Luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của chuyển đổi số trong CAND
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của dữ liệu, tạo lập dữ liệu đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống", đẩy mạnh chuyển đổi số trong CAND, triển khai hiệu quả Đề án 06, nâng cao quản trị xã hội, xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Sáng 10/10, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi số trong CAND lần thứ 2 năm 2023.
Dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các cục chức năng của Bộ Công an cùng một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Hội nghị được tổ chức tại Bộ Công an trực tuyến đến điểm cầu hội trường Công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: Năm 2022, Bộ Công an đã quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số trong CAND. Năm 2023 được Chính phủ xác định là năm tạo lập và khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đây cũng là năm lực lượng CAND tiếp tục có những nỗ lực triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.
Bộ Công an từng bước hoàn thiện pháp luật, xây dựng và triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an nhằm phục vụ hiệu quả người dân, xã hội, phòng chống tham nhũng vặt, phòng chống hiệu quả tội phạm, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về các lĩnh vực đảm bảo ANTT, giữ gìn trật tự xã hội, tạo văn minh xã hội.
Chỉ ra những tồn tại và quyết tâm khắc phục rút kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số ngành Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Mục tiêu trong thời gian tới tiếp tục khẳng định vai trò của CAND là lực lượng xung kích, đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Công an 4 cấp luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thành công những nhiệm vụ được giao trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Báo cáo kết quả chuyển đổi số trong CAND 9 tháng năm 2023 nêu rõ, 100% Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023. Đối với 38 nhiệm vụ trong 9 tháng đầu năm, lực lượng Công an đã hoàn thành 25/38 nhiệm vụ (đạt 65,79%).
Bộ Công an đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý. Các đơn vị đã tập trung thực hiện hoàn thành 6/12 nhiệm vụ năm 2023, trong đó có 2 nhiệm vụ hoàn thành trước tiến độ đặt ra. Nổi bật, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 24/6/2023; ban hành 2 Nghị định. Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 1/7/2023 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Bộ Công an đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chính thức triển khai 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí, trợ cấp mai táng” từ ngày 10/7/2023; đảm bảo dịch vụ công xét tuyển đại học, cao đẳng hoạt động ổn định, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng năm 2023.
Về nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội, Bộ Công an cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho Ngân hàng (CIC) tổng số 42 triệu dữ liệu; Cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho 3 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) với 120 triệu yêu cầu xác thực theo hình thức trực tuyến; trên toàn quốc đã có hơn 12.500 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh sử dụng CCCD gắn chip tích hợp BHYT (đạt 98.2%).
Về phát triển công dân số, Bộ Công an đã cấp trên 83,76 triệu thẻ CCCD gắn chip cho công dân; thu nhận trên 61,3 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 39,3 triệu tài khoản; đã phối hợp Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng thuế điện tử. Bộ Công an đã kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
Tiếp nhận tổng số gần 1,2 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin. Bộ Công an đã cung cấp dữ liệu theo 6 nhóm chỉ tiêu (dân số, giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, thành thị/nông thôn) hàng tháng cho Văn phòng Chính phủ để hoạch định chính sách; phân tích dữ liệu cho 10 bộ, ngành phục vụ hoạch định chính sách hàng năm.
Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 11 Dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06; đã hoàn thành cắt giảm yêu cầu việc nộp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú đối với 28 dịch vụ và cắt giảm yêu cầu nộp bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, bãi bỏ một số giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân đối với 58 dịch vụ. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 78%; nhiều dịch vụ có tỷ lệ trực tuyến cao như: Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước: 91%; Thông báo lưu trú: 96%; Đăng ký con dấu: 97%; Thẩm duyệt thiết kế về Phòng cháy chữa cháy: 98%; Đăng ký, cấp biển số xe lần đầu: 85%.
Năm 2023, Bộ Công an đã triển khai mở rộng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng máy tính diện rộng ngành Công an, đầu tư nâng cấp, thiết kế, triển khai hệ thống mạng theo công nghệ MPLS thay thế công nghệ cũ đang sử dụng; phối hợp với Tập đoàn VNPT nâng cấp nâng cấp dung lượng kênh truyền số liệu phục vụ Công an các địa phương; triển khai kết nối phần mềm bảo mật từ Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tới 63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 705 đơn vị cấp quận, huyện, 10.611 đơn vị cấp xã, phường; đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) của Bộ Công an (dự kiến hoàn thành trong năm 2023). Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã được Bộ Công an và các đơn vị Công an toàn quốc triển khai hiệu quả, thực chất và có chiều sâu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Ngày 10/10 là Ngày chuyển đổi số quốc gia cũng được Bộ Công an chọn là ngày chuyển đổi số trong lực lượng CAND. Con số “1-0-1-0” là biểu tượng trong chuyển đổi số, có ý nghĩa rất quan trọng. Có những dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an tỷ lệ hoàn thành lên tới 90 hoặc trên 90%, góp phần phục vụ hiệu quả nhân dân, xã hội.
Trong tâm trạng phấn khởi, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, chúng ta đã tạo ra nhiều hoạt động kiến tạo phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội. Chuyển đổi số trong CAND đã góp phần nâng cao hệ thống quản trị xã hội. Những kết quả này mang lại hiệu ứng rất quan trọng, phục vụ cho quản trị xã hội, tạo sức hút các ngành, các cấp, sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân trong chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là yếu tố rất quan trọng đem lại thành công trong chuyển đổi số ngành Công an cũng như các bộ, ngành khác.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thủ tục hành chính được cắt giảm nhiều khâu, không những giảm thiểu thời gian đi lại, công sức của người dân, mà còn góp phần tạo nên văn minh xã hội. Lấy ví dụ cháu bé mới sinh ở bệnh viện được gia đình đưa về nhà là đã có đầy đủ cơ sở pháp lý về nhân thân, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá: Công tác quản lý, quản trị xã hội đã tốt hơn rất nhiều, tạo sự minh bạch, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm hữu ích.
Biểu dương những kết quả của lực lượng Công an sau 1 năm phát động chuyển đổi số trong ngành Công an, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý các đơn vị không được chủ quan và khẳng định: Chúng ta chưa hài lòng với những kết quả đó, còn rất nhiều việc cần phải làm. Các đơn vị, địa phương vẫn cần phải tiếp nối, hoàn thành những phần việc được giao.
“Những kết quả này mới chỉ là một số những lĩnh vực thiết yếu, trọng tâm trong Đề án 06. Trong ngành Công an còn rất nhiều việc, Công an các đơn vị địa phương cần phải có báo cáo, kết quả hưởng ứng việc chuyển đổi số như thế nào, triển khai ra sao để đạt hiệu quả cao nhất, những mô hình hay cần phải được nhân rộng. Nhiệm vụ xây dựng xã hội số, công dân số, Chính phủ số là vô cùng quan trọng”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phải nhận thức đầy đủ, gương mẫu, đi đầu, dẫn dẵn, không để chùng xuống những nhiệm vụ, phần việc được giao. Bộ trưởng tin tưởng, với ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của Công an các cấp, đơn vị, địa phương, sau 1 năm tới chuyển đổi số trong CAND sẽ có những kết quả cao hơn nữa.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy Đảng và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phải xác định chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hàng ngày, cấp bách của mỗi cấp ủy Đảng, trong từng CBCS. Cùng với đó, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển dữ liệu đảm bảo yếu tố và nguyên tắc “Đúng, đủ, sạch, sống”, triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.
Đề cập đến yếu tố an ninh, an toàn, dữ liệu, pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển đồng bộ phục vụ chuyển đổi số, cùng chung tay tạo lập môi trường pháp lý, môi trường số vững chắc cho xã hội; Tiếp tục rà soát hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra, trọng tâm là triển khai hiệu quả Đề án 06; gấp rút hoàn thành những phần việc được giao.
“Các đơn vị phấn đấu đảm bảo yêu cầu đạt 100% chỉ tiêu “đúng, đủ, sạch, sống” về dân cư, số hóa tài liệu; Thúc đẩy quy trình tái cấu trúc thủ tục hành chính; Xây dựng Cổng dịch vụ công của Bộ Công an đảm bảo khoa học, thân thiện, thuận tiện để người dân dễ dàng sử dụng; Khẩn trương hoàn thành 4 cơ sở, trung tâm dữ liệu quốc gia của ngành Công an”- Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong CAND. Năm 2024, ngành Công an chuyển đổi trạng thái hoạt động, làm việc từ truyền thống sang môi trường số, nhất là cấp cơ sở, bởi đây là lực lượng gần dân nhất, tạo môi trường kỷ cương an toàn, lành mạnh, văn minh, phục vụ nhân dân, xã hội.