Lance Armstrong: Một cuộc đời lừa dối
- Lance Armstrong - Trút áo thần tượng lộ hình tay gian lận sừng sỏ
- Sự cố doping lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới: Lance Armstrong: Tượng đài sụp đổ!
- Lance Armstrong mất 7 danh hiệu vô địch
Ngày 25/7/1999 lẽ ra sẽ là một ngày được ghi nhớ mãi mãi trong lịch sử xe đạp thế giới, khi Lance Armstrong - người trong quá khứ còn đối mặt với căn bệnh ung thư, lần đầu tiên lên ngôi tại Tour de France. Anh chính là tấm gương của sự nỗ lực, vượt qua khó khăn để đi tới thành công. Tay đua người Mỹ còn giành thêm 6 chức vô địch nữa tại Tour de France, trở nên vô cùng nổi tiếng và thành lập những quỹ từ thiện thu hút nguồn tài trợ lên tới hàng trăm triệu đô la.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự lừa dối.
Lance Armstrong trong hình hài một người hùng
Sinh ra trong một gia đình tại Texas, tố chất cơ thể và niềm đam mê thể thao đã đưa Armstrong đến với những thành công từ rất sớm. Năm 13 tuổi, cậu bé vùng Texas đã trở thành nhà vô địch giải 3 môn phối hợp (chạy bộ, bơi và chạy xe đạp) dành cho thiếu niên và đến năm 16 tuổi Armstrong trở thành một vận động viên 3 môn phối hợp chuyên nghiệp.
Lance Armstrong nói chuyện với Oprah Winfrey (ảnh đăng trên tờ US today). |
Trong những năm này cậu thiếu niên Armstrong vẫn thường đạp xe từ Austin đến tận nơi giáp ranh giữa Texax và Oklahoma rồi điện thoại cho mẹ (một bà mẹ độc thân) đến chở về vì... không còn đủ sức đạp về nhà. Như Armstrong thừa nhận: "Tôi sinh ra là để đạp xe".
Cũng trong thời gian này, Armstrong được triệu tập vào đội tuyển xe đạp dự bị Olympic của Mỹ. Và vì sự hăng say quá mức đối với môn xe đạp hoàn toàn tỷ lệ nghịch với con đường học vấn của chàng trai Lance đã khiến Armstrong chút xíu nữa đã không thể hoàn thành hết chương trình trung học.
Một năm sau, vào năm 1989, Armstrong trở thành nhà vô địch giải đua xe đạp trẻ thế giới. Đến năm 1991, Lance vô địch giải đua xe đạp nghiệp dư của Mỹ và tham gia trong đội hình đội tuyển Mỹ tham gia Olympic Barcelona 1992.
Sau khi tham gia Olympic 1992, Lance Armstrong chính thức từ bỏ các danh vọng của giải nghiệp dư để bước vào con đường chuyên nghiệp đầy chông gai. Giải đua xe chuyên nghiệp đầu tiên của huyền thoại Lance là giải Classico San Sebastien với thành tích thật "ấn tượng" về chót, kém người về nhất 27 phút. Theo Armstrong, mẹ anh chính là người đã động viên anh hết lòng và giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Năm 1993, một năm sau khi bước lên chuyên nghiệp, Armstrong đã có 10 danh hiệu vô địch, trong đó phải kể đến chức vô địch Giải xe đạp chuyên nghiệp Mỹ và về nhất một chặng tại giải Tour de France. Cũng trong năm này, đội Motorola của Lance trở thành đội đua đầu tiên của Mỹ lọt vào top 5 đội xuất sắc nhất thế giới.
Năm 1995, một lần nữa Armstrong giành chiến thắng chặng tại Tour de France và quan trọng nhất, Armstrong đã trở lại Classico San Sebastien không phải để học hỏi mà là để về nhất, trở thành cuarơ người Mỹ đầu tiên làm được việc này.
Năm 1996, khi đang là cuarơ số 1 thế giới và giành được các chiến thắng ấn tượng tại giải Tour Du Pont và Fleche Wallone, đồng thời là thành viên của đội tuyển Mỹ tham gia Atlanta 1996, những cơn đau bắt đầu hành hạ đã buộc anh phải rời khỏi yên xe.
Các chẩn đoán ban đầu cho thấy căn bệnh ung thư tinh hoàn đã di căn lên đến phổi và não của Lance. Ngày 9 tháng 10 năm 1996, giới xe đạp bàng hoàng nhận tin Armstrong sẽ lên bàn mổ 2 lần chỉ trong vòng một tuần và trải qua hàng loạt đợt hóa trị.
Trong thời gian này, việc phải xa rời yên xe và thậm chí là cuộc sống đã làm suy nhược Armstrong cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính bạn bè và gia đình là nguồn động viên vô bờ bến cho thiên tài xe đạp, giúp anh tìm lại hy vọng ở cuộc sống và ở cả yên xe. Đồng thời món cocktail hóa học (phương pháp hóa trị phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau) cũng dần dần phát huy tác dụng.
Điều kỳ diệu đã đến, chỉ 5 tháng sau khi phát hiện bị ung thư, dù chưa biết rõ tương lai ra sao, Armstrong đã bắt đầu đạp xe trở lại vì lòng biết ơn và vì một nghị lực phi thường.
Armstrong cho biết, căn bệnh ung thư là một món quà anh không hề mong đợi và là món quà tốt nhất thượng đế dành cho anh. Anh nói: "Ung thư là một tiếng gọi đánh thức, giúp tôi quý trọng một sức khỏe bình thường, giúp tôi hiểu được tình thương gia đình và giúp tôi có thêm những người bạn".
Năm 1998, khi chính thức khỏi căn bệnh ung thư quái ác, Armstrong tham gia một cuộc đua gây quỹ và ủng hộ cho Quỹ Lance Armstrong. Cũng trong năm đầu tiên trở lại này, Armstrong đã vô địch một số giải quan trọng, kết thúc ở vị trí thứ 4 tại giải vô địch thế giới tổ chức tại Hà Lan và giải Tour de Spain (một trong 3 giải đua xe đạp quan trọng nhất trong năm).
Đến năm 1999, Armstrong đã giành được chiếc áo vàng danh giá Tour de France. Tay đua người Mỹ còn giành thêm 6 chức vô địch nữa tại Tour de France, trở nên vô cùng nổi tiếng và thành lập những quỹ từ thiện thu hút nguồn tài trợ lên tới hàng trăm triệu đô la.
Trong mắt công chúng, Armstrong như một người hùng đã truyền cảm hứng cho biết bao bệnh nhân ung thư chiến đấu chống lại bệnh tật. Cho đến khi…
Lance Armstrong, kẻ dối trá siêu đẳng
Ngày 10/10/2012, cơ quan chống Doping Hoa Kỳ (USADA) công bố một bản báo cáo khẳng định Armstrong, khi ấy đã từ giã bộ môn đua xe đạp, đã sử dụng doping một cách "tinh vi và thành công nhất từ trước đến nay".
Các cựu đồng đội Armstrong tại đội đua xe đạp Bưu điện Mỹ và Discovery Channel trong thời gian anh giành 7 danh hiệu Tour de France từ 1999 đến 2005, đã làm chứng chống lại anh.
Armstrong, từng được cả thế giới kính trọng như là một trong những VĐV đua xe đạp vĩ đại nhất của mọi thời đại đã chiến đấu chống bệnh ung thư và trở lại thống trị đường đua xe đạp, luôn phủ nhận mình sử dụng doping và tuyên bố ông chưa bao giờ thất bại trong nhiều đợt kiểm tra doping trong một thời gian dài trước đó.
Tháng 1/2013, toàn bộ cuộc nói chuyện kéo dài 2 tiếng rưỡi giữa Oprah Winfrey với Lance Armstrong được phát sóng, anh đã thú nhận tất cả.
Lance Armstrong cho biết, sở dĩ anh muốn có buổi phỏng vấn này là để tốt cho các con của mình. Armstrong đã thú nhận với ba đứa con lớn - đứa trai 13 tuổi và hai bé gái sinh đôi 11 tuổi - trong dịp lễ Giáng sinh. Armstrong nói: "Bọn trẻ không đáng phải sống với điều này trong đời chúng". Tôi đã nói với đứa con lớn rằng "đừng bảo vệ ba nữa".
Trong hai tiếng rưỡi của buổi nói chuyện, dường như Lance Armstrong chỉ xác nhận lại những bản án của chính anh. Đây chỉ là lần đầu tiên chính Armstrong thừa nhận có doping sau khi anh đã bỏ cuộc trong cuộc chiến pháp lý về việc bị USADA cáo buộc sử dụng doping. Trong mắt mọi người, Lance Armstrong là "kẻ gian dối nhất giới thế giới" và buổi nói chuyện này chỉ để khẳng định lại điều đó.
Giám đốc Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) John Fahey cho rằng, Armstrong đã nói dối khi khẳng định không còn doping sau năm 2005. Ông Fahey cho biết, bằng chứng từ Cơ quan phòng chống doping Mỹ (USADA) cho thấy việc Armstrong vẫn còn làm điều này sau mốc thời gian đó. Ông Fahey kết luận: "Tin USADA hay tin Armstrong? Đương nhiên tôi biết phải tin ai rồi".
Sau khi thú nhận mọi chuyện công khai, tuy Armstrong không phải ngồi tù nhưng anh hoàn toàn thân bại danh liệt. Từ đó đến nay, tay đua người Mỹ liên tục phải hầu toà, đối diện với các vụ kiện đòi bồi thường từ các công ty truyền thông và các nhãn hàng tài trợ cho anh trong quá khứ.
Từ người anh hùng câu chuyện truyền cảm hứng, động lực sống mạnh mẽ, giờ đây những gì công chúng còn nhớ về Armstrong chỉ còn là hình ảnh về kẻ dối trá vĩ đại. Không hơn.