Hiệu quả công tác vận động quần chúng trong bảo đảm ANTT ở Bạc Liêu
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị định 06 của Chính phủ, Công an tỉnh Bạc Liêu tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT trên địa bàn.
Công an các cấp trong tỉnh đã tổ chức trên 20.000 buổi tuyên truyền cho gần 1,5 triệu lượt người tham dự; phát trên 625.000 tờ rơi tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật. Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền kết hợp giữa hình thức truyền thống như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền tập trung, qua hệ thống loa lưu động với hình thức tuyên truyền hiện đại thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông mạng xã hội (MXH). Qua đó, Công an tỉnh chỉ đạo xây dựng 201 trang Fanpage trên nền tảng MXH Facebook, Zalo; đăng tải hàng chục ngàn tin, bài, video tuyên truyền, thu hút gần 11 triệu lượt xem, hơn 1,5 triệu lượt thích, bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng.
Tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT một lần nữa được đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh trong Hội nghị tổng kết năm 2023 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh vào ngày 6/3/2024: "Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền đối với công tác bảo đảm ANTT theo phương châm "Lấy phòng ngừa là chủ yếu; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với tấn công". Xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, phát huy vai trò gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đưa công tác này đạt hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia".
Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương ký kết trên 50 quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện hiệu quả các biện pháp vận động nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với MTTQ các cấp tổ chức hơn 65.000 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó người dân cung cấp hơn 41.000 nguồn tin liên quan đến ANTT, giúp lực lượng Công an truy bắt 985 đối tượng truy nã; thu hồi gần 12.000 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; giáo dục, cảm hóa hơn 30.000 đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng…
Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Dân vận khéo" gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở; hằng năm có trên 80% khóm, ấp, xã, phường, thị trấn và 90% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn "An toàn về ANTT". Trên địa bàn tỉnh không còn xã trọng điểm phức tạp về ANTT; có 15 địa bàn cấp xã không có tệ nạn ma túy và đang triển khai xây dựng mô hình "Huyện không có tệ nạn ma túy" trên địa bàn huyện Hồng Dân. Việc bảo đảm ANTT trên địa bàn góp phần quan trọng trong hoàn thành tiêu chí xây dựng 49/49 xã đạt chuẩn "Nông thôn mới", 19 xã đạt chuẩn "Nông thôn mới nâng cao", 6 xã đạt chuẩn "Nông thôn mới kiểu mẫu"; 3 thị trấn, 9 phường đạt chuẩn "Văn minh đô thị".
Toàn tỉnh có 53 mô hình tự phòng, tự quản về ANTT với 329 tổ, 5.566 thành viên. Trong đó, Bộ Công an công nhận và nhân rộng 9 mô hình, với 60 tổ, 2.156 thành viên; Công an tỉnh công nhận 7 mô hình, với 152 tổ, 253 thành viên; Công an đơn vị, địa phương xây dựng 37 mô hình với 117 tổ, 3.157 thành viên. Chú trọng xây dựng, củng cố hơn 4.300 lượt tổ chức quần chúng làm "hạt nhân" trong tuyên truyền, phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan ANTT tại cơ sở.