Phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo trong công tác phòng, chống dịch
Xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 76%, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Công an huyện Tri Tôn đã phân công CBCS cùng Công an xã chủ động xuống phum, sóc “cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch” với bà con đồng bào, thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh.
Đại tá Tống Quyết Chiến, Trưởng Công an huyện Tri Tôn cho biết, hơn bao giờ hết, khi dịch COVID-19 bùng phát, tâm lý muốn được trở về đoàn tụ cùng gia đình của bà con là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi nơi đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm thì “tại chỗ” vẫn là lựa chọn an toàn nhất.
“Thấu hiểu và chia sẻ với người dân, CBCS được phân công bám sát cơ sở, kịp thời hỗ trợ cho các hộ khó khăn, có con đi làm ăn xa, không thể phụ giúp kinh tế cho gia đình vào thời điểm hiện tại. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các vị trụ trì để tuyên truyền, vận động người dân có thân nhân đang lao động tại các địa phương cố gắng khắc phục khó khăn, hợp tác tốt với chính quyền trong phòng, chống dịch”, Đại tá Chiến chia sẻ.
Trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi, động viên phật tử, bà con đồng bào trong phum sóc, Đại đức Chau Sóc Chanh, trụ trì chùa Nam Quy Dưới (xã Châu Lăng) mong muốn người dân đang làm ăn ở ngoài địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
“Sư mong muốn các bậc ông, bà, cha mẹ khuyên nhủ cháu, con đang làm ăn xa không được tự ý về địa phương khi không được các cấp, các ngành cho phép sẽ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, mong muốn khi tình hình dịch bệnh ổn định, các ngành chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ con em được về quê thăm gia đình nhưng phải đảm bảo về phòng, chống dịch”, Đại đức Chau Sóc Chanh chia sẻ.
Hòa thượng Chau Sơn Hy, Phó Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang bày tỏ sự đồng tình và cảm ơn sâu sắc sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quan tâm hỗ trợ nhân dân khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trong đó có bà con phật tử.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các cấp chính quyền, lực lượng Công an vận động, giáo dục, tuyên truyền mọi người, nhất là đồng bào trong vùng tôn giáo, dân tộc chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch để cùng nhau chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch”, Hòa thượng Chau Sơn Hy chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Đức Hậu, Trưởng Công an TP Long Xuyên cho biết, dịch bệnh bùng phát, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc được phát huy đầy ý nghĩa và nhân văn. Công an thành phố nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã đóng góp hàng ngàn phần quà để giúp đỡ người dân khó khăn, với tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.
Với mô hình “2 An” (An ninh trật tự - An sinh xã hội) trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, được Công an tỉnh An Giang và Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo ký kết thực hiện, Công an các địa phương phối hợp chặt với Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cho biết, với nhiều hoạt động an sinh xã hội được lực lượng Công an và Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các xã, phường, thị trấn thực hiện trong mùa dịch đã thể hiện sự đoàn kết gắn bó, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân… Đồng thời, hỗ trợ suất ăn, tặng khẩu trang, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho công tác và sinh hoạt hàng ngày tại các chốt phòng, chống dịch.
Đại tá Lâm Thành Sol, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an toàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Ngoài chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt trong công tác vận động người thân chấp hành chủ trương “Ai ở đâu, ở yên chỗ đó”, góp phần hiệu quả, nhanh chóng đẩy lùi dịch COVID-19.