Sự cố doping lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới: Lance Armstrong: Tượng đài sụp đổ!

Thứ Năm, 25/10/2012, 10:22
Lance Armstrong-cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng đua xe đạp suốt 1 thập kỷ qua, đã đánh dấu chấm hết sự nghiệp của mình khi Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France và cấm anh thi đấu suốt đời. Đau đớn hơn những mất mát này là sự đánh mất hình ảnh của một tượng đài thể thao từng vượt lên số phận, chiến thắng căn bệnh ung thư. Giờ thì Armstrong trở thành tội đồ, bị coi là kẻ sử dụng doping và lừa dối tinh vi nhất trong lịch sử thể thao. Đó là một sự thật, một cái kết quá nghiệt ngã...

Mất tất...

Sau thông báo của UCI, Liên đoàn Xe đạp Pháp cho biết họ đã đề nghị Armstrong trả lại 2,95 triệu euro (gần 4 triệu USD) mà anh đã kiếm được từ các chiến thắng tại Tour de France. Thế nhưng, số tiền này vẫn chưa là gì bởi công ty SCA Promotions, một công ty chuyên tổ chức sự kiện, tiếp thị và bảo hiểm giải thưởng trong thể thao đang tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi lại tổng cộng 12 triệu USD với Lance Armstrong. Ngoài ra, hàng loạt hãng tài trợ nổi tiếng như Nike, RadioShack, Anheuser-Busch, Oakley đều chấm dứt hợp đồng ngay sau phán quyết của UCI.

Không chỉ có các hợp đồng lên tới hàng triệu USD, rất nhiều cá nhân và tổ chức có ủng hộ tài chính cho Quỹ Lance Armstrong - một quỹ do chính anh gây dựng nhằm chống lại ung thư thông qua chương trình Livestrong đã được biết đến rộng rãi ở quy mô toàn cầu, cũng đang đòi lại tiền. Nhiều người đã so sánh, những sự rút lui, bỏ chạy đó thậm chí còn nhanh hơn cả cú nước rút của Armstrong ở thời kỳ tay đua này còn sung sức.

Cơ quan Chống Doping Mỹ (UADA) tuyên bố họ sẽ tước mọi danh hiệu của Armstrong kể từ năm 1998, nghĩa là sẽ xóa sạch tất cả mọi thành tích mà anh đạt được trong 14 năm qua. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng đang xem xét các bằng chứng và có thể thu hồi chiếc HCĐ của Armstrong tại Sydney năm 2000.

Tượng đài Lance Armstrong sụp đổ.

Mất danh hiệu, mất tiền, còn chưa đau đớn bằng mất hình ảnh. UADA đã phát biểu với báo chí rằng: “Một trong những kế hoạch doping tinh vi nhất, chuyên nghiệp nhất và thành công nhất mà chúng tôi từng biết đến. Armstrong từng trải qua 500 lần kiểm tra doping nhưng chưa một lần có kết quả dương tính”. Bản cáo trạng của UADA chỉ ra những hành vi sai trái của Armstrong gồm: sử dụng doping và thuốc kích thích, ép đồng đội dùng phương pháp của mình, nói dối khi bị điều tra, xây dựng hệ thống thông tin để tránh các đợt kiểm tra doping và các thủ thuật vượt qua các đợt thử doping, đe dọa nhân chứng...

Sự chia rẽ sau cú “ngã xe” lịch sử

Sau những cáo buộc mạnh mẽ từ UCI và UADA, Lance Armstrong chỉ biết im lặng, không phản ứng như những lần anh bị nghi ngờ sử dụng doping trước đó. Động thái duy nhất từ hôm thứ 2 vừa rồi là hành động tự xóa bỏ 7 danh hiệu vô địch Tour de France ra khỏi hồ sơ cá nhân trên trang nhật ký Twitter.

Sau tất cả những danh hiệu đã đạt được, những hành động phản đối gay gắt với những cáo buộc sử dụng doping, thì kết luận mới nhất của UCI khiến những người từng hâm mộ anh, đã suy nghĩ rất nhiều về sự giả tạo, dối trá. Nhiều người thậm chí còn mất hẳn niềm tin vào các tượng đài thể thao đã và đang gặt hái thành công trong sự nghiệp của mình. Rõ ràng là sự ảnh hưởng từ cú “ngã xe” của Lance Armstrong quá lớn. Mỉa mai thay, cụm từ “kỷ nguyên Armstrong”, giờ được dùng để chỉ một thời kỳ gian lận bùng nổ kéo dài của đua xe đạp thế giới. Cả UCI và UADA cũng đang đối mặt với một tương lai đầy đen tối, sau scandal doping lớn nhất lịch sử bị phanh phui.

Bên cạnh những mỉa mai, trách móc và thậm chí là căm ghét sau khi sự thật được phát hiện, vẫn có những người đứng về phía Lance Armstrong. Đơn giản với những người này, họ chẳng cần quan tâm đến những thành tích mà tay đua Mỹ đạt được hơn chục năm qua. Họ cũng chẳng cần quan tâm sắp tới, Armstrong sẽ bị xử phạt như thế nào. Tất cả chỉ cần nhớ về một Armstrong nỗ lực chống lại căn bệnh ung thư từng suýt giết chết anh. Sau khi được chẩn đoán là ung thư tinh hoàn, căn bệnh di căn tới phổi và não, cuộc sống của tay đua trẻ (khi đó mới 24 tuổi) chỉ còn tính bằng ngày.

Chiến thắng được căn bệnh ung thư đã là một kỳ tích, nhưng đáng nể hơn nữa chính là ý chí trở lại đường đua với khao khát chiến thắng. Chỉ cần như thế thôi, cũng đủ biến Lance Armstrong thành một huyền thoại. Thế nhưng, sẽ còn nhiều bệnh nhân trên khắp thế giới phải nhắc đến Armstrong bởi anh chính là tấm gương về nghị lực, khát vọng sống. Một huyền thoại không chỉ dừng lại ở hình ảnh. Quỹ chống ung thư của Armstrong quyên góp được 500 triệu USD, hơn 80 triệu vòng tay từ thiện được bán ra trên toàn thế giới.

Lance Armstrong đã đánh mất hình ảnh của mình, đánh mất luôn cả tương lai. Tuy nhiên, sẽ là thiếu công bằng nếu phủ nhận tất cả những gì tay đua này đã làm được. Armstrong cũng cần nhận được những thông cảm, chia sẻ. Thi đấu thể thao luôn nghiệt ngã và chẳng phải ai cũng đứng vững, đi hết con đường mình đã chọn

An Nhi
.
.
.