Vì sao hơn 50% số ứng viên xét GS, PGS ngành Toán bị loại?

Thứ Hai, 14/02/2022, 08:58

Thông tin mới nhất từ Hội đồng Giáo sư (GS) Nhà nước, theo danh sách ứng viên được Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021, nhiều ứng viên đã bị loại.

Đáng chú ý, ở ngành Toán, đã có 14/25 ứng viên (chiếm 56%) không được Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021. Vì sao lại có hiện tượng các ứng viên ngành Toán “rớt” mạnh?

Trao đổi với PV Báo CAND, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Toán học cho biết, đúng là ngành Toán chỉ có 11/25 ứng viên được Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021, nhưng “không có gì bất thường, giống như mọi năm, chỉ có điều năm nay tỉ lệ này cao hơn khiến tôi hơi bất ngờ, nhưng cũng do ngẫu nhiên thôi”.

Cũng theo GS Lê Tuấn Hoa, ngành Toán năm nào mà cao thì cũng chỉ được 70% ứng viên đạt tiêu chuẩn, có một vài năm 80% ứng viên đạt tiêu chuẩn, còn bình thường ngành Toán chỉ được 2/3 số ứng viên đạt yêu cầu đề nghị xét chức danh GS, PGS. 30 năm nay, quan niệm của Hội đồng ngành Toán theo một nghĩa nào đấy cao hơn các quy định cứng.

“Những yêu cầu người ta quy định như số điểm, bài báo mới chỉ là yêu cầu tối thiểu. Hội đồng ngành Toán luôn quan niệm, xét thì nghiêm khắc như vậy nhưng tiêu chuẩn còn xa mới bằng tiêu chuẩn GS, PGS của các nước tiên tiến trên thế giới. Tôi cho rằng, chấm điểm ứng viên xét PGS, GS không thể như chấm điểm sinh viên”, GS Lê Tuấn Hoa bày tỏ.

1.jpg -0
Dư luận luôn mong chờ các Hội đồng làm việc công tâm, khách quan trong các đợt xét phong chức danh GS, PGS.

Hiện nay, tất cả các hội đồng thực hiện xét duyệt hồ sơ theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Theo GS Lê Tuấn Hoa, nguyên nhân của việc có những hồ sơ bị loại không phải ở chỗ Hội đồng GS cơ sở làm không chặt chẽ, mà do Hội đồng cơ sở không chấm điểm công trình mà nghiêng về các tiêu chí hành chính như các văn bản liên quan, thâm niên đào tạo và các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên…

Trong khi đó, Hội đồng GS ngành, liên ngành xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành. Tính tổng điểm và điểm quy đổi của bài báo khoa học, sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo, sách hướng dẫn; kết quả ứng dụng khoa học công nghệ được cấp bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích… Do đó, khi lên tới Hội đồng GS ngành, liên ngành, có những hồ sơ bị loại là bình thường.

Theo tìm hiểu của PV, có trường hợp ứng viên ngành Toán bị loại do chưa đủ điểm vì Hội đồng GS cơ sở không có chức năng chấm điểm, nhưng cũng có trường hợp ứng viên PGS bị loại dù có điểm nghiên cứu rất xuất sắc, thậm chí còn hơn cả tiêu chuẩn dành cho ứng viên GS, nhưng ứng viên này lại không đủ phiếu tín nhiệm do các bài báo quốc tế không ghi nơi mình làm việc…

“Có 1 điểm mà các ứng viên hay thắc mắc là, tại sao đạt hết tất cả các tiêu chí rồi mà vẫn trượt? Chúng tôi quan niệm rất rõ ràng, đạt tất cả là phải đạt cả phiếu tín nhiệm. Nếu chưa đạt phiếu tín nhiệm thì sao gọi là đạt được. Năm nay, có một số trường hợp bị loại không phải do điểm, mà có nơi xem xét chưa đúng tinh thần của Quyết định 37 của Chính phủ. Ví dụ có Hội đồng GS cơ sở hiểu quy định hơi khác, như về giờ dạy, Hội đồng GS cơ sở cho rằng hoàn thành định mức giờ dạy của trường là đạt, trong khi Quyết định 37 có quy định số giờ chuẩn giảng dạy cụ thể hoặc yêu cầu quy đổi bằng công trình nghiên cứu khoa học…”, GS Lê Tuấn Hoa cho hay.

So với các hội đồng khác thì Hội đồng ngành Toán đặt yêu cầu cao hơn so với các hội đồng khác, vậy có bám sát Quyết định 37 không và có gây thiệt thòi cho các ứng viên hay không? Trả lời câu hỏi này, GS Lê Tuấn Hoa bày tỏ: “Chúng tôi không quan niệm thiệt thòi, tất nhiên, chúng tôi luôn bám sát Quyết định 37. Trong Quyết định sẽ gồm 2 yếu tố: Định lượng – những người được vào phỏng vấn thì nghĩa là đã đạt đầy đủ các tiêu chuẩn, đạt “định lượng”, nhưng còn vấn đề “định tính” nữa, thì Hội đồng ngành Toán luôn có quan niệm khác.

Ví dụ, trong Hội đồng Toán, không phải năm nay mà rất nhiều năm, có ứng viên PGS, điểm còn vượt gấp đôi so với yêu cầu GS nhưng vẫn trượt. Vì khi phân tích ra, mặc dù chúng tôi cũng chẳng khắt khe gì, nhưng nếu hai bài báo mà tương tự nhau (về ý tưởng, dù kết quả khác nhau), thì hội đồng không đánh giá cao về kết quả. Không chỉ trong hội đồng có quan điểm riêng, những người làm chuyên môn sẽ biết thôi. Trong Toán học có 1 tờ thống kê (tờ điểm danh, bình luận về các bài báo của Hội Toán học Mỹ), trong đấy, đọc là người ta hình dung được ứng viên “sạch nước cả”, xuất sắc hay không đạt chất lượng”.

“Chúng tôi chưa bao giờ nói khi xét GS, PGS mang tính khách quan tuyệt đối cả, mà mang tính chủ quan. Tất cả các hội đồng, dù là hội đồng chấm tiến sĩ, đều có ý kiến chủ quan trên tinh thần phân tích khách quan. Tôi may mắn được làm việc trong Hội đồng ngành Toán, nếu hội đồng làm việc nghiêm khắc, ứng viên sẽ biết rõ mà phấn đấu, mà phấn đấu như vậy thì cuối cùng họ cũng đạt được thôi, như vậy có lợi cho ứng viên hơn. Chúng ta nghiêm khắc thì kết quả sẽ tốt hơn. Tôi nhắc lại, chấm điểm các ứng viên chứ không phải là chấm điểm sinh viên. Chúng tôi làm nghiêm từ những lỗi nhỏ nhất và các ứng viên phải chứng tỏ là mình xứng đáng. Năm nay chưa đạt thì các ứng viên có thể tiếp tục hoàn thiện và nộp hồ sơ trong các lần xét duyệt những năm tới”, GS Lê Tuấn Hoa nói.

Thu Phương
.
.
.