Những dấu ấn từ Bộ Chỉ huy tiền phương phía Nam: 

Những chỉ đạo nổi bật từ tâm dịch (kỳ 2)

Thứ Sáu, 17/09/2021, 08:10

Không một ngày nghỉ ngơi, luôn túc trực trong tâm dịch phía Nam, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Văn phòng Bộ… đã luôn cập nhật tin tức từ điểm “nóng” vùng dịch để bổ sung kế hoạch, đưa ra chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, phù hợp, sát thực tế tình hình tại các địa bàn cơ sở…

Chỉ đạo, định hướng kịp thời vụ việc “nóng”

Từ ngày 20/8 đến 2/9, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an đã tham gia 4 đợt công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; dự các cuộc họp Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Qua đó, Thứ trưởng đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch sát hợp với tình hình các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.

Từ thực tế cơ sở, Thứ trưởng chỉ đạo Công an các tỉnh, thành vừa tập trung công tác phòng, chống dịch, vừa tăng cường công tác an ninh và phòng, chống tội phạm trong bối cảnh dịch bệnh, nhằm đảm bảo ANTT, không để biểu tình, bạo loạn. Các Cục nghiệp vụ chủ trì, phối hợp tập trung nắm chắc tình hình phức tạp trên không gian mạng, dư luận xã hội về thực hiện gói hỗ trợ chính sách của Chính phủ đối với các nhóm người bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19, tìm hiểu những bức xúc của người dân khi kéo dài giãn cách, phong tỏa, việc tiêm chủng vaccine...

1.jpg -0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiểm tra Bệnh viện dã chiến Phước Lộc của Bộ Công an tại huyện Nhà Bè.

Sau chỉ đạo kịp thời của Thứ trưởng, Công an TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã tăng cường lực lượng rà soát kịp thời những bức xúc của người dân; đã điều tra khởi tố các đối tượng sai phạm liên quan đến việc nhận tiền hỗ trợ phòng, chống dịch và tiêm vaccine. Cụ thể, ngày 4/9, Cơ quan CSĐTCông an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã bắt tạm giam đối với Huỳnh Hồng Sơn (SN1970; thường trú phường Phú Hữu, TP Thủ Đức), cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Theo tin báo của người dân, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức phát hiện có nghi vấn tiêu cực trong hoạt động cấp phát gói hỗ trợ bởi dịch COVID-19 cho người lao động xảy ra tại phường Phú Hữu.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức phát hiện Huỳnh Hồng Sơn đã lợi dụng vị trí công tác là thành viên Hội đồng thẩm định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của phường Phú Hữu, TP Thủ Đức để cấu kết với một số cá nhân lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ sai quy định, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Sơn tự ý thêm tên nhiều người thân của mình vào dù những người này không đủ điều kiện và thuộc diện được hỗ trợ.

Tiếp đó, ngày 7/9, Cơ quan CSĐT Công an quận 6, TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam Trương Mạnh Thảo (SN 1984) cán bộ trật tự đô thị phường 2, quận 6 về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Từ tin báo người dân đi tiêm vaccine tại điểm tiêm ở một trường tiểu học trên đường Phan Văn Khoẻ, phường 2, quận 6, về việc có một nhóm người ra giá tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19, thu lợi bất chính. Công an quận 6 đã vào cuộc điều tra, xác định Trương Mạnh Thảo và một số người liên quan móc nối làm hồ sơ và tổ chức cho khoảng 20 người tiêm vaccine ngừa COVID-19, thu lợi khoảng 10 tiệu đồng.

Trước đó, ngày 21/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Kim Dung (32 tuổi, ngụ quận 4) để điều tra về tội: "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Cơ quan điều tra đã bắt quả tang khi Dung đang tổ chức cho hai người tiêm vaccine tại một trường mầm non ở quận 11.

Tại cơ quan điều tra, Dung khai nhận đã móc nối với một số mối quan hệ của mình để sắp xếp, cung cấp nhiều suất tiêm vaccine COVID-19, với giá từ 2-4 triệu đồng/liều. Bước đầu cơ quan điều tra xác định Dung đã tổ chức trót lọt cho 21 trường hợp không thuộc diện đối tượng vào danh sách tiêm vaccine trên địa bàn quận 11, thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng.

Cũng trục lợi từ việc tiêm vaccine, ngày 6/9, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên (Bình Dương) bắt tạm giam Lê Văn Thắng (SN 1997, quê Đồng Tháp) về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và Nguyễn Thái Hiệp (SN 1990; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo điều tra, Nguyễn Thái Hiệp là bác sĩ Khoa kiểm soát dịch bệnh, còn Lê Văn Thắng là giữ xe của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên đã móc nối nhau để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên để thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng…

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy tiền phương cũng đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tình hình phức tạp về vụ việc 2 người nhiễm COVID-19 tử vong xảy ra tại khu cách ly, điều trị (KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), bị các đối tượng quá khích lợi dụng kích động gây rối ANTT, quay phim, tán phát lên mạng, gây dư luận xấu…

Từ kiểm tra thực tế về tình hình lây nhiễm COVID-19 phức tạp tại một số cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc ở Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy tiền phương đề xuất Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, không để ảnh hưởng đến ANTT của các địa phương; Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai thành lập ngay các khu cách ly và bệnh viện dã chiến tại các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn để điều trị bệnh nhân COVID-19…

Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Công an các đơn vị, địa phương phía Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cùng đoàn công tác còn tiến hành đi khảo sát, trực tiếp kiểm tra tại Công an tỉnh, thành phố và 17 đơn vị của Bộ, để đánh giá, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời.

Qua các buổi làm việc, kiểm tra thực tế, lãnh đạo Bộ Chỉ huy tiền phương đã liên tục chỉ đạo Công an các địa phương quán triệt, chấn chỉnh, khắc phục ngay một số vấn đề thiếu sót, lúng túng, chưa quyết liệt, nhất là trong chỉ đạo điều hành, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ tỉnh, thành phố đến từng khu phố, hộ dân. Xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động các nguồn lực phòng, chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về kinh phí, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch và vaccine ngừa COVID-19.

Với các Trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng của Bộ Công an, yêu cầu siết chặt các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất; rà soát, bổ sung các phương án, kịch bản xử lý tình huống phức tạp, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

Từ chỉ đạo “nóng” của lãnh đạo Bộ Chỉ huy tiền phương, nhiều vụ việc phức tạp ở cơ sở vùng tâm dịch phía Nam được giải quyết kịp thời, nhiều vụ án được khám phá, xử lý triệt để, góp phần răn đe tội phạm, tạo được niềm tin của nhân dân, nhằm ổn định xã hội.

Tăng cường giám sát, xử lý nhanh tình huống phức tạp

Từ thực tiễn công tác và nhiệm vụ cấp bách đặt ra ở vùng tâm dịch, lãnh đạo Bộ Chỉ huy tiền phương yêu cầu rà soát, bố trí lực lượng của Bộ tăng cường giúp đỡ Công an các địa phương, theo nguyên tắc: Các chốt kiểm soát cấp tỉnh, huyện do lực lượng của Bộ tăng cường đảm nhiệm (trong đó cán bộ Công an địa phương là tổ trưởng); quân số của Công an cấp tỉnh và cấp huyện tăng cường cho Công an cấp xã và các chốt, tổ tuần tra kiểm soát cấp xã, để tập trung Công an cấp xã tăng cường xuống địa bàn nắm chắc tình hình, điều tra cơ bản 3 nhóm đối tượng: đủ điều kiện kinh tế, “đứt bữa”, lang thang cơ nhỡ, người bệnh cần điều trị... để thực hiện các biện pháp kịp thời, không để người dân không đúng đối tượng ra đường làm lây lan dịch bệnh.

Yêu cầu Công an các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện phương án sát với thực tế, nắm tình hình, rà soát kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các đối tượng, đặc biệt là đối tượng nghiện ma túy, “ngáo đá”, xây dựng quy trình xử lý một số tội phạm nổi lên trong tình hình dịch. Công an TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đánh giá, đề xuất phương án bố trí lại lực lượng tham gia đảm bảo ANTT, phòng, chống dịch trên địa bàn và tập trung lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn các “pháo đài” xã, phường, thị trấn, đề xuất lãnh đạo Bộ tăng quân số cho Công an các địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa bàn.

Từ các chỉ đạo sâu sát thực tế, Công an TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã phối hợp các ngành liên quan và chính quyền các cấp quản lý tập trung hàng ngàn trường hợp lang thang, đối tượng nghiện ma tuý, góp phần ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, ngăn chặn phát sinh tội phạm.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy tiền phương cũng chỉ đạo Công an các địa phương chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm trong bối cảnh bệnh dịch, không vì dịch dẫn đến sao nhãng chức trách, nhiệm vụ của lực lượng, nhất là xử lý can, phạm nhân tử vong do nhiễm COVID-19; tập trung phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để hoạt động phạm tội; tiến hành điều tra theo thủ tục rút gọn đối với các vụ án nhạy cảm trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các vụ án chống người thi hành công vụ...

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy tiền phương cũng thường xuyên kiểm tra Công an các tỉnh, thành, các chốt kiểm soát dịch… và xử lý kịp thời các vướng mắc, hạn chế, kiến nghị, chỉ đạo khắc phục ngay một số vấn đề thiếu sót, chưa quyết liệt, thực hiện chưa đầy đủ chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác đảm bảo ANTT, phòng chống dịch.

Trong thời gian được phân công Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã quan tâm sát sao, trực tiếp xuống tận hiện trường chỉ đạo công tác triển khai xây dựng Bệnh viện dã chiến Phước Lộc của Bộ Công an tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh với quy mô hơn 300 giường, nhằm chủ động hơn nữa trong việc điều trị bệnh COVID-19.

Tại lễ khánh thành Bệnh viện dã chiến Phước Lộc điều trị bệnh COVID-19, tại huyện Nhà Bè ngày 30/8/2021, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ xúc động: “Thêm một bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động là chúng ta có thêm niềm hy vọng, thêm niềm tin và sẽ có rất nhiều cuộc sống được giữ lại”.

Mời độc giả đón đọc kỳ cuối: Bài học thực tiễn về chỉ đạo và thực hiện phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phía Nam

Ngọc Như – Phú Lữ
.
.