Khi thầy Park xin “cơ chế đặc thù” cho tiền đạo nội

Thứ Ba, 29/12/2020, 09:02
Thêm một lần nữa, huấn luyện viên Park Hang-seo kêu thiếu tiền đạo và muốn xin "cơ chế đặc thù" ở V.League.

Sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và U22, huấn luyện viên Park Hang-seo thêm một lần nữa đã nhắc đến câu chuyện "thiếu tiền đạo". Ông đã dành thời lượng lớn của buổi họp báo để phân tích về vấn đề này.

Trong đó, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói: "Tôi đã vận hành đội tuyển mấy năm rồi mà chưa thấy tiền đạo nào tốt hơn Công Phượng, Đức Chinh, Tiến Linh. Cái này không nên hỏi tôi, mà anh chị nên tự hỏi mình. Vì ở V.League, tiền đạo ngoại đá hết rồi, tôi đảm bảo nhiều tiền đạo U22 về câu lạc bộ lại dự bị hết vì cầu thủ ngoại đá chính.

Huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn loay hoay tìm kiếm tiền đạo cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: N.T

VFF và VPF nên xây dựng cơ chế nào đó cho cầu thủ U21 vào sân thi đấu V.League. Năm ngoái, giải có có 47 cầu thủ ngoại và 70% đá tiền đạo. Vậy thì thì tìm đâu ra tiền đạo trong nước, đặc biệt là cầu thủ trẻ?

Chúng ta phải tự đặt câu hỏi thôi. V.League phải đặt câu hỏi "tại sao tuyển Việt Nam lại thiếu tiền đạo như thế này? Tất nhiên tôi nói ý kiến này, nhiều đội sẽ phản đối nhưng làm sao để cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu, để tiền đạo được ra sân thì VPF và VFF phải nghiên cứu".

Một thông điệp rõ ràng được ông Park gửi thẳng đến các câu lạc bộ ở V.League cũng như VFF, VPF về công tác điều hành, quản lý giải đấu. Đây không phải lần đầu tiên ông Park nhắc đến vấn đề này. Sau những thành công của đội tuyển U23 tại Thường Châu 2018 và Đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2018, ông Park nhận thấy nguồn lực cầu thủ cho vị trí này khan hiếm và đã tự đi tìm nguyên nhân.

Việc ông Park liên tục than vãn chuyện thiếu tiền đạo được xem là cách ông đang đi xin "cơ chế đặc thù" từ VFF, VPF. Ở đây có thể hiểu là V.League nên thay đổi để tốt cho đội tuyển. Xét về mặt tích cực, rõ ràng đây là điều cần thiết giúp đội tuyển Việt Nam tốt hơn trong tương lai. Đó cũng là những phân tích xét ở góc độ chuyên môn là khá logic. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì quan điểm của ông Park không có tính khả thi cao.

Đã có những quan điểm phản biện lại tư tưởng của ông Park. Như huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức của Đà Nẵng từng chia sẻ rằng: "Làm việc ở câu lạc bộ, áp lực về thành tích rất lớn. Do đó, các huấn luyện viên phải sử dụng nhiều các tiền đạo ngoại với mục tiêu thành tích. Tôi nghĩ ông Park nếu làm câu lạc bộ thì cũng thế thôi".

Đây là một thực trạng chung. Và chẳng nói đâu xa, những đồng hương của ông Park như huấn luyện viên Chung Hae-seong hay Lee Tae-hoon khi đến V.League cũng phải sử dụng tiền đạo ngoại để giành thành tích.  Ngay cả với ông Park khi dẫn dắt các câu lạc bộ tại Hàn Quốc cũng vậy. Năm 2005, ông dẫn dắt Gyeongnam tham dự K.League 1. Tại đây ông cũng sử dụng những cầu thủ ngoại, thậm chí chân sút Cabore còn đoạt danh hiệu Vua phá lưới năm 2007.  Giai đoạn 2008-2010, khi dẫn dắt Jeonnam Dragons, ông Park tiếp tục sử dụng tiền đạo ngoại làm chân sút chủ lực. Adriano là một trong số những cái tên điển hình…

Chúng tôi từng đưa ý kiến của ông Park để trao đổi với các lãnh đạo VPF. Vấn đề được chia sẻ là tại V.League, các đội bóng đều cần có thành tích, điều này buộc họ phải đầu tư sử dụng ngoại binh. Hơn nữa, việc thay đổi điều lệ để tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ, cầu thủ nội thi đấu sẽ khiến chất lượng giải đấu không như mong đợi. Điều này liên quan đến hình ảnh giải đấu và thu hút tài trợ. Với bóng đá chuyên nghiệp, rất khó để thực hiện việc hạn chế ngoại binh.

Thực tế, việc xin "cơ chế đặc thù" là rất khó khi cả nền bóng đá sẽ phải thay đổi vì một đội tuyển. Điều này có thể sẽ triệt tiêu sự phát triển của nhiều yếu tố khác. Dẫu biết rằng, ông Park có những cái khó riêng nhưng nếu ai cũng đi xin "cơ chế đặc thù" sẽ khó có có thể đáp ứng.

Việc ông Park đưa ý kiến nhằm “đòi” quyền lợi cho đội tuyển quốc gia là chính đáng. Bất cứ ai khi ngồi ghế huấn luyện viên từ đội tuyển đến câu lạc bộ đều sẽ bảo vệ quyền lợi cho đội bóng mình dẫn dắt. Đây là câu chuyện có thể chia sẻ. Những vấn đề ông Park chỉ ra ở đội tuyển Việt Nam hiện tại cũng không sai. Thế nhưng, từ ý tưởng đi đến tính khả thi vẫn là một quãng dài. Với thực trạng bóng đá Việt Nam hiện tại thì cần phải cân nhắc nhiều yếu tố.

Thầy Park đón năm mới ở Hàn Quốc

Sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và U22, huấn luyện viên Park Hang-seo đã về quê nhà nghỉ ngơi đón năm mới. Ông chia sẻ: "Cảm ơn tất cả đã đồng hành cùng tôi trong năm 2020, dù năm nay không có giải đấu nào. Ngày mai, tôi sẽ nghỉ phép và về Hàn Quốc. Tôi sẽ quay trở lại Việt Nam trước Tết âm lịch. Ở Hàn Quốc, Tết dương lịch cũng là ngày lễ lớn. Chúc mừng năm mới".

Việc huấn luyện viên Park Hang-seo xin nghỉ phép vào thời điểm hiện tại được xem là khá hợp lý. Trước mắt, các cầu thủ sẽ được trở về nhà nghỉ Tết dương lịch, sau đó hội quân chuẩn bị cho mùa giải 2021. Do năm sau, các cấp đội tuyển có nhiều giải đấu nên V.League 2021 sẽ khởi tranh từ ngày 16/1. Huấn luyện viên Park Hang-seo có thể trở lại trước Tết âm lịch, trùng hợp thời điểm đánh giá phong độ các cầu thủ.

Hơn nữa, ông Park cũng cần được nghỉ ngơi để chuẩn bị "chạy" cho năm 2021 hứa hẹn sẽ rất bận rộn. Nỗi lo lớn nhất lúc này là tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc đang rất khó kiểm soát. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ y tế của huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.

Ngày 23/12/2020, khi vị chiến lược gia người Hàn trở lại Việt Nam sau khi đợt nghỉ phép, ông đã phải nhập cảnh dưới sự giám sát y tế chặt chẽ của ngành Y tế Hà Nội. Đồng thời, huấn luyện viên Park Hang-seo cũng phải chịu sự cách ly 14 ngày đúng theo quy định.

H.H

Hưng Hà
.
.
.