Đề xuất đưa sách giáo khoa vào nhóm hàng hoá thiết yếu

Thứ Hai, 16/08/2021, 19:30

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, việc đảm bảo sách giáo khoa (SGK) cho học sinh đang là thách thức lớn khi học sinh vẫn chưa có SGK trong khi năm học mới cận kề.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến đề xuất đưa SGK vào nhóm hàng hoá thiết yếu để được tạo điều kiện trong lưu thông, vận chuyển.

Như mọi năm, vào thời điểm này, hầu hết các gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng SGK và tài liệu cho con để bước vào năm học mới. Thế nhưng năm nay, Hà Nội và nhiều địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, tất cả các nhà sách trên địa bàn đều phải đóng cửa, nên đang xảy ra tình trạng nhiều học sinh chưa có SGK, đặc biệt với SGK lớp 2 và lớp 6.

Đề xuất đưa sách giáo khoa vào nhóm hàng hoá thiết yếu -0
 Ảnh minh hoạ: Các địa phương cần tạo điều kiện để vận chuyển, cung ứng SGK kịp thời đến nhà trường.

Chị Lê Ngọc Hải, phụ huynh có con học lớp 2 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới đối với học sinh lớp 2 nên cũng như nhiều phụ huynh khác, bản thân chị rất mong được tiếp cận với SGK mới sớm để con có thời gian làm quen. Gọi cho giáo viên chủ nhiệm hỏi về kế hoạch phát hành sách ở trường thì nhận được câu trả lời, nhà trường đã đăng ký mua sách từ rất sớm nhưng do dịch bệnh, vận chuyển khó khăn nên chưa biết khi nào SGK mới được giao.

Không tiếp cận được SGK từ nguồn chính thống do các cửa hàng bán SGK và đồ dùng học tập đều phải đóng cửa do toàn thành phố đang trong thời gian thực hiện giãn cách, chị Hải đã phải tìm đặt mua tại các đơn vị bán hàng online. Tuy nhiên, chờ đợi suốt hơn 2 tuần qua, đến nay chị vẫn chưa nhận được hàng.

Chị Hoàng Lan Anh, phụ huynh có con đang học tại 1 trường dân lập chất lượng cao tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết: Do dịch bệnh, trường con chị đã triển khai học online từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, SGK mới đặt mua vẫn chưa được phát hành về trường, các hiệu sách thì đều đóng cửa nên chị phải tận dụng lại nguồn SGK cũ từ người thân, bạn bè.

Hiệu trưởng một số trường phổ thông tại Hà Nội cũng thừa nhận việc chậm trễ trong phát hành SGK đang là tình trạng chung diễn ra ở nhiều quận huyện ở Thủ đô nói riêng và nhiều tỉnh, thành đang phải giãn cách xã hội nói chung. Lý do SGK chậm đến tay học sinh là vì khó khăn trong việc vận chuyển bởi SGK chưa nằm trong danh mục các mặt hàng thiết yếu để ưu tiên. Nhiều ý kiến đề xuất, để đảm bảo tất cả học sinh có SGK trước khi bắt đầu năm học mới, việc đưa SGK vào nhóm hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông là hết sức cần thiết.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải thành phố, đề nghị tạo điều kiện để các xe vận chuyển SGK được chở sách về các trường học, để sách đến tay học sinh trước thềm năm học mới.

Theo Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, tính tới thời điểm này đã phát hành trên 110 triệu bản SGK, trong đó riêng lớp 2, lớp 6 khoảng 23 triệu bản, đạt tỉ lệ 70% kế hoạch. Bên cạnh đó, xác định SGK là mặt hàng cấp thiết, NXB đã có văn bản cho UBND các tỉnh thành để xin tạo điều kiện vận chuyển, cung ứng SGK kịp thời đến các nhà trường, học sinh và giáo viên trước khai giảng năm học mới. Khi UBND các địa phương có phương án hỗ trợ, phía NXB cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị vận chuyển, cung ứng SGK gấp rút thực hiện đưa sách đến tay các nhà trường, giáo viên, học sinh.

Để thuận lợi cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, NXB Giáo Dục Việt Nam đã xây dựng trang "Hành trang số" tại địa chỉ https://hanhtrangso.nxbgd.vn, số hóa toàn bộ SGK và sách bài tập. Phụ huynh, học sinh có thể truy cập và sử dụng miễn phí nếu chưa thể mua được SGK bản giấy do địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Hùng Quân
.
.
.