Hiệu quả từ những hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Viettel tại huyện Bá Thước

Thứ Hai, 31/12/2018, 20:57
“Trao cần câu chứ không cho con cá” là triết lý trong chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel khi thực hiện chương trình 30a của Chính phủ. Hàng loạt những chuyển biến kinh tế, xã hội tại những nơi Viettel tài trợ đã chứng minh hiệu quả của những hỗ trợ xóa đói giảm nghèo mà Tập đoàn thực hiện từ năm 2009 tới nay…


Giảm nghèo nhanh và bền vững trước năm 2020 cho người dân 3 huyện nghèo Bá Thước, Mường Lát của Thanh Hóa, Đắc Krông của Quảng Trị là một trong những mục tiêu quan trọng mà Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã cam kết với Chính phủ trong khuôn khổ chương trình  Nghị quyết 30a từ năm 2009.

Sau 9 năm thực hiện, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó, huyện Bá Thước (65 tỷ đồng), Mường Lát (gần 60 tỷ đồng), Đắc Krông (hơn 76 tỷ đồng). Mặc dù còn không ít những khó khăn trên con đường thoát nghèo bền vững, nhưng thực tế cho thấy, sau 9 năm thực hiện, diện mạo cuộc sống của người dân địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực.

. Khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng Trạm Y tế xã Kỳ Tân, huyện 2 Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đoàn công tác có mặt tại huyện Bá Thước, một trong những huyện miền núi nghèo ở tỉnh Thanh Hóa vào những ngày cuối năm 2018,  nhân dịp Tập đoàn Viettel bàn giao và đưa vào sử dụng Trạm Y tế  xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, chúng tôi thật sự vui mừng khi hòa cùng với niềm vui của người dân nơi đây.

Khởi công từ tháng 9-2017 với mức đầu tư 3,9 tỷ đồng, được xây dựng kiên cố với 2 tầng, 13 phòng (trong đó có 5 phòng lưu trú bệnh nhân) và đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh tuyến đầu như máy siêu âm, điện tim…Công trình Trạm Y tế đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của cho gần 5000 người dân xã Kỳ Tân và các xã lân cận.

Bác sĩ Hoàng Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Tân vui mừng chia sẻ: “Trạm Y tế mới đã làm thay đổi đáng kể điều kiện dân sinh trong vùng bởi xã là một trong những điểm nghèo nhất của  huyện Ba Thước Người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi gia súc. Từ xã đến trung tâm huyện khá xa, mỗi khi có bệnh nhân cần cấp cứu, bệnh nhân và người nhà phải di mất nhiều thời gian mới đến được cơ sở y tế gần nhất. Trạm Y tế mới khang trang, các thiết bị khám chữa bệnh được tài trợ, bổ sung  đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong vùng, Từ nay, người dân đến khám chữa bệnh không còn lo lắng về cơ sở vật chất, thiết bị khám chữa bệnh sơ sài. Trạm Y tế mới cũng sẽ giảm tải cho bệnh viện tuyến huyện, nâng cao công tác khám chữa bệnh cho người dân trong vùng, hỗ trợ người dân địa phương tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng và an toàn hơn. …”

Trạm Y tế xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước được khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2015. Nơi chiếc võng, xưa kia là một giường bệnh.

Đánh giá cao những hỗ trợ của Viettel cho địa phương thông qua chương trình 30a của Chính phủ, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch huyện Bá Thước cho biết: “ Kỳ Tân là xã nghèo, còn nhiều khó khăn, nhân dân chủ yếu là dân tộc Thái. Đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, công trình tài trợ này đã biến ước mơ thành hiện thực. Việc đưa vào vận hành trạm y tế sẽ làm thay đổi cơ sở vật chất của xã nhà, góp phần đưa ngành y tế xã nhà lên tầm cao mới, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương được tốt hơn. ….”.

Từ năm 2015, Trạm Y tế  này được Viettel tài trợ 100% vốn xây dựng (3,6 tỷ đồng), với 8 phòng bệnh với đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc men..

Trở lại Trạm Y tế xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước được khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2015. Xưa kia, nơi đây là trạm xá cũ bị sập, phải mượn tạm khu nhà của bên Kế hoạch hóa gia đình để làm nơi khám chữa bệnh. Mỗi căn phòng nhỏ chưa tới 5m2 thường xuyên phải chứa 7 đến 8 bệnh nhân. Bệnh chưa khỏi đã phải về để nhường chỗ cho bệnh nhân nặng hơn. Từ năm 2015, Trạm Y tế  này được Viettel tài trợ 100% vốn xây dựng (3,6 tỷ đồng), với 8 phòng bệnh với đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc men...

Ông Lương Xuân Sang, Trạm phó Y tế xã Cổ Lũng  cho biết, từ ngày có trạm mới, bệnh nhân tăng nhiều so với trước. Trước chật hẹp, bệnh nhân đến điều trị 1,2 ngày, đỡ thì về nhà. Còn giờ thì bệnh nhân điều trị khỏi thì mới cho về.

Ông Lương Xuân Sang, Trạm phó Y tế xã Cổ Lũng

Trạm y tế mới sạch đẹp, đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bà con hơn xưa, đó còn là cách thức giúp bà con thay đổi suy nghĩ về việc chăm sóc bảo vệ chính mình. Những người phụ nữ Vân Kiều từ xưa hay chọn cách sinh đẻ tại nhà, tỷ lệ sống của những đứa trẻ không cao. Đến nay, khi được tuyên truyền họ đã chọn cách đến trạm xá.

Gặp PV tại Trạm Y tế xã, bà Hồ Thị Pi Kai đã kể câu chuyện của mình về việc đẻ 12 người con, chết 6, còn 6, bà nói: “Ngày xưa đẻ khó khăn, không có trạm xá, ông trời cho sống thì sống, chết thì chết”.

Bà Hồ Thị Pi Kai đang kể câu chuyện của mình với PV và vui mừng khi nói về Trạm Y tế mới.

Có cơ sơ khám chữa bệnh không những hiệu quả mà còn giúp bà con Vân Kiều dần dần bỏ tục lệ cúng ma, cúng thầy khi có bệnh. 

Là một trong những doanh nghiệp được Chính phủ chọn tham gia Chương trình 30a ngay từ đầu, Viettel ngoài việc hỗ trợ nhiều chương trình cho học sinh bán trú, chất lượng học hành tốt hơn, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội cũng được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, với quan điểm “trao cần câu chứ không cho con cá”, Viettel còn giúp người dân được an cư,  đưa đến người dân nhiều khoản hỗ trợ giúp họ tìm ra những sinh kế mới như hỗ trợ hạt giống, phân bón, bò giống và nhiều vật tư nông nghiệp khác giúp người dân chăn nuôi, canh tác….

Chị Bùi Thị Tiến, thôn Canh Lạng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước khi đang chăm sóc cho con bò được Viettel hỗ trợ. Con bò đã vừa được phối giống lần 2 và năm ngoái đã đẻ cho gia đình chị Tiến 1 con bò đực khỏe mạnh.

Chị Bùi Thị Tiến bên người chồng bị tai nạn liệt một cánh tay, hỏng 1 con mắt và người trai cả bị hại não

Tới nhà chị Phạm Thị Hoa, 54 tuổi, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, ngôi nhà xây kiên cố giờ là tổ ấm của gia đình chị. Cách đây 3 năm, gia đình chị Hoa là 1 hộ nghèo, cuộc sống nay đây mai đó, phát nương làm rẫy mà không đủ ăn. Chị Hoa có 2 người con, người con trai đi làm cao su trong Gia Lai, tháng gửi về cho mẹ được 2 triệu, 3 triệu mà cũng không đều. Người con gái lấy chồng có 2 con nhưng chồng “mải chơi”, giờ ly thân, 2 đứa nhỏ gửi bà chăm nuôi để đi làm xa, “tiền đi làm cũng không đủ gửi về nuôi con chứ sao nuôi được bố mẹ”, chị Hoa chia sẻ và cho biết thêm, chồng chị lại bị bệnh tiểu đường nặng, đau ốm liên miên, tháng nào cũng đi viện, một tay chị gánh vác cả.

 “An cư mới lạc nghiệp, từ khi được Viettel hỗ trợ 50 triệu để xây ngôi nhà mới, anh chị vay thêm ít tiền xây dựng lại cơ ngơi rồi trồng thêm 2ha keo, phát triển nuôi đàn gà... Đến nay, cuộc sống gia đình đã khấm khá và dần đi vào ổn định”, chị Hoa xúc động nói.

Chị Hà Thị Thắm, thôn Trang, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước đang vui mừng  cho con bò được Viettel hỗ trợ năm 2015.  Con bò đã đẻ 2 lứa và đang chửa 6 tháng.

 Gặp chị Bùi Thị Tiến, thôn Canh Lạng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước khi đang chăm sóc cho con bò được Viettel hỗ trợ, chị Tiến vui mừng cho biết, bò nhà chị vừa được phối giống lần 2. Năm ngoái con bò cái được trao tặng đã sinh ra một chú bò đực khỏe mạnh và lớn rất nhanh. Với chị và gia đình, mỗi con bò được sinh ra là một lần gia đình có thêm tài sản lớn đảm bảo cho tương lai. Hơn ai hết, chị Thắm hiểu được những bất hạnh có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Cách đây 4 năm, chồng chị từ trụ cột lao động chính của gia đình đã bị tai nạn liệt một cánh tay, hỏng 1 con mắt. Con trai cả bị hại não, thường xuyên bị đau yêu phải vào viện. Chị bảo, “nhờ được hỗ trợ xây nhà, tặng bò mà giờ đây chị mới có động lực để sống, để gánh vác gia đình này”. Khi chúng tôi hỏi chị: “ Khó khăn thế, mệt nhọc thế, đã bao giờ nghĩ bán bò đi chưa?”, chị Tiến trả lời: “Nhà nước đã thương thì cho, chả bán đâu. Cố nuôi cho nó đẻ đỡ khó khăn. Nếu mà bán thì chẳng có gì mà làm, mà nuôi. Cố nuôi để thoát nghèo, cố gắng. …”.

Chị Lương Thị Thái, thôn Pặt, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước đang cho con bê được Viettel hỗ trợ năm 2017 theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nay con bê đã lớn và có bầu 6 tháng chuẩn bị đẻ. Gia đình chị cũng đã thoát nghèo từ đầu năm 2018. Trong nhà chị đã có ti vi, tủ lạnh. 

Được “trao tặng cần câu” sẽ có động lực để “kiếm con cá”. Đó là suy nghĩ của rất nhiều người nghèo tại huyện Bá Thước. Từ một con bò, một căn nhà được trao tặng, không chỉ là tài sản lớn với một hộ nghèo, đó còn là động lực, là bàn đạp để họ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, quyết tâm thoát nghèo.

Tại những địa phương mà Viettel đỡ đầu, một bộ mặt nông thôn mới đang dần hình thành. Ở đó, ngày càng có ít hơn cái đói, cái nghèo. Các huyện như  Đắc Krông, Mường Lát, Bá Thước, tỷ lệ thoát nghèo đều đạt từ 5-6%/năm, vượt chỉ tiêu đặt ra là 4% mỗi năm. Những hình ảnh như trên đã thể hiện đúng triết lý của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel là kinh doanh phải gắn liền với trách nhiệm xã hội. Nhờ có chính sách xóa đói giảm nghèo bền vững, cuộc sống của người dân những huyện nghèo như Bá Thước đang dần thay đổi từng ngày.

Để đạt hiệu quả giảm nghèo cao nhất, Viettel cũng đưa những chương trình an sinh xã hội lớn khác của Tập đoàn vào các huyện nghèo như Internet trường học, Trái tim cho em, Vì em hiếu học….


An An
.
.
.