Từ giảng đường Đại học An ninh đến vùng biên viễn xứ Quảng
Từ nơi phố thị phồn hoa về vùng biên viễn xứ Quảng, cách trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam hơn 150km, với người cán bộ Công an trẻ thì trong những ngày đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ, xa lạ.
Song nhờ sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ và đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình của đồng chí, đồng đội, sự yêu thương, đùm bọc của người dân địa phương, Thượng úy Phạm Ngọc Thủy đã nhanh chóng thích nghi với môi trường sống, môi trường làm việc mới, bám sát địa bàn cơ sở, góp phần cùng với lực lượng Công an xã Bhalêê, huyện Tây Giang, bảo vệ bình yên nơi “phên giậu” Tổ quốc.
Thượng úy Phạm Ngọc Thủy được sinh ra và lớn lên ở vùng đất cao nguyên Đắk Lắk đầy nắng và gió. Ngay từ khi còn bé, anh đã nuôi ước mơ khoác lên mình màu áo CAND để góp phần nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học ANND năm 2016, anh được nhà trường điều động đến nhận nhiệm vụ tại Khoa An ninh xã hội (nay là Khoa An ninh nội địa).
Với năng lực, sở trường công tác, anh đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Khi có thông báo về chủ trương của Bộ Công an tăng cường cán bộ Công an chính quy đến công tác tại Công an xã biên giới đợt 2, nhận thức được việc này là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng nên anh đã đề xuất nguyện vọng xin được điều động tăng cường với cấp ủy, lãnh đạo Khoa An ninh nội địa và Ban Giám hiệu Trường Đại học ANND và được chấp thuận. Vậy là từ tháng 11/2023, anh được điều về công tác tại Công an xã biên giới Bhalêê, huyện Tây Giang.
Thượng úy Phạm Ngọc Thủy chia sẻ, đối với bản thân anh là một giảng viên nghiệp vụ giảng dạy về lĩnh vực đảm bảo an ninh nội địa, để bài giảng được sống động, chất lượng, góp phần đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho học viên thì chất liệu, hơi thở thực tiễn là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc được điều động về địa bàn xã biên giới Bhalêê là một trải nghiệm quý báu...
Huyện Tây Giang là miền đất còn quá lạ lẫm với người giảng viên trẻ này. Vài thông tin tự tìm hiểu thêm trên mạng và báo chí về vùng biên giới này là “hành trang” trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ của Thượng úy Phạm Ngọc Thủy. Tuy nhiên, thực tế khi anh về xã Bhalêê, những bỡ ngỡ, lạ lẫm lúc ban đầu nhanh chóng được khỏa lấp nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và tình đồng chí, đồng đội trong đơn vị. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cũng được cải thiện và quen dần qua thời gian đã giúp anh nhanh chóng hòa nhập môi trường mới và tập trung công tác, cùng với lực lượng Công an xã Bhalêê bám sát địa bàn, đảm bảo ANTT ở cơ sở, từ cơ sở.
Ngay từ những ngày đầu về với xã Bhalêê, địa bàn có hơn 96% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân Thượng úy Phạm Ngọc Thủy xác định rằng, cốt lõi của công tác đảm bảo an ninh ở địa bàn cơ sở là phải làm tốt công tác quần chúng, chỉ khi quần chúng tin tưởng, giúp đỡ thì công tác đảm bảo ANTT mới đạt hiệu quả và ngược lại. Chính vì vậy, anh thường xuyên tham mưu, đề xuất lãnh đạo, chỉ huy tạo điều kiện, tin tưởng giao nhiệm vụ xuống các thôn, các khu dân cư để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Chỉ hơn 6 tháng về công tác tại Công an xã Bhalêê, anh đã tham gia 3 buổi tuyên truyền, vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong dân cư; phối hợp với Khu bảo tồn Sao La tổ chức 3 buổi tuyên truyền ở các điểm thôn về pháp luật bảo vệ rừng, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và chấp hành pháp luật về giao thông; 2 buổi tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bạo lực học đường tại các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn xã. Với kinh nghiệm, sở trường giảng dạy tại Trường Đại học ANND, những buổi tuyên truyền có sự tham gia của Thượng úy Phạm Ngọc Thủy đều cuốn hút đông đảo người nghe với nội dung phong phú, dễ nhớ, dễ hiểu và được quần chúng nhân dân đón nhận.
Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy Công an xã Bhalêê những ý tưởng về tăng cường sử dụng mạng xã hội vào trong công tác giải quyết dịch vụ công, tuyên truyền, thực hiện hàng chục tin, bài mỗi tuần về tình hình ANTT, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hình ảnh hoạt động của lực lượng CAND… trên trang Facebook của Công an xã. Qua đó, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch, lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an cơ sở.
Ngoài ra, với năng lực, sở trường nhiều năm hoạt động công tác Đoàn, anh đã tích cực, năng nỗ tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương, điển hình như tham gia văn nghệ tại chương trình “Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản” 2024 do Đồn Biên phòng Anông phối hợp với UBND xã Bhalêê tổ chức, đơn ca tại chương trình văn nghệ “Tuyên truyền ca khúc cách mạng - Tháng 3 biên giới” do Tỉnh đoàn Quảng Nam phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng và Đồn Biên phòng Anông tổ chức; xây dựng kịch bản, dẫn chương trình và 2 tiết mục văn nghệ trong Hội thi “Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy cấp huyện năm 2024” do UBND huyện Tây Giang tổ chức.
Thượng úy Phạm Trần Lương Tri, Phó trưởng Công an xã Bhalêê đánh giá, dù được tăng cường về công tác tại Công an xã Bhalêê chưa lâu, song Thượng úy Phạm Ngọc Thủy đã thể hiện rõ là một cán bộ Công an năng động, nhiệt huyết với công việc, sống chan hòa, đoàn kết với đồng chí, đồng đội. “Chúng tôi hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả của Thượng úy Phạm Ngọc Thủy khi về công tác tại xã Bhalêê nên chúng tôi luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thượng úy Phạm Ngọc Thủy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an xã đảm bảo tốt tình hình ANTT trên địa bàn”, Thượng úy Phạm Trần Lương Tri bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã Bhalêê cho biết: “Đồng chí Thuỷ là một cán bộ trẻ có năng lực và nhiệt huyết, ngay từ khi được phân công về Công an xã Bhalêê đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều trong công tác đảm bảo ANTT; thường xuyên xuống với đồng bào, bà con; tham gia và phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, qua đó giúp hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp liên quan đến ANTT tại địa phương, đồng thời xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ CAND bản lĩnh, nhân văn, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”.