Barbara Bush - người phụ nữ đặc biệt của một gia tộc lừng danh

Thứ Hai, 23/04/2018, 16:35
Bà Barbara Bush được xem là nhân vật trung tâm của một trong những gia đình chính trị nổi bật nước Mỹ, bà là vợ của vị tổng thống thứ 41 và là mẹ của vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, đồng thời là mẹ của một thống đốc bang.

Người phụ nữ tận tụy vì gia đình

Barbara Bush có tên thời trẻ là Barbara Pierce. Bà sinh ngày 8-6-1925 ở Manhattan trong một gia đình quý tộc có nguồn gốc từ New England. Tuổi thơ của Barbara lớn lên êm đềm cùng với bố mẹ là bà Pauline và ông Marvin Pierce, người sau này trở thành Giám đốc Nhà xuất bản Tạp chí phụ nữ McCall. Barbara còn có 3 người em là James, Scott và Martha.

Cuộc đời của cô gái Barbara xinh đẹp đã bước sang trang mới kể từ khi cô gặp George H. W.Bush, con trai của một gia đình quý tộc, trong một lớp học khiêu vũ.  Khi đó, George H. W.Bush đang theo học tại Học viện Phillips ở Andover, bang Massachusetts. Nhưng Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã nổ ra và chàng trai trẻ George H. W.Bush đã gia nhập quân đội, trở thành phi công trong lực lượng hải quân.

Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush trong lễ nhậm chức của chồng năm 1989. Ảnh: La Libre.be.

Trong thời gian đó, George H. W. Bush đã đặt tên cho 3 chiếc máy bay của mình là Barbara, Barbara II, và Barbara III. Lúc George H. W.Bush về phép, Barbara đang là sinh viên Đại học Smith ở Northampton, Massachusetts, nhưng cô bỏ học và họ cưới nhau 2 tuần sau đó vào ngày 6-1-1945.

Trong những tháng sau khi kết hôn, vợ chồng ông Bush đã chuyển nhà nhiều lần trước khi dừng chân tại bang Texas. Năm 1946, ông bà Bush có con đầu lòng, George W. Bush. Những đứa con lần lượt ra đời sau đó là Pauline, Jeb, Neil, Marvin et Doroty. Tuy nhiên, cô bé Pauline đã mất năm 1953 vì bệnh ung thư máu khi mới 3 tuổi.

Khi đề cập đến chuyện tình cảm giữa hai người, trong lần trả lời phỏng vấn tờ Boston Globe, bà Barbara chia sẻ rằng: “Tôi vẫn đang chung sống với người đàn ông yêu mình mà tôi đã kết hôn cách đây 72 năm. Ông ấy là người tuyệt vời nhất”.

Trong thời gian bà Barbara ở nhà chăm sóc con, ông George H. W. Bush xây dựng một doanh nghiệp dầu mỏ, thành lập Công ty Zapata đồng thời bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị. 

Năm 1980, ông trở thành Phó Tổng thống Mỹ và 8 năm sau trở thành ông chủ Nhà Trắng còn bà Barbara Bush là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ (1989-1993). Trong thời gian này, Đệ nhất phu nhân Barbara Bush từ chối phát biểu công khai về những vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt khi ý kiến của bà khác với ý kiến của phu quân.

Có tin đồn rằng bà ủng hộ quyền phá thai, nhưng ngoài công chúng, bà xác định ủng hộ chồng và không trả lời liệu bà có cảm thấy thoải mái về lập trường chống phá thai của Tổng thống Bush hay không. Mặt khác, Đệ nhất phu nhân Barbara mạnh mẽ đấu tranh để xóa nạn mù chữ trong các cộng đồng bị thua thiệt tại Mỹ.

Vợ chồng ông Bush cùng với con trai cả George W. Bush. Ảnh: AP.

Bà là người sáng lập Quỹ Barbara Bush for Family Literacy, giúp xóa nạn mù chữ nơi trẻ em và người lớn để tạo cơ hội giúp họ thăng tiến trong xã hội. Bà cũng là người ủng hộ mạnh mẽ cho các hoạt động từ thiện, ví dụ như hoạt động cho người vô gia cư, người mắc bệnh AIDS, người già và các chương trình thiện nguyện trường học.

"Tôi hy vọng mọi người sẽ nói rằng: 'Bà ấy đã quan tâm và làm việc chăm chỉ cho nhiều mục tiêu" - trích lời bà Bush trong cuộc phỏng vấn với tổ chức tin quốc tế The Christian Science Monitor vào năm 1989.

Trong những năm tháng ở Nhà Trắng, bà Barbara Bush được xem là điển hình cho mẫu đệ nhất phu nhân thích đứng ở sau hỗ trợ cho chồng hơn là tham gia tích cực vào chính sự. Với mái tóc bạc trắng cùng tính cách đôn hậu và cởi mở, nhiều người nhìn thấy ở bà hình ảnh của người phụ nữ truyền thống, tận tụy với gia đình.

“Tôi muốn được nhớ đến như một người vợ, một người mẹ, một người bà. Đó là con người thực của tôi. Và tôi mong muốn được tưởng nhớ như một người thực sự quan tâm tới người dân và đã làm việc hết sức mình để xóa nạn mù chữ tại Mỹ”, Đệ nhất phu nhân Barbara Bush từng chia sẻ.

Kết quả một cuộc thăm dò thực hiện năm 1999 cho thấy bà chiếm được cảm tình của 63% người dân Mỹ, trong khi chỉ có 3% là không ủng hộ, nhờ đó bà là người vận động rất hữu hiệu trong các chiến dịch tranh cử của chồng và con.

Còn với Tổng thống G.H.W.Bush, người dân Mỹ vẫn xem ông như là "người đàn ông của gia đình". Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị, ông luôn được hậu thuẫn bởi gia đình đông đảo và đầm ấm của mình. Người lãnh đạo và chăm sóc gia tộc này là Barbara Bush.

Vợ chồng ông Bush cùng Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. George W. Bush. Ảnh: Getty.

Điều đặc biệt ở một con người đặc biệt

Bà Barbara Bush đã trở thành một nhân vật chính trị quyền lực khi lần lượt chồng và con trai trở thành Phó Tổng thống và Tổng thống Mỹ. Khi trở thành Đệ nhất phu nhân, bà tuyên bố sẽ làm tất cả những gì được yêu cầu để giúp chính quyền của Tổng thống Bush, ngoại trừ 3 điều: “Tôi sẽ không nhuộm tóc, thay đổi cách ăn mặc của tôi và sẽ không giảm cân”.

Thế nhưng không hẳn ai cũng biết vì sao bà Barbara Bush từ chối nhuộm tóc. Khi còn trẻ, Barbara Bush có một mái tóc màu hung. Đến năm 28 tuổi, tóc của Barbara trở nên trắng xóa. Theo các bác sĩ, đó là do bà vừa trải qua một cú sốc làm thay đổi chất lượng của tóc. Cú sốc đó có thể là do cái chết của cô con gái Pauline.

Theo tờ ParisMatch, chiếc vòng ngọc trai mà bà đeo trên cổ cũng đi vào lịch sử. Chiếc vòng ngọc trai có 3 hàng đã được bà đeo trong lễ nhậm chức của chồng năm 1989. Sau đó đã trở thành một xu hướng thời trang trên khắp đất nước. Về sau này, chính bà tiết lộ rằng, bà đeo vòng cổ để che giấu những nếp nhăn trên cổ.

Sau khi rời Nhà Trắng, bà lại tiếp tục đứng ra vận động cho 2 con trai khác là George W. và Jeb khi họ tham gia tranh cử. Khi con trai cả George W. Bush đắc cử, trở thành tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, bà Barbara Bush đã trở thành người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nước Mỹ còn sống và chứng kiến cả chồng và con mình trở thành người đứng đầu xứ cờ hoa.

Trước đó, người phụ nữ đầu tiên có chồng và con là tổng thống là bà Abigail Adams (1744-1818), phu nhân của Tổng thống John Adams và thân mẫu của Tổng thống John Quincy Adams. Tuy nhiên, bà Abigail Adams đã mất trước khi con trai bước vào Nhà Trắng.

Barbara Bush còn là thân mẫu của cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush. Trước khi ông Jeb ra tranh cử tổng thống, thực tâm của cựu Đệ nhất phu nhân Barbara Bush đã hy vọng con trai thứ hai của bà sẽ không tranh cử tổng thống vào năm 2016. Nhưng trong một buổi phỏng vấn, bà Barbara Bush nói rằng, con trai bà không nên tìm kiếm cơ hội trở thành ông chủ Nhà Trắng.

"Tôi tin chắc Jeb là người xứng đáng nhất để chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng tôi hy vọng con trai sẽ không tranh cử. Bởi vì tôi nghĩ Jeb sẽ đối mặt với mọi đối thủ của tôi và của những người anh em trong gia đình", bà Barbara tâm sự. Theo cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà muốn Jeb dành cơ hội trở thành tổng thống cho những gia tộc khác.

"Nước Mỹ từng có những gia tộc nổi tiếng như Kennedy, Clinton, Bush. Nhưng nước Mỹ vẫn còn nhiều gia tộc lừng danh khác. Tôi luôn tin rằng đất nước vĩ đại này đã tạo ra rất nhiều con người xuất chúng", bà nói.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush và ca sĩ Michael Jackson trong những năm 1980. Ảnh: ParisMatch.

Tuy nhiên, ông Jeb Bush vẫn được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhưng ông đã không thành công.

 Trong thời gian cựu Tổng thống G.H.W.Bush nằm viện với căn bệnh liên quan tới đường hô hấp, bà Barbara thường xuyên có mặt để chăm sóc chồng. “Hai ông bà có một tình yêu mãnh liệt dành cho nhau và câu chuyện tình của họ lan tỏa khắp bệnh viện này. Như tôi đã nói, cựu Đệ nhất phu nhân luôn cố gắng ở bên chồng mình 24/24.

Ngoài việc ngủ ở 2 phòng riêng biệt, bà Barbara hầu như luôn ngồi gần giường bệnh của chồng”, bác sĩ Mynderse nói. Bác sĩ  Doerr thì cho rằng, cả hai người chính là “liều thuốc chữa trị cho nhau”.

“Họ luôn giúp đỡ chúng tôi trong việc khuyến khích và động viên người còn lại. Khi một trong hai ông bà nói rằng, họ không muốn điều trị về hô hấp, người còn lại sẽ hối thúc rằng: “Làm đi chứ!”. Điều này giúp ích cho chúng tôi rất nhiều”, bác sĩ Doerr nói thêm.

Vài tháng trước khi bà Barbara qua đời, tháng 1-2018, ông bà Bush đã kỷ niệm cuộc hôn nhân 73 năm của mình, dài hơn bất cứ cặp vợ chồng tổng thống nào của Mỹ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây bà Barbara phải chống chọi với căn bệnh suy tim sung huyết và tắc nghẽn phổi. Sức khỏe của bà Barbara có tín hiệu không khả quan và đến ngày 17-4, bà Bush qua đời sau khi từ chối tiếp nhận chữa trị bệnh. Bà ra đi ở tuổi 92 trong vòng tay yêu thương của gia đình, để lại chồng, 5 con, 17 cháu nội ngoại và 7 chắt.

Trong lời chia sẻ về mẹ của mình, cựu Tổng thống George W Bush cho biết: "Người mẹ yêu dấu của tôi đã qua đời. Laura, Barbara, Jenna và tôi đều rất buồn, nhưng chúng tôi vẫn ổn vì chúng tôi hiểu mẹ mình. Barbara Bush chính là Đệ nhất phu nhân kiệt xuất, là người phụ nữ khác biệt, người mang lại sự nhẹ nhàng, yêu thương và hiểu biết tới hàng triệu người".

Còn trong tuyên bố khẳng định những đóng góp của gia đình nhà Bush đối với nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Bà Barbara Bush luôn được ghi nhớ vì những cống hiến to lớn đối với đất nước và làm tròn bổn phận đối với gia đình”.

Yên Bình
.
.
.