Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11):

Bước chuyển mình của đội ngũ nhà giáo Công an nhân dân trong thời đại 4.0

Thứ Tư, 21/11/2018, 06:53
Với sự nỗ lực không ngừng, đội ngũ nhà giáo trong lực lượng CAND ngày càng phát triển về chiều sâu chất lượng, góp phần nâng vị thế và hình ảnh người thầy CAND trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân.


Trong bối cảnh giáo dục đào tạo thay đổi “căn bản toàn diện”, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ảnh hưởng sâu sắc tới các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo CAND sẽ có những bước chuyển mình như thế nào để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an) về vấn đề này.

PV: Thưa Giáo sư, đội ngũ nhà giáo CAND ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Ông có thể khái quát về những thành quả nổi bật của đội ngũ người thầy CAND trong thời gian qua?

Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Minh Giám: Trước hết cần phải khẳng định, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm tới phát triển đội ngũ nhà giáo CAND. Bộ Công an đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản nhằm xác định rõ vai trò và tầm quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có Đề án thành phần số 5 “Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên” (thuộc Đề án 1129 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020”).

Thiếu tướng Bùi Minh Giám.

Đề án đã xác định rõ mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các trường CAND đến năm 2020. Cùng với đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA và Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 13/CT- BCA về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong CAND để cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là những văn bản quan trọng đánh dấu sự phát triển của công tác giáo dục đào tạo trong CAND thời kỳ đổi mới.

Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Bộ Công an, sự nắm bắt kịp thời, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt của Cục Đào tạo và các đơn vị chức năng, trong những năm qua, các học viện, trường CAND đã xây dựng kế hoạch phát triển, chuẩn hóa chức danh cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chức danh, tập trung đầu tư mở rộng hợp tác với nước ngoài trong giáo dục đào tạo.

Đến nay, tất cả các học viện, trường trong lực lượng CAND đều có chương trình, kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Một số trường đã chủ động khai thác có hiệu quả các nguồn kinh phí từ các đề án, dự án; đã xây dựng các văn bản, chính sách có tác dụng tích cực, khuyến khích đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ.

Tính đến hết tháng 6 năm 2018, các học viện, trường CAND có 3.504 giáo viên, trong đó có 499 tiến sĩ (tăng 43 tiến sĩ so với năm 2017); có 1.319 cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có 249 tiến sĩ, 114 người có trình độ cử nhân ngoại ngữ, 42 người có trình độ IELTS 6.0 và TOEFL 550 trở lên; 17 Nhà giáo nhân dân và 166 Nhà giáo ưu tú; 24 giáo sư, 119 phó giáo sư.

Riêng trong năm 2017, có 3 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được bổ nhiệm chức danh giáo sư, 35 người được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. Theo tôi đây là minh chứng rõ nét nhất phản ánh sự trưởng thành của đội ngũ nhà giáo trong lực lượng CAND.

PV: Theo Giáo sư, nhà giáo CAND cần có những phẩm chất đặc thù gì so với nhà giáo đang công tác ở các trường đại học ngành ngoài?

Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Minh Giám: Người thầy CAND có nhiệm vụ đào tạo ra chiến sĩ CAND toàn diện, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Do đó, họ sẽ có những đặc thù như: Giỏi về chính trị pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, vững về kiến thức quốc phòng an ninh.

Ngoài việc phải giảng dạy những kiến thức cơ bản, cơ sở đại cương như hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục đào tạo trong CAND còn có đặc thù về nghiệp vụ an ninh, cảnh sát, kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, thi hành án và hỗ trợ tư pháp... Những đặc thù đó đòi hỏi giáo viên phải “chuyên ngành” mới đáp ứng được yêu cầu.

PV: Vậy theo Giáo sư, những khó khăn, thách thức nào mà đội ngũ nhà giáo CAND đang phải đối diện?

Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Minh Giám: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thay đổi mạnh mẽ đời sống xã hội, chắc chắn sẽ tác động tới đội ngũ người thầy trong lực lượng CAND. Đây là một khó khăn. Khó khăn thứ hai là trình độ ngoại ngữ, phục vụ cho công tác nghiên cứu và học tập; để đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh giảng dạy (đối với giảng viên sau đại học, yêu cầu nghiên cứu sinh phải có hai bài báo được đăng trên các tạp chí nước ngoài có mã vạch quốc tế.

Nếu không sẽ thiếu “tiêu chí cứng” xét bổ nhiệm chức danh giảng dạy như giảng viên chính, giảng viên, trợ giảng, GS, PGS. Từ 2017 trở về trước, trong bổ nhiệm chức danh GS, PGS, các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa bắt buộc đòi .hỏi những “tiêu chuẩn cứng”, nhưng từ năm nay, các tiêu chuẩn sẽ phải nâng lên. Đây cũng là một khó khăn nữa.

PV: Với điều kiện hiện có, đội ngũ nhà giáo CAND cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe trong bối cảnh cách mạng 4.0, thưa Giáo sư?

Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Minh Giám: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức trong ngành giáo dục phải thay đổi phương pháp, cách dạy học cho phù hợp. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền đạt thông tin tri thức thì ngày nay, người máy sẽ làm tốt hơn các nhà giáo.

Người thầy CAND cần nhiều “tố chất” mới để đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo các sĩ quan ngày càng tinh nhuệ, chính quy, hiện đại.

Nhưng người máy và thiết bị thông minh không thể thay thế thầy, cô giáo trong các trường học, vì thầy, cô giáo còn có nhiệm vụ giúp sinh viên phát triển phẩm chất, năng lực. Sinh viên không chỉ học để có điểm cao, mà phải có phẩm chất và năng lực của người công dân toàn cầu.

Tôi cho rằng, giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước. Muốn vậy, giáo dục phải được ưu tiên đồng bộ trên nhiều mặt: Tài chính, cơ chế chính sách quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với nhà giáo.

Trong kỷ nguyên số hóa, người thầy trong lực lượng CAND phải giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ thông tin và chuyên sâu về nghiệp vụ, pháp luật để đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên phải lấy sinh viên làm trung tâm để sinh viên chủ động, trở thành người có bản lĩnh, tự chủ, đam mê và tôn trọng tri thức.

Do đó, thay vì cung cấp tri thức một chiều, nhà giáo nên sử dụng tối đa các phương tiện trực quan sinh động, nhằm khơi dậy trong sinh viên tinh thần chủ động học tập, khả năng đào sâu nghiên cứu. Đây mới là giáo dục đích thực. Tôi nghĩ, đội ngũ nhà giáo CAND cũng phải thay đổi theo chiều hướng tích cực đó.

PV: Nếu chỉ cung cấp tri thức, kiến thức cho người học thì “robot” có thể làm được. Nhưng “robot” không bao giờ có thể truyền cảm hứng được cho sinh viên. Ông có thể chia sẻ về câu chuyện người thầy CAND cần phải “truyền cảm hứng” cho sinh viên?

Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Minh Giám: Chắc bạn cũng biết câu nói của William Arthur Ward: "Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng".

Tôi cho rằng, cùng với việc đổi mới phương pháp, ứng dụng nhiều thành tựu của công nghệ thông tin vào giảng dạy là vô cùng cần thiết, nhưng người thầy, dù trong hay ngoài lực lượng CAND đều cần phải thắp sáng cho học viên ngọn lửa không bao giờ tắt trong cuộc đời họ, trong lý tưởng, đời sống của họ.

Muốn làm được điều đó, người thầy phải trở thành nhà giáo thực thụ, giỏi chuyên môn, có phương pháp tốt để truyền cảm hứng. Tôi có một vài lần tham gia giảng chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, tôi luôn nói với học viên về phương pháp và nói lí do cá nhân của tôi.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi những thầy cô dạy tôi cấp 3 như thầy Tân dạy Hóa, thầy Hoan dạy Toán, cô Vinh dạy tiếng Nga, họ là những thầy cô mẫu mực. Ngoài dạy kiến thức, thầy cô còn truyền cảm hứng, thắp lên cho chúng tôi ngọn lửa quyết tâm nung nấu học thành người. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm đó với đội ngũ giáo viên trẻ. Làm thầy phải thực sự đam mê, nhiệt huyết mới truyền cảm hứng cho học sinh được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Thu Phương (thực hiện)
.
.