Nữ Anh hùng hai lần được vinh dự tham gia ĐH thi đua yêu nước toàn quốc
- Tích cực chuẩn bị cho Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX
- Hai nữ anh hùng trên đất Tây Nguyên
- Người nữ anh hùng nơi "Cánh cửa thép" năm xưa
- Chuyện nữ Anh hùng CAND Ngô Thị Huệ, con gái nuôi của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
Từ chuyện nữ trinh sát nội thành mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu đến con đường trở thành nhà báo, nhà thơ, với tâm hồn lúc nào cũng cháy bỏng, khát khao tình yêu Tổ quốc, quê hương, tình yêu đồng đội, trong chị, ngọn lửa nhiệt huyết đam mê dường như chưa bao giờ tắt.
Mở đầu câu chuyện, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi bộc bạch, ra Thủ đô lần này đã là lần thứ 2 chị vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc nhưng cảm xúc rất lạ, vẫn thấy rất bồi hồi, xúc động. Người nữ Anh hùng có một tâm nguyện, dự Đại hội, được vào Lăng viếng Bác Hồ là thêm một lần chị có cơ hội thầm được báo công với Bác về thành tích, những hy sinh thầm lặng của đồng đội năm xưa, những cống hiến sau hòa bình và ngày nay, họ đã đóng góp gì cho đơn vị cũ, cho tổ dân phố nơi mình sinh sống để góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở…
Ký ức sống động như mới ngày hôm qua ùa về khi Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi rưng rưng kể cho chúng tôi nghe về những trận đấu trong lòng địch, khi ranh giới giữa sự sống, cái chết thật mỏng manh; trong gian nguy những người chiến sỹ cách mạng luôn ấm lòng bởi sự chân tình, đùm bọc, sẻ chia của đồng đội; rồi tâm tư, nỗi đau xé lòng của người con gái sớm mất bố, những cuộc sum họp gia đình ít ỏi bởi chiến tranh chia cắt…
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi (thứ 3 từ trái sang) trong một lần gặp mặt các đại biểu Công an, Quân đội. |
Những câu chuyện đan xen giữa chiến công và đời thường mà phải mất nhiều khoảng lặng để ngừng lại, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi mới có thể chuyển tải lại cho chúng tôi phần nào cuộc đời gian truân nhưng vinh quang của chị. Trong câu chuyện của mình, chị đã đưa chúng tôi về vùng đất Nam Bộ, đất Cái Nứa bên dòng Hàm Luông hiền hòa quanh năm cây xanh trái ngọt, với truyền thống quê hương cách mạng, truyền thống gia đình chị có cha và anh trai là liệt sĩ chống Mỹ, mẹ và một anh trai thoát ly kháng chiến, chị ruột cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Gia nhập Đội trinh sát vũ trang T30 Ban An ninh tỉnh Bến Tre ngay từ những ngày đầu thành lập khi vừa tròn 13 tuổi, dấu mốc đó được chị gửi gắm qua những vần thơ đầy xúc động, cũng là nói lên hoàn cảnh của gia đình chị bấy giờ: “Xưa kia tòng quân đi chiến đấu/ Sự hy sinh của cha là Tổ quốc trong ta/ Yêu Tổ quốc bắt đầu từ những người yêu dấu/ Trả thù cha cũng là cứu lấy nước non nhà..”.
Chị Tươi tâm sự, lúc đó chị còn quá nhỏ, chỉ nhớ là cha rất kính yêu Bác Hồ, cha một lòng vì sự nghiệp cách mạng. Khi cha bị Mỹ bắn ngã xuống, chị Tươi đã quá đau đớn, quyết rời bỏ Đội văn nghệ, với ước nguyện là tìm đường trực tiếp đánh giặc để trả thù cho cha và thực hiện tiếp sự nghiệp cha đang dở dang. Quyết tâm, khí thế hừng hực là vậy, nhưng khi xin gia nhập chiến đấu, đi tới đâu chị cũng bị từ chối bởi quá nhỏ tuổi. Không nản lòng, chị Tươi quyết tìm đến đơn vị Trinh sát vũ trang (T30) để xin gia nhập, trực tiếp đánh giặc giữa nội thành…
Chị còn nhớ như in, đó là một buổi chiều tháng giêng năm 1969, tại ấp Giồng Tranh, xã Sơn Đông, vùng giáp ranh, ven thị xã, bên kia cánh đồng là sân bay Tân Thành của giặc, chị đã may mắn gặp được cậu Bảy Cường, người chỉ huy trưởng T30 khi ấy hóa trang dân thường để xin gia nhập đơn vị đánh giặc.
Gia nhập đơn vị mới, chị Tươi được huấn luyện cấp tốc về lối sống và kỹ năng tác chiến, kỹ năng sử dụng bom mìn, súng ngắn, kỹ thuật hóa trang… Chỉ sau một tháng vào quân ngũ, chị đã xung phong đánh trận và lập chiến công đầu, dùng lựu đạn diệt 5 tên an ninh quân đội, trong đó có một đại úy khi chúng tụ tập ăn uống tại một quán nước ở thị trấn Mỏ Cày.
Một tháng sau, nắm vững qui luật di chuyển của các đối tượng, chị Tươi đã dùng mìn hẹn giờ diệt 3 tên cố vấn Mỹ tại sân bay Tân Thành trước khi chúng đi gây tội ác. Rồi một tuần sau, hồi 18h30 ngày 4-4-1969, chị lại đánh trận thứ hai vào sân bay Tân Thành, diệt 7 tên giặc lái… Đó là những chiến công đầu đời của chị…
Cuối năm 1975, chị Phan Thị Ngọc Tươi được cử đi học văn hóa, chị tiết kiệm thời gian tối đa, hai lần vượt 3 lớp và tốt nghiệp cấp I, II, III loại giỏi. Thi tốt nghiệp cấp III, chị được Sở Giáo dục Tiền Giang tặng Bằng khen vì đạt điểm cao.
Năm 1983, chị Tươi đã tốt nghiệp Đại học An ninh và tiếp tục cống hiến lập nhiều thành tích, chiến công. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, chị vẫn luôn nhớ về đồng đội, chị đã cùng chị ruột, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Hiền chăm lo đời sống, xây gần 30 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội T30 (trong đó Báo Công an TP Hồ Chí Minh ủng hộ 7 căn).
Chặng đường dừng chân cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của chị chính là Báo Công an TP Hồ Chí Minh và ngày nay, những câu chuyện, chiến công như huyền thoại về người nữ Anh hùng miền Nam Bộ luôn sống động trong ký ức đồng đội và trong lòng nhân dân…