Deschamps, người thổi hồn vào triết lý mới của bóng đá Pháp

Thứ Tư, 23/06/2021, 08:54
Là một chứng nhân lịch sử cho một thời kỳ trồi sụt của Les Bleus, Didier Deschamps đang từ từ thay đổi nó. Lặng lẽ trong nhiều năm, người Pháp mộng mơ dần chấp nhập lối đá được thực dụng hóa, với thành quả nhận về là chuỗi thành tích rực rỡ ở những giải đấu lớn.


Học từ thất bại

Phong cách thi đấu, chiến thuật và triết lý bóng đá của một đội tuyển luôn biến đổi không ngừng. Tuy nhiên, có một dấu hiệu nhận biết giúp chúng ta phân biệt rõ ĐTQG đang thi đấu kia là Hà Lan, Anh hay Đức: Bản ngã. Hà Lan có lối chơi tổng lực, Tây Ban Nha là tiki-taka, Italia thường sử dụng Catenaccio ở những trận đấu quyết định. Người Anh dưới thời Southgate có thể chơi bóng ngắn nhiều hơn, nhưng đến khi bí bài, họ chắc chắn sẽ lại chạy và sút.

Deschamps không còn duy trì bóng đá Sâm-panh mà biến ĐT Pháp thực dụng hơn.

Trong trường hợp của ĐT Pháp, họ từng có một khoảng thời gian theo đuổi bóng đá duy mỹ đến triệt để. Mong ước để khán giả chứng kiến mỗi trận đấu như thưởng thức một chai rượu thượng hạng, họ gọi nó bằng cái tên mỹ miều: Bóng đá Sâm-panh. Người đi tiên phong là HLV Albert Batteux, vị thuyền trưởng vĩ đại dẫn dắt Reims hồi thập niên 50. Họ từng lọt vào chung kết Champions League và chỉ để thua Real Madrid. 

"Chúng tôi chính là những môn đồ của bóng đá đẹp", cố cầu thủ, HLV Michel Hidalgo hồi tưởng với giọng đầy tự hào. Lối chơi thiên về những đường bóng ngắn như thêu hoa dệt gấm và chuộng kỹ thuật, cầu thủ mang tư duy đá đẹp và họ luôn hướng đến khung thành đối phương mỗi khi có bóng. Đỉnh cao của bóng đá Sâm-panh đến vào năm 1984. Ở cương vị HLV trưởng ĐT Pháp, Hidalgo cùng cậu học trò Michel Platini đã chinh phục cả châu Âu.

Cho đến tận cuối thập niên 90, người Pháp vẫn sùng bái thứ bóng đá duy mỹ đó mà quên đi hiện thực: Thành tích gần như chỉ là con số không. Batteux có những cầu thủ tấn công hay nhất tại Reims với Raymond Kopa và Just Fontaine, nhưng 8 danh hiệu quốc nội không thể đổi lấy một cúp Champions League. Bóng đá Pháp nợ Batteux một di sản lớn, nhưng họ chỉ được kế thừa biệt danh đầy chế nhạo: Nhà vô địch của những trận giao hữu.

Batteux, Hidalgo đều có những người kế thừa họ xứng đáng cả trên sân cỏ lẫn băng ghế huấn luyện, nhưng Platini có ai? Deschamps từng là học trò của Platini ở ĐT Pháp và ông cũng là một trong những chứng nhân lịch sử chứng kiến bóng đá Sâm-panh sụp đổ. Tại EURO 92, Pháp là ĐT số một thế giới, ứng cử viên số một cho danh hiệu vô địch, sở hữu Quả bóng Vàng Jean-Pierre Papin. Với dàn binh hùng tướng mạnh đó, họ bị loại ngay từ vòng bảng!

Platini từ chức ngay trong phòng họp báo sau trận thua Đan Mạch 1-2 ở lượt đấu thứ 3 cùng câu nói để đời: "Giá như tôi có một Platini, nhưng tôi lại chỉ có Deschamps và Sauzee". Papin ghi 2 bàn ở vòng bảng năm đó và cũng là người duy nhất lập công cho ĐT Pháp. Người đá cặp với Papin trên hàng công, Erik Cantona chỉ để lại dấu ấn nhạt nhòa với 0 bàn thắng, 0 kiến tạo.

Thay đổi để thành công

Nhìn sang những đội bóng khác, Platini có lý do để ca thán về thất bại với một đội tuyển không có người dẫn dắt lối chơi. 2 đội bóng vượt mặt Pháp để tiến vào bán kết EURO năm đó đều sở hữu những nhạc trưởng tài hoa. Đan Mạch có Brian Laudrup, còn Thụy Điển sở hữu Tomas Brolin. Nhưng suy cho cùng, HLV của một ĐTQG cần liệu cơm gắp mắm thay vì nói họ thất bại vì không có cầu thủ như ý. Platini đã vô tình làm thức tỉnh tư duy bóng đá mới của người Pháp và cả Deschamps sau này.

Dấu hiệu đầu tiên của một ĐT Pháp đầy tính thực dụng diễn ra ở France 98. Trên cương vị nước chủ nhà, người Pháp sẵn sàng từ bỏ lối đá đầy giải trí như trước kia để chơi toan tính hơn, chắc chắn hơn. Từ trận đấu vòng bảng đến trận chung kết gặp Brazil, Pháp thủng lưới vỏn vẹn 2 lần. Chỉ Michael Laudrup và Davor Suker, 2 chân sút thượng thặng mới có thể tìm đường vào khung thành ĐT Pháp thời điểm ấy.

Người đeo băng Đội trưởng ĐT Pháp trên hành trình vô địch France 98 không ai khác ngoài Deschamps. Phía sau ông là thủ môn trứ danh Fabien Barthez cùng bộ tứ vệ trong mơ: Lilian Thuram, Marcel Desailly, Laurent Blanc và Bixente Lizarazu. Họ không có Vua phá lưới, không có Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu, nhưng lại là đội tuyển lên ngôi vô địch đầy thuyết phục. Ở trận chung kết, Zidane và đồng đội đánh gục Brazil với tỷ số cách biệt 3-0.

Một nhân tố khác của ĐT Pháp, ngoài lối chơi dần thực dụng hóa, được Deschamps để ý đến là tinh thần đoàn kết. Thay vì trông chờ vào nguồn cảm hứng từ một vài cá nhân đơn lẻ, toàn đội phải tiến về phía trước bằng sức mạnh tập thể. Lúc cần thiết, Zidane, Henry cũng phải lùi về phòng ngự. Điều đó cũng được Batteux nhắc tới trong hồi ký, cho thấy ông trân trọng mối quan hệ giữa cầu thủ và HLV đến mức nào: "Một đội bóng nên được quản lý như gia đình, để các thành viên thấy được cảm xúc chân thành nhất của nhau".

Nhìn vào ĐT Pháp thời điểm hiện tại, có thể thấy Deschamps đã thấm nhuần tư tưởng đoàn kết và thực dụng đến thế nào. Các học trò của ông tiến băng băng từ vòng bảng đến trận chung kết ở mọi giải đấu, từ EURO 2016 đến World Cup 2018. Một ngôi sao như Pogba cũng được yêu cầu hỗ trợ phòng ngự. Một Benzema lắm tài nhiều tật sẵn sàng bị loại khỏi đội tuyển cho đến khi hồi tâm chuyển ý. Không cần hoa mỹ, người Pháp giờ đây chỉ cần chiến thắng. 

Cứ bất hòa là thất bại bẽ bàng

Không phải lúc nào các thành viên của ĐT Pháp cũng đoàn kết trên dưới một lòng, đặc biệt là ở những giai đoạn vắng mặt Deschamps. Tại World Cup 2002, nhà đương kim vô địch thế giới và châu Âu mang đến đội hình tấn công mạnh nhất lịch sử. Họ có 3 Vua phá lưới ở 3 giải vô địch hàng đầu châu Âu: Djibril Cisse (Ligue 1), Thierry Henry (Premier League) và David Trezeguet (Serie A). Cuối cùng họ bị loại ở vị trí bét bảng và không ghi nổi bàn thắng nào.

Nguyên nhân 3 Vua phá lưới của ĐT Pháp tịt ngòi ở World Cup 2002 được cho là thiếu Zidane, người gần như không thể thi đấu vì chấn thương. Tuy nhiên, một lý do khác hợp lý hơn là việc Didier Deschamps đã giải nghệ và ĐT Pháp không có thủ lĩnh đích thực nào giúp mọi người đoàn kết trong phòng thay đồ. Đến World Cup 2010, sự bất hòa của ĐT Pháp trở thành trò cười cho cả thế giới khi HLV Raymond Domenech bị các cầu thủ công khai thóa mạ, xúc phạm nhân phẩm.



An Khánh
.
.
.