Một nhà giáo Công an tiêu biểu, tận tâm, tận lực với nghề
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Khoa Luật, Học viện ANND là một trong số nhà giáo CAND vinh dự đạt được thành tích “kép” khi vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT) và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu.
Có một điều đặc biệt là trong quá trình công tác, phấn đấu, trưởng thành tại Học viện ANND suốt 24 năm qua, Đại tá, PGS.TS, NGƯT Nguyễn Ngọc Hà vẫn chỉ gắn bó với một đơn vị công tác duy nhất là Khoa Luật. Và dù ở cương vị nào, là giảng viên, cán bộ quản lý hay người làm công tác nghiên cứu khoa học, anh vẫn luôn giữ được cho mình niềm đam mê, tận tâm, tận lực với nghề.
Đại tá, PGS.TS, NGƯT Nguyễn Ngọc Hà sinh năm 1976 tại xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình đông anh em, có bố là nhà giáo. Tuy nhiên, cơ duyên đưa anh đến với ngành Công an lại bắt đầu từ người anh trai, công tác trong lực lượng CAND. Tháng 10/2000, sau khi tốt nghiệp Khóa D27 Trường Đại học ANND, nay là Học viện ANND, với thành tích học tập xuất sắc và năng khiếu sư phạm nổi trội, anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy Luật Hình sự và tố tụng hình sự tại Bộ môn Pháp luật, nay là Khoa Luật.
Tháng 7/2013, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học và tháng 10/2013, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Luật. Từ tháng 5/2019 đến nay, anh được giao phụ trách Khoa Luật với vai trò Trưởng Khoa. Năm 2021, anh được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS ngành Khoa học An ninh.
Chia sẻ về lý do vì sao bao nhiêu năm vẫn gắn bó, thủy chung với một nơi duy nhất là Khoa Luật, nhà giáo Nguyễn Ngọc Hà cho biết: “Có lẽ mọi chuyện bắt đầu từ niềm đam mê đối với ngành luật, một mảng khá rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có pháp luật về ANTT được Đảng, Nhà nước giao cho lực lượng CAND thực hiện trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, bản thân tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ ở trường làm công tác giảng dạy nên chỉ muốn chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu để có cơ hội tự bồi đắp, tích lũy kiến thức, năng lực chuyên môn”.
Cũng theo nhà giáo Nguyễn Ngọc Hà, khác với các khoa nghiệp vụ, Khoa Luật là nơi hội tụ đội ngũ cán bộ từ nhiều nguồn khác nhau đến từ nhiều cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước nên đòi hỏi người lãnh đạo nếu muốn đạt được sự thống nhất trong đa dạng phải cần có cả “tâm và tầm”. Xuất phát từ thực tế đó, nguyên tắc được anh vận dụng trong hơn 10 năm làm công tác quản lý, trong đó có 5 năm làm Trưởng khoa là phải đặt cái chung lên đầu, dân chủ, gương mẫu; nắm được ưu khuyết điểm của từng người để giao “đúng người đúng việc”; tạo điều kiện để anh em được trải nghiệm, được rèn nghề; phân cấp, phân quyền triệt để, giao nhiệm vụ trên tinh thần kiểm tra, giám sát nhằm phát huy được tối đa sức mạnh của từng cá nhân và tập thể.
Ngoài việc phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu bằng cách nhận làm nhiều việc hơn, nhận việc khó hơn và hoàn thành sớm hơn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà còn sử dụng phương pháp khoa học để lượng hoá tất cả các chỉ tiêu công tác chuyên môn của cán bộ, giảng viên nhằm đánh giá thi đua một cách công bằng, minh bạch, trong đó đặt lên hàng đầu các tiêu chí năng lực, mức độ cống hiến, trách nhiệm với tập thể…
Không chỉ chịu khó tìm tòi để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong vai trò của một người quản lý, Đại tá Nguyễn Ngọc Hà còn là một người luôn tâm huyết, đam mê với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với tinh thần không ngừng học tập, nghiên cứu những tri thức khoa học mới, đồng thời vận dụng sáng tạo các phương pháp nghiên cứu, dạy học tích cực để đổi mới việc giảng dạy giúp học viên tiếp thu có hiệu quả và có thể vận dụng ngay vào công việc thực tiễn nên anh đã được nhiều học viên đề nghị hướng dẫn thực hiện luận văn, luận án; nhiều cơ sở giáo dục đại học mời giảng dạy, hướng dẫn hoặc đánh giá luận văn, luận án; nhiều đơn vị trong và ngoài ngành mời tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Anh chia sẻ: “Do thời gian biểu hàng ngày đều phải tập trung vào công tác giảng dạy, quản lý nên việc nghiên cứu khoa học, tôi chủ yếu thực hiện ngoài giờ, vào các ngày nghỉ. May mắn là gia đình ai cũng chia sẻ, thông cảm, đặc biệt vợ tôi là người biết chăm lo công việc gia đình, biết hy sinh nên mọi thứ vẫn được vuông tròn”…
Với niềm đam mê và sức làm việc bền bỉ, đến nay, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà đã chủ nhiệm 1 đề tài cấp cơ sở nghiệm thu đạt loại xuất sắc năm 2014, chủ nhiệm 2 đề tài cấp Bộ được nghiệm thu đạt xuất sắc năm 2019, 2023; tham gia 3 đề tài cấp Bộ và 3 đề tài cấp cơ sở. Anh cũng đã chủ biên 4 giáo trình cho hệ đại học và sau đại học, chủ biên 1 giáo trình dùng chung trong CAND và chủ biên 1 sách hướng dẫn học tập cho hệ sau đại học; tham gia biên soạn 5 giáo trình đào tạo cho ngành Luật ở bậc đại học; biên soạn nhiều chuyên đề bồi dưỡng và tài liệu dạy học khác; đăng tải trên 80 bài báo khoa học, kỷ yếu hội thảo có chất lượng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó, có nhiều bài báo, báo cáo khoa học bằng tiếng Nga và tiếng Anh; chủ biên và tham gia xuất bản 11 cuốn sách chuyên khảo và tham khảo ở các lĩnh vực tư pháp hình sự và khoa học an ninh.
Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều Hội đồng đánh giá luận văn, luận án tại nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng như các Hội đồng đánh giá chương trình, đề tài nghiên cứu của Công an các đơn vị, địa phương; hướng dẫn học viên sau đại học bảo vệ thành công 36 luận văn thạc sĩ trong và ngoài ngành, 3 luận án tiến sĩ và hiện anh đang hướng dẫn 2 luận án tiến sĩ, trong đó có 1 luận án tiến sĩ được thực hiện tại Liên bang Nga.
Theo chia sẻ của nhiều thế hệ học viên, các bài giảng trên lớp của nhà giáo Nguyễn Ngọc Hà luôn được người học hào hứng đón nhận và đánh giá cao vì sự nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tế, sự hấp dẫn thông qua các tình huống thực tiễn sống động. Bí quyết của anh là luôn lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, với học viên là sinh viên, anh tập trung phủ kiến thức rộng để người học có thể bắt tay vào thực tế sau khi ra trường, còn đối với các học viên là cán bộ thực tiễn, anh đào sâu vào từng vấn đề nhằm bật ra được bản chất cốt lõi, rồi từ thực tiễn sống động tổng kết thành lý luận.
Còn trong hướng dẫn luận văn, luận án, anh cũng nhận được sự tín nhiệm của học viên cả về tư duy khoa học và đạo đức nhà giáo. Trong đó, điều khiến PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà “được lòng” học viên chính là chia sẻ, đóng góp chất xám cho công trình của nghiên cứu sinh một cách tối đa và tiết kiệm chi phí cho nghiên cứu sinh đến mức tối thiểu...
Với những thành tích tiêu biểu trong giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen cao quý như: Huân chương Hữu Nghị Việt-Lào năm 2012; 3 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba vào các năm 2016, 2021 và 2024; Huy chương “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2021; được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2023 và trao tặng vào năm 2024; 7 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2011 đến năm 2023; 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vào các năm 2021 và 2024; 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN năm 2023 và nhiều bằng khen, giấy khen khác của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Trong 24 năm gắn bó với Học viện ANND, nhà giáo Nguyễn Ngọc Hà có 10 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 năm là chiến sĩ thi đua toàn lực lượng. Riêng năm 2024, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhận danh hiệu “kép”, vừa là Nhà giáo Ưu tú, vừa là nhà giáo tiêu biểu.