Nỗi lo trường quốc tế trăm hoa đua nở
Việc xuất hiện các trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhưng tổ chức quản lý như thế nào cho hiệu quả, tránh những điều đáng tiếc xảy ra như Trường quốc tế Mỹ là vấn đề cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Nhiều hình thức hợp tác đã và đang làm thay đổi bức tranh về giáo dục và đào tạo, góp phần làm cho quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam trở nên sôi động.
Tại Việt Nam có khá nhiều trường quốc tế, học sinh có thể theo học các chương trình phổ thông và nhận bằng quốc tế như Tú tài quốc tế (IBDP), Tú tài Mỹ (ADP), A-Levels,… mà không cần phải đi du học nước ngoài. Sự đa dạng giúp phụ huynh và học sinh có nhiều lựa chọn học tập, tùy theo năng lực, nhu cầu và khả năng tài chính. Thông qua các chương trình đào tạo quốc tế đang được nhiều cơ sở giáo dục triển khai tại Việt Nam, học sinh có cơ hội được học tập và tiếp cận với hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới với chi phí tiết kiệm rất nhiều so với việc đi du học.
Chị Bùi Minh Tú, có 2 con học tại Trường quốc tế Mỹ cho biết, các con học trong môi trường quốc tế nên việc sử dụng tiếng Anh lưu loát từ sớm. Trường quốc tế có sự phân bổ thời khoá biểu rất hay cho các môn học, kể cả thể thao, ngoại khoá nên sau khi kết thúc giờ học ở trường, các con không cần phải đi học thêm. Các con học chương trình phổ thông ở trường quốc tế trong nước xong được đi nước ngoài du học ở bậc đại học. Đây là điều mà nhiều bậc phụ huynh mong muốn nên đã đầu tư cho con học các trường quốc tế với số tiền không nhỏ.
Thay vì phương án đi du học, học sinh học chương trình quốc tế ngay trong nước sẽ tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn, lâu dài hơn còn tạo cơ hội học hỏi, phát triển cho các đơn vị giáo dục trong nước để nâng chuẩn chất lượng nền giáo dục. Tuy nhiên, việc phụ huynh xác định đâu là trường quốc tế đang là vấn đề nan giải. Ngay trên trang web của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng chỉ để danh sách trường ngoài công lập với 93 trường, trong đó có 3 trường đã ngưng hoạt động. Nhìn vào danh sách này khó có thể biết đâu là trường quốc tế.
Việc cấp phép hoạt động nhiều quá và không có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng dạy học, kiểm soát các chương trình dạy, học phí… đối với trường quốc tế nên dễ dẫn đến những sự việc đáng tiếc như Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế Mỹ (gọi tắt là Trường quốc tế Mỹ) và Trường quốc tế TP Hồ Chí Minh (ISHCMC). Trường quốc tế Mỹ thì mất cân đối tài chính dẫn đến bị đỉnh chỉ hoạt động giáo dục, còn Trường quốc tế TP Hồ Chí Minh thì phát sách nhạy cảm cho học sinh lớp 11 trong một hoạt động đọc sách tại kỳ nghỉ lễ vừa qua.
Trường quốc tế TP Hồ Chí Minh không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục của mình dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Khó khăn về tài chính, Trường quốc tế Mỹ đã bị Sở GD&ĐT TP Hồ Chính Minh quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục từ ngày 1/7/2024, thời hạn bị đình chỉ trong vòng 12 tháng. Trường quốc tế Mỹ có địa chỉ trụ sở số 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Lý do đình chỉ là Trường quốc tế Mỹ không đảm bảo điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục.
Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, đối với các trường quốc tế, ở trung ương là Bộ GD&ĐT, còn ở địa phương là Sở GD&ĐT nên phối hợp các ngành các cấp tính toán lại để có đề xuất với Chính phủ hoặc UBND thành phố tùy theo cấp, có quy định cụ thể rõ ràng chứ không để họ làm gì thì làm.