Chuyện nghề của người gần 40 năm làm giao liên Công an
- Chuyện nghề, chuyện đời của nữ Phó trưởng Công an phường 8X1
- Chuyện nghề của y, bác sĩ trại giam1
- Tâm sự chuyện nghề của nữ quản giáo tuổi đôi mươi
Công việc bình dị, thầm lặng của anh và đồng đội trong hàng chục năm qua đã được ghi nhận. Đại tá Phạm Thanh Lâm là một trong những đại biểu tiêu biểu của Bộ Công an tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX, dự kiến diễn ra đầu tháng 12 tại Hà Nội.
Trải lòng với chúng tôi vì sao chọn nghề giao liên, một nghề mà trong xã hội không ít người còn chưa hiểu hết, đánh giá là nghề có tính chất đơn điệu, công việc nhàm chán, thu nhập không cao, Đại tá Phạm Thanh Lâm giản dị nói rằng, mình chọn nghề, nghề chọn mình, đó chính là cái duyên.
Thế nhưng, cuộc trò chuyện với những phút trải lòng của người lính giao liên, chúng tôi hiểu rằng, phải có một tình yêu bền chặt, sâu sắc, phải vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí rất hiểm nguy, các anh – những chiến sỹ giao liên mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những người như anh Lâm cả cuộc đời 40 năm công tác đã gắn bó với nghề giao liên.
Đại tá Phạm Thanh Lâm (bìa phải) cùng đồng đội phân loại tài liệu để vận chuyển đảm bảo chính xác an toàn. |
Câu chuyện của Đại tá Phạm Thanh Lâm đưa chúng tôi trở về quê lúa Thái Bình, miền quê thuần nông với cây lúa là chính. Những câu chuyện của bà, của mẹ kể lại đã in dấu trong anh đậm sâu về gia đình truyền thống cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình ông bà nội là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, bố anh Lâm đã trốn nhà đi bộ đội khi mới 17 tuổi, rồi cả bác và chú đều lần lượt cầm súng tham gia hai cuộc kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ; gia đình được Nhà nước tặng “Bảng vàng danh dự”.
Năm 1950, ông ngoại là du kích trong lần tham gia chống càn của thực dân Pháp đã hy sinh và được công nhận là liệt sỹ; năm 1969, cậu ruột đang là công nhân đã xung phong đi bộ đội và năm 1972 thì hy sinh tại chiến trường phía Nam, hiện nay chưa tìm được hài cốt; năm 2013 bà ngoại được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Từ truyền thống gia đình, anh Lâm luôn ấp ủ ước mơ được cống hiến để nối tiếp truyền thống hào hùng của các thế hệ cha, ông.
Mốc dấu đáng ghi nhớ trong cuộc đời là ngày 15-10-1975, anh được Ty Công an Thái Bình (nay là Công an tỉnh Thái Bình) tuyển dụng. Cầm trong tay quyết định tuyển sinh, anh Lâm không khỏi bồi hồi. Nơi đầu tiên khi đặt chân tới là Trường đào tạo cán bộ Công an, nay là Trường Cao đẳng An ninh nhân dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Trải qua 1 năm học tập, lao động, rèn luyện, tháng 10 năm 1976 do yêu cầu bổ sung cho các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, anh Lâm được điều về công tác tại Cục KG1, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) để phục vụ cho chiến dịch cấp dấu và chứng minh nhân dân toàn quốc sau khi đất nước thống nhất.
Được bồi dưỡng cấp tốc nghiệp vụ đóng dấu, dán ép, cắt chứng minh nhân dân, anh Lâm cùng 6 đồng chí được điều đến Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ ở Hưng Yên để hướng dẫn cho Phòng Quản lý hành chính Công an các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở ra.
Tháng 12 năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh Lâm được điều động về công tác tại Đội Giao liên thuộc Vụ Nghiên cứu Tổng hợp, nay là Phòng Bưu chính thuộc Văn phòng Bộ Công an. Nhớ lại những ngày đầu về đơn vị mới, vừa học hỏi, vừa tham gia lao động xây dựng trụ sở; công việc đầy khó khăn vất vả nhưng được sự chỉ bảo của các đồng chí đi trước, anh đã cố gắng tìm hiểu, học hỏi và được giao nhiệm vụ tại tổ giao liên nội thành thực hiện công việc chuyển giao công văn, tài liệu cho Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Bộ, các bộ, ngành của Trung ương.
Đại tá Phạm Thanh Lâm trải lòng về công việc hằng ngày của anh và đồng đội: Đối với tài liệu bình thường thì chuyển bình thường, công văn hỏa tốc bắt buộc phải chuyển ngay, công văn hỏa tốc hẹn giờ phải chuyển trước giờ ghi trên phong bì. Yêu cầu chung là người giao liên phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên, giao nhận công văn đúng giờ và đảm bảo công tác bảo mật. Có những chuyến giao công văn đã gần nửa đêm, có lúc là chuyển lúc sáng sớm…
Trong quá trình công tác các anh đã thực hiện nhiều chuyến công tác đi Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên và các tỉnh phía Bắc. Những năm mới làm giao liên, vì điều kiện khó khăn về phương tiện, chủ yếu là xe ôtô Uoat, xe Jeep chiến lợi phẩm; có chuyến công tác phải đi hàng tuần, trèo đèo lội suối, hỏng xe phải nấu ăn trên đường.. nhưng những chiến sỹ giao liên Công an vẫn đảm bảo an toàn công văn, tài liệu, giữ mạch máu thông tin liên lạc từ Bộ đến Công an các đơn vị địa phương với phương châm “Nhanh chóng, bí mật, an toàn, thông suốt trong mọi tình huống”. Tháng 1-1978, anh Lâm được điều vào TP Hồ Chí Minh để tăng cường cho Trạm Giao liên TP Hồ Chí Minh…
Với những thành tích, cống hiến trong công tác, Đại tá Phạm Thanh Lâm đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1996, nhân kỷ niệm 20 ngày thành lập, Phòng Thông tin Bưu chính (lúc đó trực thuộc Cục Thông tin liên lạc) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; cá nhân Đại tá Phạm Thanh Lâm được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |