Ưu tiên các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6

Thứ Sáu, 13/08/2021, 11:52

Trong 2 ngày 12 và 13/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học bằng hình thức trực tuyến với 63 tỉnh thành toàn quốc.

Một trong những vấn đề nóng tại Hội nghị là việc triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 6 trong năm học 2021-2022 được thực hiện như thế nào để đảm bảo chất lượng, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong bối cảnh phải ứng phó với dịch COVID-19, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Trung học nói riêng đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giảm chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học.

Ưu tiên các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6 -0
 Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình, SGK mới đối với học sinh lớp 6.

Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững. Giáo dục mũi nhọn cũng đạt được kết quả tích cực khi Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực thì cả 37 em đều đoạt giải với 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 1 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba và 2 dự án đoạt 3 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Đặc biệt, chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp THCS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Tính đến cuối năm học 2020-2021, đã có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul 1,2,3 về Hướng dẫn thực hiện chương trình mới; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Từ các SGK lớp 6 biên soạn theo chương trình GDPT mới được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, 63 tỉnh thành phố đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định của Thông tư số 25.

Tại Hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT địa phương đều khẳng định tinh thần chủ động, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện chương trình, SGK mới đối với lớp 6.

Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tỉnh đã rà soát, tập huấn, chuẩn bị kịch bản sẵn sàng nếu dịch bệnh xảy ra vẫn có thể triển khai được chương trình. Tuy vậy, ông Tuế cũng thừa nhận, khó khăn đặt ra là thời gian bồi dưỡng trực tiếp giáo viên dạy chương trình mới còn hạn chế, chủ yếu bồi dưỡng trực tuyến; đội ngũ giáo viên cốt cán có biến động về khách quan, chủ quan; giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng tới đây dạy liên môn nên khó khăn.

Đại diện Sở GD&ĐT Tiền Giang cũng khẳng định, dù là địa phương hiện đang nằm trong vùng tâm dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao mỗi ngày song tỉnh đã chủ động đưa ra các phương án cho năm học mới. Lo lắng của địa phương hiện nay là do ảnh hưởng của dịch nên một số công việc như sửa chữa trường lớp, cải tạo cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên sẽ bị ảnh hưởng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đội ngũ quyết định chất lượng giáo dục chính là các nhà giáo nên yêu cầu các Sở GD&ĐT quan tâm chăm lo cho giáo viên, chú ý bảo đảm đủ số lượng giáo viên cho các môn học, bậc học, trong đó ưu tiên cho việc triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 6; đồng thời, triển khai giải pháp hỗ trợ cho học sinh trong thời gian các em phải học tập trực tuyến; củng cố thư viện trường học để hỗ trợ học liệu, SGK cho học sinh; tổ chức các khóa tập huấn để nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên.

Huyền Thanh
.
.
.