Những dấu ấn từ Bộ Chỉ huy tiền phương phía Nam:

Tạo sự chỉ huy thống nhất, kịp thời để phòng, chống dịch (kỳ 1)

Thứ Năm, 16/09/2021, 09:20

Đợt dịch thứ tư diễn ra ở địa bàn các tỉnh phía Nam mà trung tâm là TP Hồ Chí Minh đã vượt ngoài dự báo của nhiều chuyên gia bởi chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trước những nỗi đau thương mất mát của người dân, lực lượng Công an từ Bộ đến cơ sở đã không quản khó khăn, hy sinh, bám chặt địa bàn để giúp dân phòng, chống dịch.

Từ yêu cầu thực tiễn ở vùng tâm dịch, lãnh đạo Bộ Công an đã đặt ra nhiệm vụ vô cùng bức thiết cho toàn lực lượng là phải tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở từng địa phương nơi tâm dịch phía Nam. Vì vậy, cần phải hình thành một cơ sở chỉ huy thống nhất, kịp thời, và từ đó Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an phía Nam được hình thành…

Ra đời trong diễn biến đặc biệt phức tạp của dịch bệnh

Từ ổ dịch ban đầu tại một điểm nhóm sinh hoạt Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, sau đó lan nhanh nhiều địa bàn. Cho đến đầu tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh COVD-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm và người nhập viện điều trị tăng cao mỗi ngày đã tạo áp lực rất lớn cho nguồn nhân lực và vật lực điều trị đang quá tải.

Đáng chú ý tại TP Hồ Chí Minh, áp lực dịch lây lan nhanh với số lượng lớn hàng ngàn ca bệnh mỗi ngày khiến nhiều địa bàn mất kiểm soát dịch bệnh, lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương không đủ sức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình thế cấp thiết.

Tại 25 tỉnh, thành phía Nam từ Bình Thuận trở vào có nhiều địa phương là trung tâm kinh tế thương mại lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây, gây hậu quả nặng nề cho các địa phương, doanh nghiệp, người lao động, trong đó có cả lực lượng Công an, đội ngũ y, bác sĩ, những người nơi tuyến đầu chống dịch.

Những dấu ấn từ Bộ Chỉ huy tiền phương phía Nam: Tạo sự chỉ huy thống nhất, kịp thời để phòng, chống dịch -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng kiểm tra quy trình làm việc về kiểm tra sức khỏe người qua chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tuyến quốc lộ 13, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo nhận định của các chuyên gia thì thời gian đó công tác tổ chức phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam có sự lúng túng, sự bất cập ở không ít khâu. Bình quân mỗi ngày số ca bệnh COVID-19 ở riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh trên dưới 5.000 ca, có ngày cao điểm trên 8.000 ca bệnh. Sự quá tải ở các khu điều trị, bệnh viện dã chiến, nhiều y, bác sĩ phải hy sinh, nhiều cán bộ chiến sĩ Công an làm công tác truy vết F0, bảo vệ khu cách ly, tuần tra kiểm soát bảo đảm ANTT bị nhiễm bệnh, có đồng chí hy sinh trong khi thi hành công vụ.

Sát cánh cùng với chính quyền và nhân dân, lực lượng Công an tại các tỉnh, thành phố phía Nam vừa có trách nhiệm bảo đảm ANTT, hướng dẫn, phân luồng giao thông, vừa trực tiếp giúp người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phòng, chống dịch tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, nơi phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của các tỉnh, thành phố và Chính phủ... Chính vì vậy, Công an các tỉnh, thành phía Nam gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều đơn vị, cán bộ chiến sĩ Công an làm việc quá tải, áp lực về khối lượng công việc khi tham gia trực, ứng trực liên tục trong khoảng thời gian dài, đặc biệt là với các địa phương có diễn biến dịch phức tạp…

Từ thực tế dịch bệnh rất phức tạp, chưa có tiền lệ ở địa bàn phía Nam, lãnh đạo Bộ Công an đã đặt ra yêu cầu phải bằng mọi cách bảo đảm lực lượng giúp chính quyền và nhân dân các địa phương kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm ANTT.

Đặc biệt, ngày 9/7/2021, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Quyết định thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương phía Nam nhằm tập trung, thống nhất chỉ đạo, điều hành, huy động các lực lượng thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Tây Nguyên và tỉnh Bình Thuận trở vào, phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Chỉ huy tiền phương do Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, làm Chỉ huy trưởng; các thành viên gồm đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ và Giám đốc Bệnh viện 30-4, Bộ Công an…

Tạo sức mạnh thống nhất trong phòng, chống dịch COVID-19

Bộ Chỉ huy tiền phương giúp Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tham mưu cho Bộ trưởng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Công an các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đồng thời dự báo các cấp độ dịch, đề xuất với Bộ trưởng biện pháp kéo giảm tình hình dịch bệnh tại Công an các tỉnh, thành phố phía Nam, hướng dẫn, chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố xây dựng phương án chống dịch cho địa bàn, khu vực có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, vượt quá khả năng phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Chỉ huy tiền phương  được xem là đầu mối phối hợp với các ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam… Đánh giá kết quả thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, giải quyết các yêu cầu cần thiết bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Công an các tỉnh, thành phía Nam có hiệu quả nhất…

Những dấu ấn từ Bộ Chỉ huy tiền phương phía Nam: Tạo sự chỉ huy thống nhất, kịp thời để phòng, chống dịch -0
Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh đến tận nhà trao quà cho người dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an là lực lượng đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại phía Nam và hoạt động thực tế ngay tại địa bàn vùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh, đã tạo sự thống nhất cao trong chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động phòng, chống dịch, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở trong lực lượng Công an. Bộ Chỉ huy tiền phương đã và đang giải quyết kịp thời số lượng công việc rất lớn trên địa bàn “nóng” về dịch bệnh ở phía Nam. Sáng kiến thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an là đi đầu trong cả nước và đã hoạt động rất hiệu quả, trong đó, chủ trương lấy xã, phường làm “pháo đài” phòng, chống dịch cũng do Bộ Công an đề xuất và thực hiện hiệu quả.

Với vai trò Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương, đồng thời là tổ phó tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã trực tiếp tham gia 6 đợt công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, và các Phó Thủ tướng đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 10 tỉnh, thành phía Nam và tham gia các cuộc họp tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Qua đó, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh, thành, huy động lực lượng cùng hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả cao nhất.

Trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Chỉ huy tiền phương cũng đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch. Muốn làm được điều ấy, mỗi CBCS Công an phải bám sát cơ sở, nắm chắc địa bàn, hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó có những biện pháp, kế hoạch công tác phù hợp.

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát tình hình của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Bộ Chỉ huy tiền phương, Công an tỉnh Bình Dương đã huy động tối đa lực lượng tham gia phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động người dân tham gia và chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội. Công an toàn tỉnh Bình Dương làm tốt công tác phòng ngừa, nắm chắc tình hình, phối hợp các ngành truy vết kịp thời những ca bệnh khi mới phát hiện, đảm bảo ANTT tại các bệnh viện dã chiến, cơ sở giam giữ, khu dân cư bị phong tỏa…

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, Công an TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu tham mưu cho UBND thành phố 7 quy định cụ thể về thiết lập “vùng xanh” trên nguyên tắc “Không F0, giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, huy động lực lượng tại chỗ, tự quản ở cộng đồng tham gia bảo vệ. Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, hướng dẫn, vận hành và bảo vệ gần 6.500 “vùng xanh”, đảm bảo ANTT tại 5.283 khu cách ly, phong tỏa, sàng lọc xét nghiệm, điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19…

Tại cuộc họp ngày 13/7/2021 với lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phía Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị các Giám đốc Công an tỉnh, thành phải là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Công an tỉnh, thành. Giám đốc Công an tỉnh, thành phải là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND, chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước lãnh đạo Bộ Công an. Lực lượng Công an cần phát huy “4 tại chỗ”, chủ động “bịt kín” các đường lây; phải sử dụng các biện pháp công nghệ để truy vết, đưa ra các chứng cứ điện tử thuyết phục để người bệnh phải khai báo chi tiết, trung thực lịch trình di chuyển, tiếp xúc… Công an các tỉnh, thành cần phối hợp với Cục An ninh mạng, Bộ Công an, để xử lý, xóa bỏ các thông tin xấu, độc về tình hình dịch bệnh trên không gian mạng để tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát…

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Những chỉ đạo nổi bật từ tâm dịch

Ngọc Như- Phú Lữ
.
.