Những người lính quả cảm
- Trái tim người lính giữa biển trời linh thiêng
- Khoảng lặng của người lính Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn
- Chất “thép” của người lính Cảnh sát cơ động
1.18 giờ một chiều hè nóng bỏng, chúng tôi có mặt tại Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm có yếu tố người nước ngoài (Đội 10), Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội. Dù rằng ngoài kia mọi người đang hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc, thì tại đây hàng chục con người vẫn đang cắm cúi làm việc, trước mắt là hàng tập hồ sơ.
Với lực lượng điều tra hình sự Công an Hà Nội, và cả những tên tội phạm cộm cán thì điều tra viên Ngô Văn Đáp (điều tra viên cao cấp, Đội trưởng Đội 10) không phải là cái tên "bình thường". Gần 20 năm làm cảnh sát điều tra, rồi cảnh sát hình sự Thượng tá Ngô Văn Đáp cùng với đồng đội đã phá rất nhiều vụ trọng án, bắt hàng chục ổ nhóm giang hồ cộm cán.
Năm 2011, Thượng tá Đáp được cấp trên điều chuyển sang Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, làm Đội trưởng Đội 2. Tại đây anh và đồng đội đã truy tìm, bắt giữ được không ít đối tượng truy nã nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một lần đi bắt các đối tượng truy nã tại địa bàn tỉnh Lai Châu, anh đã bị thương nặng.
"Mỗi lần nhớ lại giây phút ấy, tôi thực sự cảm thấy mình may mắn vì đã không bị ngất đi. Đặc biệt là sự có mặt nhanh chóng của các nhân viên y tế đã kịp thời sơ cứu, đưa tôi đến bệnh viện, giành giật lại mạng sống cho tôi" - Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội nhớ lại kỷ niệm về cái lần hút chết trong chuyến bắt truy nã ở Lai Châu vào đầu năm 2013.
Thượng tá Ngô Văn Đáp nghiên cứu hồ sơ một vụ án. |
Thời điểm đó, Thượng tá Đáp đang là Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an TP Hà Nội. Tháng 1-2013, Phòng PC52 nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân về 2 đối tượng truy nã nguy hiểm đang lẩn trốn tại địa bàn tỉnh Lai Châu. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí trưởng phòng PC52, Th ượng tá Đáp vạch kế hoạch, tổ chức trinh sát địa bàn, xác minh đối tượng.
Sau khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ xác định 2 đối tượng Đào Thùy Linh và Lê Văn Khu sẽ còn ở đó một thời gian nữa, Thượng tá Đáp đề xuất cử một tổ công tác lên Lai Châu, nhanh chóng truy bắt. Trưa 8-1-2013, trong cái rét cắt da cắt thịt, tổ công tác Phòng PC52 gồm 3 đồng chí, do Thượng tá Đáp dẫn đầu khởi hành lên Tây Bắc.
Vượt qua hàng trăm kilômét đường đèo núi quanh co, cho đến khoảng 19 giờ 30 phút tổ công tác có mặt tại bản Che Bó, xã Phúc Than, huyện Than Uyên thì bất ngờ chiếc xe ôtô của đơn vị bị hỏng bánh trước. Do đang ở xa trung tâm huyện, không thể chờ xe cứu hộ, bản thân 2 đối tượng Linh, Khu liên tục thay đổi nơi ở để đối phó với Cơ quan Công an, nếu không kịp thời đến để phối hợp với Công an Lai Châu thì không thể truy bắt được đối tượng. Với tinh thần khẩn trương truy bắt tội phạm, tổ công tác quyết định sẽ khắc phục tại chỗ.
Sau khi đã đánh xe vào lề đường, bật đèn cảnh báo, Thượng tá Đáp mở cốp xe để lấy lốp dự phòng. Vừa lúc đó, có một người đàn ông địa phương đi xe máy say rượu không làm chủ tốc độ đã đâm thẳng vào vị trí tổ công tác. Hậu quả Thượng tá Đáp đã bị gãy gập xương đùi thành hai đoạn. Tình thế thập phần nguy hiểm, bởi những mảnh xương gãy có thể cứa đứt động mạch/tĩnh mạch bất cứ lúc nào. Trong khi đó, bệnh viện huyện cách đó hơn 30 km đường đèo. Còn bệnh viện tỉnh thì cách xa hơn 100km.
Mặc dù vết thương rất nặng, gây choáng, song Thượng tá Đáp vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội làm ngay ba việc. Một là lùi xe cách vị trí bị thương khoảng 3m để che chắn cho anh, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra. Hai là gọi lực lượng 115 Lai Châu tiến hành cấp cứu. Ba là liên lạc với lực lượng PC52 Lai Châu tiếp tục giám sát đối tượng truy nã.
"Có lẽ do mất bình tĩnh, một đồng đội trẻ loay hoay đến 10 phút chưa lùi được xe vào đúng vị trí cần thiết. Chờ mãi mà chưa thấy lực lượng cấp cứu đến, tôi yêu cầu cậu ta bắn chỉ thiên để cho lực lượng ứng cứu dễ xác định, song cậu ấy vẫn run bắn, không dám rút súng. Tôi bảo đưa súng cho tôi, cậu ấy cũng không dám…" - Thượng tá Đáp kể.
May mắn khoảng 15 phút sau, lực lượng cấp cứu 115 đã có mặt, tiến hành nẹp cố định các đoạn xương gãy rồi đưa Thượng tá Đáp về bệnh viện huyện cấp cứu. Tiếp đó anh được chuyển về bệnh viện tỉnh Lai Châu tiếp tục cứu chữa. Đêm hôm sau thì anh được chuyển về Hà Nội. Còn 2 đồng chí thuộc tổ công tác PC52 vẫn tiếp tục phối hợp với Công an Lai Châu, tổ chức truy bắt các đối tượng truy nã. Đối tượng Đào Thùy Linh đã sa lưới pháp luật sau đó ít ngày.
2.Trường hợp của Thiếu tá Đặng Việt Quảng (hiện là Trưởng Công an phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng là một trong số những điển hình về tinh thần tận tụy, hy sinh, vì nhân dân phục vụ của lực lượng công an.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, anh Quảng về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra, rồi sau đó là Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội. Cùng với đồng đội, Thiếu tá Quảng đã tham gia điều tra khám phá nhiều vụ trọng án như vụ Vũ Thị Kim Anh giết người tình trên xe Lexus; vụ hai đối tượng Tuấn, Hoàn giết chị Bùi Thị Nguyệt rồi phi tang xác trên cánh đồng Cùm (Mê Linh, Hà Nội)…
Năm 2011, Thiếu tá Đặng Ngọc Quảng được cấp trên tin tưởng giao làm Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Hai Bà Trưng.
Đêm 9-7-2011, Công an quận Hai Bà Trưng nhận được tin báo về việc một nhóm đối tượng giang hồ đang có những hành động vi phạm pháp luật tại một nhà dân trên phố Hồng Mai. Thiếu tá Quảng được phân công cùng một tổ công tác xuống ngay hiện trường để giải quyết. Khi lực lượng công an có mặt thì các đối tượng đã rời khỏi hiện trường. Các chiến sĩ đã mời bị hại cùng một số nhân chứng lên Công an phường Bạch Mai để lấy lời khai. Nhưng ít phút sau, lại có thông tin đám côn đồ quay lại "khủng bố" người dân dám "tố chúng" với Cơ quan Công an.
Lúc ấy khoảng 23 giờ, đồng chí Quảng cùng đồng đội lập tức chạy thẳng từ Công an phường Bạch Mai đến quán rượu ốc 136 Hồng Mai để ngăn chặn các đối tượng. Khi thấy lực lượng công an, các đối tượng vội leo lên xe ôtô định bỏ trốn. Thiếu tá Quảng không quản hiểm nguy, chặn đầu chiếc xe rồi giơ giấy chứng minh công an, đề nghị các đối tượng xuống xe làm việc. Bất ngờ, đối tượng cầm lái đã rồ ga lao thẳng vào người anh.
Cú đâm của đối tượng đã "dúi" Quảng vào cửa nhà số 71 Hồng Mai, làm nứt vỡ một bên cột trụ. Rất may là chiếc xe bị cột trụ cản lại, còn Quảng thì lọt vào phía lõm của cánh cửa xếp nên đã thoát được cú đâm chết người. Hậu quả khiến Quảng bị gãy nát xương đùi trái. Ngay sau đó các đối tượng lên ôtô rồ ga bỏ trốn. Một thời gian sau, lần lượt các đối tượng trong ổ nhóm này đều sa lưới pháp luật.
Xương đùi trái dập nát, vỡ vụn trong vụ án ấy đã khiến Đặng Việt Quảng trở thành thương binh hạng A. Sau khi bị thương, quá trình hồi phục là cả một thời kỳ gian khổ với nỗi buồn vô hạn của Quảng. Đó quãng thời gian anh phải đấu tranh nhiều về tư tưởng, sự đau đớn trên thân thể cũng chẳng thấm tháp gì so với những buồn chán khi nghĩ rằng rồi sẽ đến một ngày mình không thể tiếp tục đi cùng đồng đội. Cứ nghĩ đến đấy, anh chỉ chực rơi nước mắt.
Cuộc đời của một lính hình sự luôn phải đối mặt với hiểm nguy, trước những đối tượng hung hãn chưa bao giờ biết khuất phục, vậy mà trong lúc này anh lại phải đấu tranh với chính mình để tự động viên mình vững vàng hơn. Quảng tâm sự: "Tôi phải điều trị mất 6 tháng, giai đoạn đấy, đặc biệt trong những ngày đầu tiên nỗi đau thể xác chẳng là gì nữa khi tôi được Ban Giám đốc, chỉ huy đơn vị, gia đình và các đồng đội lo lắng, động viên rồi lo cho từng chút một từ bác sỹ mổ cấp cứu, chỗ nằm dưỡng bệnh…
Trước khi vào phòng mổ, tôi chỉ hỏi bác sỹ Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức rằng: "Anh Thạch ạ, anh nói thật cho em biết là em còn đi lại bình thường được không?". Khi anh Thạch đáp lại: "Yên tâm 6, 7 tháng nữa là chú đi đá bóng được"... Chân còn đi được, có nghĩa là còn đi đánh án được. Nghe được vậy là tôi cũng yên tâm hơn, tôi được gây tê và ngủ một mạch. Sau 9 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức, tôi được chuyển về Bệnh viện 19-8, Bộ Công an.
40 ngày trên giường bệnh dài đằng đẵng, 2 tháng sau tôi bắt đầu chuyển sang giai đoạn vật lý trị liệu với những bài tập nhẹ cùng những cơn đau bởi những chiếc đinh ghim ở đùi trái. Nhưng đau đớn không làm tôi nản chí mà cảm thấy phải quyết tâm và cố gắng hơn trước gấp nhiều lần.
Khi mình làm nghề đang xốc vác như vậy nên lúc phải nằm trên giường bệnh thì buồn chán, chỉ mong nhanh phục hồi để được đến đơn vị, gặp anh em đồng đội và lại tiếp tục được "đánh" án.
Đợt đó dù chưa bình phục hẳn thi thoảng tôi vẫn "mò" lên cơ quan, làm những công việc nhẹ nhàng lại thấy tinh thần vui hẳn lên. Ở nhà cảm giác mình như thừa thãi, đã bệnh rồi lại còn nặng hơn". Bằng mọi nỗ lực, 6 tháng sau anh trở lại với công việc, phải cố gắng làm, vừa làm vừa tập để chỉ huy và anh em đồng đội yên tâm.
Ít ai biết rằng, ngay trước đêm Thiếu tá Quảng bị nhóm đối tượng gây thương tích, vợ Quảng cũng bị thương ở cánh tay trái. Suốt hơn một tháng nằm điều trị tại bệnh viện, Quảng mới đặt được bàn chân xuống đất. Nhớ nghề, Quảng nén nhịn đau tập đi để rồi 6 tháng sau Quảng đã lại có mặt tại đơn vị, tiếp tục tham gia đánh án cùng đồng đội.