Phạt học sinh phạm lỗi bằng cách… đọc sách, nên hay không nên?

Thứ Ba, 02/05/2023, 09:43

Đọc sách và viết cảm nhận nộp cho giáo viên là một "hình phạt" mới đang được áp dụng đối với các em học sinh vi phạm tại một trường THPT ở TP Hồ Chí Minh. Thay vì viết bản kiểm điểm, lao động công ích... học sinh vi phạm nội quy sẽ lựa chọn một cuốn sách trong bộ “Hạt giống tâm hồn” để đọc và viết một bài cảm nhận nộp lại cho giáo viên.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự hào hứng với cách làm này vì cho rằng đây là hình thức phạt rất nhân văn, mang tính giáo dục và cần được lan toả trong các nhà trường. Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng, hình “phạt” này chỉ phù hợp với một số trường hợp học sinh vi phạm và không nên “lạm dụng”.

28947814_1869369053137496_7138199597657804937_o.jpeg -0
Việc áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực đối với học sinh vi phạm cần được lan toả mạnh mẽ trong nhà trường. Ảnh minh hoa

Giải thích về việc áp dụng hình phạt "đọc sách, viết cảm nhận" tại trường, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Hồ Chí Minh, “cha đẻ” của ý tưởng này cho rằng, trước đây, nhà trường sẽ phạt những em học sinh phạm lỗi bằng yêu cầu dọn dẹp vệ sinh, chép phạt... Nhưng mới đây, trường thay thế hình phạt bằng cách yêu cầu các em ngồi yên đọc sách 45 phút và có thời gian hai ngày để hoàn thành và nộp những bài cảm nhận cho nhà trường.

Những học sinh nằm trong diện "đọc sách viết cảm nhận" là những em vi phạm nhiều lỗi về nội quy, quy định của nhà trường và cần một hình phạt cụ thể để các em có thể "thấm" và sửa lỗi. “Nhà trường muốn có một hình thức phạt để cho học sinh thấm, vừa phù hợp với các em, vừa phù hợp với thời đại và định hướng giáo dục của nhà trường”- Thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay.

Ngay sau khi câu chuyện phạt học sinh bằng cách “đọc sách, viết cảm nhận” tại trường được báo chí lan toả, nhiều phụ huynh học sinh đã bày tỏ sự ủng hộ, hào hứng với cách thức này. Chị Nguyễn Mai Loan, phụ huynh có con học lớp 10 tại Hà Nội chia sẻ: Thực tế cho thấy, những hình phạt tiêu cực sẽ khó mang lại tác dụng khuyến khích con người sửa đổi. Trong khi đó, những hình phạt mang tính chất cải tạo tư duy, bồi đắp tâm hồn sẽ giúp con người, đặc biệt là các em học sinh hướng thiện hơn, nhận thức được việc làm của mình, từ đó có thể tự điều chỉnh, tự thay đổi để hoàn thiện. Chị Hà Thị Hoa, một phụ huynh có con học lớp 11 cũng cho rằng, hình phạt “đọc sách, viết cảm nhận” là một cách làm hay, thiết thực bổ ích và nên nhân rộng trong các nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Diễn Châu, Nghệ An cho rằng, nếu nhìn ở góc độ phương pháp giáo dục, phạt đọc sách lại mang tính nhân văn, đọc sách trở thành nhiệm vụ phải làm để chuộc lỗi, để bổ khuyết, khắc phục cho một hay nhiều hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh học sinh đang có xu hướng “lười” đọc sách thì đây có thể xem là hình thức giáo dục sáng tạo, khuyến khích văn hoá đọc trong nhà trường.

Bên cạnh ý kiến đồng tình, cũng có một số người bày tỏ lo ngại có thể dẫn đến “tác dụng ngược” khi “hình phạt” này bị lạm dụng. Anh Đỗ Hữu Tuyên, phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho rằng, hình thức này đúng là rất nhân văn, mang tính giáo dục cao nhưng cần được áp dụng phù hợp với từng trường hợp cụ thể mới phát huy tác dụng. Theo anh Tuyên, nếu hình phạt này áp dụng với tất cả đối tượng học sinh vi phạm có thể hiệu quả sẽ không cao, thậm chí có thể gây ra tác dụng ngược là  khiến cho học sinh tìm cách… vi phạm nhiều hơn. Bên cạnh đó, sau một thời gian hình phạt được áp dụng, thư viện nhà trường có thể sẽ bị coi là nơi kỷ luật các học sinh mắc lỗi. Vì thế, nó sẽ không còn giữ nguyên tính chất là một không gian đọc đúng nghĩa.

Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, việc sử dụng “hình phạt” đọc sách và viết cảm nhận nộp cho giáo viên đối với học sinh vi phạm nội quy thực chất là cách thức sử dụng hình phạt tích cực trong giáo dục. Mục tiêu của các hình thức giáo dục tích cực là cảm hóa học sinh vi phạm nội quy bằng sự cảm thông, tình yêu thương, lòng bao dung chứ không phải bằng các hình thức trách phạt mang tính nặng nề như dùng hành động và dùng lời nói làm cho học sinh sợ hãi, đau đớn, xấu hổ để không tái phạm. Khi các em nhận thức đúng sẽ chuyển biến thành hành động đúng. Hình thức xử phạt đọc sách chính là một cách làm kiểu "mưa dầm thấm lâu". Mà khi học sinh đã "thấm lâu" thì sẽ có hiệu quả. Các em sẽ nhận ra lỗi lầm, "tâm phục khẩu phục" với cách ứng xử của thầy cô, cảm kích với sự yêu thương để rồi không phạm phải sai lầm.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, đối với những học sinh vi phạm nội quy kỉ luật của nhà trường một cách có hệ thống, ở mức độ nặng nếu chỉ bắt các em lên thư viện đọc sách và viết cảm nhận thì vẫn chưa đủ sức răn đe. Do vậy, để việc áp dụng kỉ luật tích cực đối với học sinh vi phạm nội quy thực sự hiệu quả, cần phân loại cụ thể các đối tượng vi phạm theo mức độ để lựa chọn cách thức phù hợp; cùng với đó phải thực hiện đồng bộ, kết hợp giữa nhiều phương pháp với sự nhẫn nại và tấm lòng bao dung của người thầy.

Huyền Thanh
.
.
.