, đã giúp đỡ Duy Anh vào nhà. Vì đã hết hàng, chỉ còn mỗi cơm cháy, nước luộc rau muống và mấy quả cà muối thâm sì, họ đã mời cậu một bữa ăn mà sau này Duy Anh bảo, đó là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời của cậu. Vì đó là bữa cơm đã cứu sống cậu sau những ngày đói khát nhất. Sau này, món “tủ” của Duy Anh cũng là những thứ đơn giản này.

Trở về trung tâm, mọi người đang náo loạn đi tìm cậu. Rồi Duy Anh xin về nhà thăm bố mẹ ở Hà Nội. Về đến nhà thấy con quá hốc hác và gầy yếu, mẹ Duy Anh đã giữ con ở nhà không cho đi làm nữa. Trong lúc đi quanh làng tập thể dục cùng chiếc xe đẩy thì cậu tìm thấy một tờ báo EChip cũ kỹ nói về phần mềm mix nhạc trên máy tính. Vì nhà chưa có mạng nên Duy Anh đã ra quán Internet để cài và tập mix nhạc. Xong, cậu tải lên mấy trang điện tử về âm nhạc.

Nhiều năm liền Duy Anh đã mix nhạc, sáng tác nhạc theo giai điệu nước ngoài để làm cho cuộc sống mình không đơn điệu. Rồi cũng tình cờ, có một người anh quen biết đã giới thiệu cậu với một công ty học về thuyết trình trước đám đông và cậu đã tham gia học. Cuộc đời của Duy Anh đã sang một trang mới kể từ đó.

Lấy những bài học từ cuộc đời mình, Duy Anh đã học tập và tham gia nhiều khóa đào tạo để trở thành một diễn giả có sức thuyết phục người khác. Dù nói chưa tròn vành rõ chữ, nhưng Duy Anh đã khiến người khác tin cậy và trao gửi rất nhiều tâm sự về cuộc đời, về tương lai.

Thành công từ tâm

Duy Anh có quan điểm: “Thành công bắt nguồn từ tâm. Tâm có sáng thì tầm mới cao” nên cậu đã tham gia những khóa đào tạo master cười quốc tế. Tốt nghiệp khóa huấn luyện diễn giả chuyên nghiệp “Thức tỉnh sự sống đích thực” của diễn giả Jason Fong, diễn giả lên tinh thần hàng đầu của Malaysia. Trong các năm từ 2008 đến nay, Duy Anh là diễn giả của trung tâm “Tâm Việt Group”; Phó chủ tịch CLB Ý chí Việt; Chủ tịch CLB Vượt lên số phận; Trưởng ban đào tạo CLB Triệu phú sinh viên...

Duy Anh cũng là người sáng lập, cố vấn chiến lược của Bồ Công Anh Group, nhân vật đặc biệt của Dự án Vượt lên số phận... Duy Anh cũng đã được gặp gỡ Nick Vujicic trong lần anh đến Việt Nam và Nick đã viết cho Duy Anh: “Cảm ơn em rất nhiều vì em cũng là một trong số rất nhiều người Việt Nam đã truyền cảm hứng cho tôi”.

Ảnh cưới của Tạ Duy Anh.

Với Duy Anh, công việc diễn giả đã mang lại cảm hứng sống cho bản thân cậu và cho rất nhiều người bạn khác. Thậm chí có những câu chuyện mang lại cho cậu niềm hạnh phúc lớn lao. Trong lần nói chuyện tại Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh), sau khi kết thúc buổi nói chuyện, có một sinh viên nữ đã lên dúi vào túi áo Duy Anh một mẩu giấy.

Trên đường ra sân bay, nhớ ra, Duy Anh mở đọc thì trong mẩu giấy ghi: “Cảm ơn anh, sau khi nghe buổi nói chuyện với anh, em đã bỏ ý định tự tử vào ngày mai để tiếp tục cuộc sống rất tươi đẹp phía trước!”.

Còn rất nhiều câu chuyện cảm động về những điều mà cậu bé khuyết tật Duy Anh đã làm được cho cộng đồng. Cũng trong những lần đi nói chuyện ấy, một kết thúc có hậu như cổ tích đã đến với cậu, đó là Duy Anh đã tìm được người bạn đời của mình. Dù gặp phải những rào cản từ phía gia đình cô gái, song, cuối cùng họ vẫn tìm đến được với nhau như là định mệnh.

Hiện tại gia đình họ đã có hai con một trai một gái khỏe mạnh, xinh đẹp và ngoan ngoãn. Đó là sự bù đắp không gì có thể tuyệt vời hơn cho hành trình đầy gian nan của một người đã biết vượt lên số phận, vượt lên chính mình...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.