Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường phối hợp công tác
Ngày 1/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Công an và đồng chí Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đồng chủ trì buổi làm việc giữa lãnh đạo các cục chức năng thuộc Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác y tế CAND.
Nhấn mạnh một số nội dung chủ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Công an đã có phối sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, trong đó có lực lượng CAND. Nhiệm vụ này đặc biệt hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT cũng như trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần đắc lực hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc như: trang thiết bị phòng, chống dịch, vấn đề xét nghiệm, tiêm vaccine, nguồn kinh phí phòng, chống dịch ... Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Y tế đã thống nhất tổ chức buổi làm việc giữa lãnh đạo các đơn vị chức năng của hai Bộ để bàn thảo sơ bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực y tế CAND cũng như một số kiến nghị, đề xuất của Bộ Công an đối với Bộ Y tế nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, góp phần triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong tình hình cấp bách hiện nay.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Cục chức năng Bộ Công an và Bộ Y tế đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa 2 Bộ, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua. Trong đó, một số ý kiến và kiến nghị, đề xuất rất quan trọng, thiết thực, có liên quan trực tiếp đến triển khai nhiệm vụ và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đại tá Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác điều trị, hiện nay, Bệnh viện 19-8 đã thành lập Trung tâm điều trị tích cực với 25 giường điều trị ICU với 25 máy thở, 1 hệ thống ECMO và 3 hệ thống thiết bị lọc máu. Dự kiến tới đây tăng quy mô lên 45 giường điều trị tích cực nhằm phục vụ điều trị bệnh nhân thông thường cũng như bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay, đối với thiết bị, máy móc điều trị vẫn chưa có nguồn mua. Đại tá Hoàng Thanh Tuyền đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ giúp Bộ Công an, Bệnh viện 19-8 tìm nguồn để mua trang thiết bị máy móc cho Trung tâm điều trị tích cực.
Đại tá Hoàng Thanh Tuyền cũng cho biết, trong điều trị bệnh nhân COVID-19 khó khăn nhất hiện nay chính là thiếu nguồn nhân lực. Hiện nay đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng về hồi sức cấp cứu của bệnh viện còn rất thiếu, tay nghề chưa cao. Dù trang thiết bị có hiện đại đến đâu, nhưng đội ngũ cán bộ y tế không am hiểu kỹ thuật công nghệ, thì cũng không thể vận hành được. Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ tập huấn đào tạo, chuyển giao kĩ thuật cho cán bộ y tế của Bệnh viện về kĩ thuật hồi sức cấp cứu tích cực.
Ngoài ra, vấn đề thuốc điều trị COVID-19 cũng rất nan giải, vẫn thiếu mà chưa có nguồn để mua. Ví dụ như những loại thuốc chống đông, chống viêm và đặc biệt là nguồn thuốc kháng virus Sar COV-2 hiện nay chỉ có thể được phân bổ, chia sẻ thông qua Bộ Y tế. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm phân bổ thuốc kháng virus điều trị các bệnh nhân nặng hoặc các bệnh nhân trung bình để hạn chế chuyển biến nặng ..
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, hiện nay trong toàn lực lượng CAND có 212 cơ sở y tế từ tuyến trung ương xuống cơ sở, với hơn 6.000 cán bộ y tế CAND trong toàn quốc. Lực lượng này có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho CBCS và nhân dân.
Lực lượng CAND, với vai trò là lực lượng tuyến đầu với nhiều yếu tố rủi ro trong công tác phòng, chống dịch cũng như trong công tác đảm bảo ANTT. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có 31 % CBCS của lực lượng Công an được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Mới đây, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã có ý kiến đề nghị, nỗ lực phấn đấu đến 30/9, toàn lực lượng CAND phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Để hoàn thành được mục tiêu này, đề nghị Bộ Y tế ưu tiên tăng cường phân bổ vaccine tiêm cho lực lượng Công an.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao những nỗ lực rất lớn của lực lượng CAND trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Ghi nhận vai trò to lớn của lực lượng Công an cũng như sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa lực lượng Công an và lực lượng Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị, thời gian tới, lực lượng CAND tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế trong công tác truy vết dịch, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Tiếp tục tăng cường đảm bảo ANTT trong phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức tiêm vaccine ngừa dịch cho CBCS an toàn, hiệu quả.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định sẽ khẩn trương tổ chức tập huấn đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho y tế CAND với những phương án phù hợp, có thể theo hình thức “cầm tay chỉ việc” hoặc đào tạo trực tuyến để đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ vaccine cho lực lượng Công an tuyến đầu, trước mắt đề nghị ưu tiên cho Công an các tỉnh phía Nam.
Trước những khó khăn về trang thiết bị y tế phòng, chống dịch như ý kiến của đại diện các Cục chức năng Bộ Công an đã nêu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Bộ Công an cần chủ động có đề xuất, kiến nghị với các cấp, các địa phương nhằm tăng cường, hỗ trợ tối đa nguồn lực cho lực lượng Công an trong công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất bổ sung kinh phí, trang cấp trang thiết bị y tế cho Bộ Công an, sẵn sàng chung sức, chia sẻ, hợp tác với Bộ Công an trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các nhiệm vụ khác..
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn đề nghị Văn phòng 2 Bộ cùng soạn thảo văn bản kết luận nội dung buổi làm việc, trong đó tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Bộ Công an và các đơn vị chức năng, nhất là đề xuất từ Bệnh viện 19-8 về vấn đề hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế trực tiếp làm nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực.
Đề nghị Cục Kế hoạch và Tài chính , Cục Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng Bộ tài chính, Bộ Y tế để có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề kinh phí, trang thiết bị phòng, chống dịch kịp thời; khẩn trương cụ thể hóa các nội dung buổi làm việc để sớm triển khai, phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch trong thời điểm cấp bách hiện nay.