Xử lý nghiêm hành vi cô giáo véo tai, đánh mắng học sinh trong lớp

Chủ Nhật, 06/10/2019, 15:44
Sau khi xem một clip trên mạng về việc một cô giáo dạy lớp 2/11- Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) bạo hành học sinh, nhiều người rất bức xúc, nhất là những phụ huynh học sinh ( PHHS) có con đang ở độ tuổi đi học.


Đoạn clip này được cho là của PHHS đã gắn camera trong phòng học của con, sau khi có thông tin là giáo viên thường đánh học sinh. Mỗi khi học sinh làm sai, không hiểu bài, cô giáo lại gọi các em lên véo tai, tát và chỉ tay vào mặt mắng chửi. Khi giảng bài, nữ giáo viên cũng lớn tiếng quát nạt học sinh, tạo ra áp lực rất nặng nề trong lớp học.

Theo dõi được đoạn quay clip trên mạng, anh Trần Thanh Tùng ở quận Bình Thạnh nói: “Theo tôi thì cần thiết gắn camera trong phòng học tất cả các trường học, nhất là trường tiểu học và trung học ở sở. Ngoài việc nhà trường dễ dàng quản lý học sinh, thì cũng là để phòng ngừa việc xấu xảy ra trong lớp học, nếu có học sinh đánh nhau trong lớp cũng sẽ biết để kịp thời ngăn chặn. Tránh tình trạng để hậu quả đáng tiếc xảy ra rồi mới đi rút kinh nghiệm”.

Còn chị Phạm Thị Thu Hường ở quận Tân Bình bức xúc nói: “Không thể chấp nhận được hành động đánh đập của cô giáo này. Đang đi học thì học sinh có thể làm bài đúng hoặc sai, không thể có chuyện học sinh giỏi đến nỗi làm đúng 100% các bài học, thử hỏi bản thân  cô giáo khi xưa cũng từng là học sinh có làm đúng tất cả các bài tập hay không?” . 

Vị PHHS này cũng tỏ ý lo ngại, liệu có bao nhiêu học sinh bị bạo hành hàng ngày mà chưa bị phát hiện? Bạo hành trong học sinh có thể là nguyên nhân cho việc sau này các em sẽ có những hành động bạo lực trong cuộc sống. Không thể tạo cảm giác khi đến trường là một áp lực nặng nề cho con em phụ huynh, ngoài chuyện học sinh sẽ khó mà tiếp thu được kiến thức thì cái quan tâm hơn là ngành giáo dục cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc và phải có giải pháp hiệu quả để các bậc phụ huynh yên tâm.

Trường Tiểu học Phan Chu Trinh-Q.Tân Phú, nơi xảy ra sự việc.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí minh cho biết, hành động của cô giáo đánh học sinh như trong clip đó được cho là hành vi bạo lực trẻ em. Bởi theo Luật trẻ em 2016 có quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.

Được biết, sau khi nắm được thông tin về vụ việc trên xảy ra tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí minh đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT thành phố và nhà trường xử lý hành chính và thực hiện chuyển vị trí công tác đối với giáo viên đánh học sinh, không để giáo viên này tiếp xúc với học sinh.

“Đã không thương yêu trẻ, không có tấm lòng nhân hậu thì đừng làm giáo viên dạy các em, nhất là trẻ em. Việc học sinh làm bài sai hay không thuộc bài thì cô ta phải tìm cách hướng dẫn, chỉ bảo các cháu chứ không thể dùng bạo lực như vậy được. Cách giáo dục quá tiêu cực và chì chiết, dùng áp lực, mắng mỏ, quát nạt và đánh liên hồi để nhét chữ vào đầu học sinh được cho là phản giáo dục. Thầy cô giáo và nhà trường cần tạo môi trường giáo dục tích cực và khuyến khích để học sinh học tốt chứ không thể tạo sự nơm nớp lo sợ hàng ngày tới trường”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Được biết, trước đó, do nghi ngờ cô giáo lớp 2/11 trường TH Phan Chu trinh, Q.Tân Phú có hành vi bạo lực đối với con em mình, phụ huynh lớp này đã bí mật đặt camera trên tường phòng học và để liên tiếp trong 4 ngày từ 27 đến 30-8. 

Đoạn clip ghi lại cảnh mỗi khi học sinh được gọi lên hỏi bài nếu nói sai, hoặc không hiểu bài đều bị cô giáo véo tai, tát và chỉ tay vào mặt mắng chửi thậm tệ. Nhất là trong ngày 30-8, khi hỏi bài học sinh không hiểu, cô liên tục véo tai, kéo tai. Có em được gọi, trả lời sai bị cô dùng tay đánh vào người, véo tai ghì xuống.

Bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết sự việc trên xảy ra vào đầu năm học. Khi phụ huynh tố cáo, nhà trường tiếp nhận sự việc và trình lên UBND quận. 

Hiện UBND quận đang thành lập đoàn thanh tra để xác minh sự việc, khi nào có kết luận chính thức nhà trường sẽ thông báo.

 Cũng theo bà Sửu, ngay khi phát hiện sự việc, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác giáo viên và phân công công việc khác trong thời gian chờ kết quả.

Chiều 6-10, trao đổi thêm, ông Nguyễn Thành Trung- Chánh VP Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, tối 5-10, Văn phòng Sở GD- ĐT thành phố cũng đã nhận được tin. 

Theo báo cáo từ UBND quận Tân Phú,  hiện vụ việc cũng đang được xác minh chính xác về đoạn clip quay được do một PHHS đặt trong lớp học này.

 UBND quận cũng cho biết, trước đó có nhận được đơn thư phản ánh của PHHS về việc cô giáo tên H của lớp 2/11 của Nnhà trường hay có hành vi đánh học sinh, nhưng vì vụ việc mang tính “nhạy cảm” nên UBND quận phải kiểm chứng, xác minh kỹ đoạn phim có thật hay không; ngoài ra, đã có chỉ đạo Phòng GD-ĐT quận báo cáo vụ việc trên.

Ông Trung cũng cho biết, vấn đề chống bạo hành học đường, ngành giáo dục thành phố đã có rất nhiều văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn, thậm chí ngay đầu năm học, trước lễ khai giảng, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã có chỉ thị rất rõ ràng gửi tới các cơ sở giáo dục phổ thông nhắc nhở các giáo viên trong cách hành xử với học trò, nhưng qua đoạn clip đăng tải trên mạng, ở góc độ quản lý của ngành, Sở GD-ĐT cũng không thể hiểu được lý do gì mà cô giáo H ( lớp 2/11 của Tiểu học Phan Chu Trinh-Quận Tân Phú) lại có hành vi hành xử thô bạo như vậy với học trò. 

Đoạn clip ghi nhận những hành vi đánh, chửi học sinh của cô giáo H trong lớp là khó có thể chấp nhận với một người làm nghề giáo. 

Quan điểm của Sở GD-ĐT thành phố khẳng định, cách hành xử của một giáo viên như vậy là không chấp nhận được trong ngành Sư phạm, đồng thời đề nghị Thanh tra quận kiểm tra kỹ, đối chiếu các chứng cớ và có căn cứ sẽ xử sớm và xử lý nghiêm.

H.Nga-N.Cảnh
.
.
.