Xứng đáng là "Thanh bảo kiếm" của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế

Thứ Hai, 08/08/2022, 13:43

Trung bình mỗi năm gần đây, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã điều tra, khám phá trên 16 nghìn vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Ngày 8/8, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát kinh tế) đã tổ chức gặp mặt 66 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát kinh tế (10/8/1956 – 10/8/2022) và đón mừng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).

Tới dự có đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an;  các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Cục Cảnh sát kinh tế; CBCS Cục Cảnh sát kinh tế qua các thời kỳ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế chủ trì buổi gặp mặt.

Cục Cảnh sát kinh tế -0
Các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế đã thông báo Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND tặng Cục Cảnh sát Kinh tế và trình bày diễn văn nêu rõ, ngày 10/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 1001/TTg xác định tổ chức của ngành Cảnh sát nhân dân, trong đó ghi rõ “Cảnh sát kinh tế phục trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ”. Đây là mốc son lịch sử, đánh dấu sự ra đời và ngày 10/8 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát kinh tế.

Cục Cảnh sát kinh tế -0
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại buổi gặp mặt.

Trải qua 66 năm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước; trực tiếp, thường xuyên của Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát kinh tế luôn đoàn kết, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng và ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từ mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ; lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Trung bình mỗi năm gần đây, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã điều tra, khám phá trên 16 nghìn vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Riêng Cục Cảnh sát kinh tế từ năm 2012 đến nay đã trực tiếp phát hiện, điều tra, làm rõ 653 vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính, giao thông, xây dựng, bất động sản…; với 72 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đã thu hồi, kê biên tài sản với tổng trị giá trên 70 nghìn tỷ đồng cho Nhà nước; chuyển Công an các đơn vị, địa phương khởi tố theo thẩm quyền trên 200 vụ án.

Ghi nhận thành tích của CBCS lực lượng Cảnh sát kinh tế, đã có 6 đơn vị được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; riêng Cục Cảnh sát kinh tế được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng Nhất; 1 Huân chương chiến công hạng Nhất; 10 năm liền được Chính phủ tặng Cờ thi đua; hàng trăm tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; các bộ, ngành tặng thưởng Huân chương Chiến công, Cờ thi đua, Bằng khen; 1 đơn vị cấp phòng thuộc Cục được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đặc biệt, ngày 15/7/2022, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể, CBCS Cục Cảnh sát kinh tế về thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều cán bộ Cảnh sát kinh tế đã nỗ lực phấn đấu, trưởng thành, được Đảng, Nhân dân tín nhiệm, giao trọng trách ở các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, ngành Công an, trong đó có 1 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; 3 đồng chí là Uỷ viên Trung ương Đảng; 1 đồng chí  Bí thư Tỉnh uỷ; 2 đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an; 8 đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, 21 sỹ quan cấp tưởng trong CAND…

Thay mặt các thế hệ CBCS, đồng chí Nguyễn Hoà Bình đã xúc động ôn lại truyền thống của lực lượng Cảnh sát kinh tế và cho biết, là người từng trưởng thành từ Cảnh sát kinh tế nên đây vẫn là ngôi nhà của mình. “Mỗi khi các đồng chí lập được chiến công, chúng tôi trào dâng niềm tự hào; nếu có CBCS vi phạm thì lòng cũng quặn đau”- đồng chí Nguyễn Hoà Bình cho biết, đồng thời nhấn mạnh sự cố gắng, nỗ lực của CBCS Cục Cảnh sát kinh tế  góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm TTATXH, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tin cậy hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Các nhà đầu tư đến Việt Nam, vấn đề họ quan tâm nhất đó là tính mạng và tài sản của họ có được an toàn hay không. Chúng ta đã làm nên cuộc sống thanh bình, nền hành chính  tin cậy. Đó là điều quan trọng nhất để các nhà đầu tư vào Việt Nam” – đồng chí Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.

Cục Cảnh sát kinh tế -0
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình tặng bức tranh Bác Hồ cho CBCS Cục Cảnh sát kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Hoà Bình cho biết thêm, việc phát hiện, tổ chức đấu tranh rất nhiều các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn về quy mô, phức tạp về tính chất cũng như địa vị về các chủ thể tham nhũng rất cao đã mang lại điểm sáng, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng là đúng đắn, thực chất, được tổ chức thực hiện hiệu quả. Qua cuộc đấu tranh này, chúng ta đã nâng cao đáng kể niềm tin của Nhân dân vào Đảng và lực lượng Công an. 

“Thông qua việc phát hiện, đấu tranh các vụ án lớn, chúng ta cũng đã phát hiện những sơ hở, kẽ hở của pháp luật và những khiểm khuyết trong quá trình thi hành pháp luật để đề xuất Đảng, Nhà nước khắc phục, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện tư tưởng “Lấy phòng ngừa là chính” – đồng chí Nguyễn Hoà Bình cho biết.

Đồng chí Nguyễn Hoà Bình đánh giá, công tác điều tra các vụ án qua các thời kỳ đều là tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống. Thời điểm chúng ta phát hiện điều tra, kiến thức của chúng ta về lĩnh vực này chưa nhiều nhưng qua từng vụ án chúng ta đã lớn lên, hiểu hơn, vững vàng hơn. Tổng kết điều tra các vụ án, đã rút ra nhiều bài học lớn, từ đó hình thành nên hệ thống lý luận điều tra sâu, được giảng dạy trong các trường của Bộ Công an, được trao truyền cho các thế hệ sau.

“Việc trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau không chỉ là sự nhiệt tình, trách nhiệm mà quan trọng hơn đó là phương pháp tư duy” – đồng chí Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn, mỗi vụ án sau khi khám phá sẽ là 1 bài học gửi lại thế hệ sau.

“Các thế hệ Cảnh sát kinh tế có được sự trao truyền kinh nghiệm của các thế hệ tiền bối tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, lập được nhiều chiến công trong thời gian tới, giữ vững danh hiệu Anh hùng LLVTND, để Nhân dân ngày càng tin tưởng, tội phạm khiếp sợ. Đây là chặng đường mới, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn bộ CBCS” – đồng chí Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.

Cục Cảnh sát kinh tế -0
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chúc sức khoẻ các thế hệ CBCS Cảnh sát kinh tế; khẳng định, Cảnh sát kinh tế ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế của đất nước, làm tốt vai trò tham mưu với Bộ Công an báo cáo đề xuất với Đảng, Nhà nước và kiến nghị các Bộ, ngành chức năng nhiều chủ trương, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần chủ động phòng ngừa tội phạm, bảo vệ tài sản của nhà nước, tập thể, cá nhân.

Cục Cảnh sát kinh tế -0
Các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu sẽ xuất hiện những phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, không có giới hạn về mặt lãnh thổ, triệt để sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

“Chính vì vậy, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Cục Cảnh sát kinh tế tiếp tục phát huy vai trò “Tư lệnh” dẫn dắt lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ mà Cục Cảnh sát kinh tế phải làm, đó là bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với phương châm “Lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; đấu tranh là trọng tâm, thường xuyên, cấp bách”, mục tiêu chung là kéo giảm tội phạm. Kịp thời nhận diện đầy đủ và sâu sắc những hành vi phạm tội phức tạp mới, chọn điểm đột phá để đấu tranh, qua đó kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tội phạm, “xử lý một vùng, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, tạo sự răn đe, chuyển biến lan toả toàn quốc, giảm thiểu tội phạm xảy ra, giảm thiểu thất thoát về tài sản vật chất cũng như thiệt hại về cán bộ, thể hiện rõ tính nhân văn, sâu sắc trong công tác này.

Cục Cảnh sát kinh tế -0
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển trình bày diễn văn ôn lại truyền thống 66 năm lực lượng Cảnh sát kinh tế.

Tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động, linh hoạt trong điều tra cơ bản xuyên suốt của lực lượng theo từng lĩnh vực, xác định các lĩnh vực, tuyến địa bàn trọng điểm để sớm nhận diện các vấn đề tiềm ẩn sai phạm, từ đó tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, phân công, phân cấp rõ ràng, gắn với trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy.

Nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lập; tập trung ngăn chặn thất thoát và thu hồi tài sản tối đa cho nhà nước, tập thể, cá nhân; làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong công tác; mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác; xây dựng đội ngũ CBCS vững vàng về chính trị, pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, vô tư, khách quan, cùng lực lượng CAND thực hiện lộ trình tiến lên hiện đại vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phương Thuỷ
.
.