Lùi thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới: Ưu tiên những giải pháp nào?

Thứ Ba, 31/10/2017, 09:09
Hiện vấn đề thời sự giáo dục vẫn được dư luận đặc biệt quan tâm là việc lùi thời gian thực hiện chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Thay vì bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, CT mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2019 – 2020.

Dự kiến trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình trước Quốc hội về việc này.

Động thái Bộ GD&ĐT đề xuất và Chính phủ đồng ý báo cáo Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện CT GDPT mới đã được dư luận đồng tình, cho thấy sự tiếp thu, cầu thị của Bộ GD&ĐT trước những tham vấn, góp ý của các tổ chức, cá nhân. Trao đổi với PV Báo CAND, Giáo sư (GS) Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT GDPT mới cho biết, việc giãn tiến độ là cần thiết để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Theo Bộ GD&ĐT, việc lùi thời gian còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK), thực hiện chủ trương Nghị quyết 88 của Quốc hội là thực hiện một chương trình, nhiều SGK. Lộ trình áp dụng CT GDPT mới cho từng cấp học cũng sẽ được điều chỉnh. Thay vì triển khai ở cả 3 cấp (lớp 1, 6, 10) ngay năm đầu tiên, năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 học CT mới.

Năm học tiếp theo sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm tiếp theo nữa là lớp 3, 7, 10 và cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12. Với hình thức cuốn chiếu như vậy, sẽ không phải căng sức ở cả 3 cấp và sẽ có thêm thời gian, kinh nghiệm để chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên.

Thời điểm hiện nay,  Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị được những gì cho việc thực hiện CT GDPT mới? Về câu hỏi này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ngày 27-7, Ban Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đã thông qua CT tổng thể, tức là bộ khung của CT để biên soạn các CT môn học. Hiện giờ, tất cả các CT môn học đã biên soạn xong, đã lấy ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và đang tiến hành biên tập kỹ lưỡng để báo cáo Bộ GD&ĐT, sau đó đưa lên trên mạng lấy ý kiến nhân dân.

Bộ GD & ĐT đang triển khai nhiều giải pháp để bắt đầu viết sách giáo khoa trong thời gian sớm nhất.

Về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giao cho các đơn vị liên quan rà soát, đưa ra giải pháp bồi dưỡng, tái đào tạo giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay, khối lượng công việc xây dựng CT GDPT mới rất đồ sộ. CT hiện hành không có CT tổng thể, không phải đưa lên cổng thông tin điện tử 2 lần, mỗi lần 60 ngày để lấy ý kiến nhân dân mà cũng phải mất 6 năm mới triển khai được ở tiểu học và THCS và cũng phải mất 9 năm mới triển khai được đến cấp THPT. Còn CT GDPT mới, thực chất mới làm được hơn 3 năm.

Như vậy chúng ta đã có CT tổng thể và các CT môn học; các CT môn học sẽ được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Bộ GD&ĐT sẽ có thông báo sớm để mời các tổ chức, cá nhân đăng ký viết SGK, tổ chức tập huấn cho người viết SGK, không kể đó là những người có ít hay nhiều kinh nghiệm trong viết sách.

Khi CT được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành tập huấn GV và tái đào tạo GV, nhất là GV trẻ, để dạy một số môn tích hợp. Chính phủ sẽ phải làm việc với lãnh đạo các địa phương để thống nhất hành động. Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, CT mới đã được soạn thảo theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ là phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, nên không đòi hỏi cao về cơ sở vật chất.

Các địa phương chỉ cần đảm bảo điều kiện dạy và học đúng quy định hiện nay của Bộ là có thể triển khai CT mới. Yêu cầu cơ bản nhất là bảo đảm sĩ số/lớp không quá 35 học sinh đối với tiểu học, không quá 45 học sinh đối với hai cấp trung học và bảo đảm trường tiểu học tổ chức dạy học được ít nhất 6 buổi/tuần.

Trước chủ trương lùi thời gian áp dụng CT GDPT mới, còn có ý kiến băn khoăn, liệu việc lùi 1 năm có đủ để Bộ GD&ĐT chuẩn bị cho cuộc “cải cách” này hay không, GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: “Tôi rất chia sẻ với ý kiến băn khoăn đó, đặc biệt là băn khoăn về cơ sở vật chất. Nhưng tôi xin nói là nếu chúng ta có lùi 5 năm nữa thì cơ sở vật chất tại các trường học của nước ta cũng chỉ nhích lên một chút thôi, không thể so sánh với các nước phát triển được.

Và theo kinh nghiệm từ những lần cải cách, đổi mới giáo dục trước đây, chúng ta phải khắc phục dần từng bước khó khăn của mình. Trên thực tế, chương trình tiểu học lùi 1 năm, CT THCS lùi 2 năm và CT THPT sẽ được 3 năm; như vậy sẽ có từ 1 đến 3 năm để chuẩn bị cho các cấp học này. Trước hết, các địa phương tập trung cải thiện điều kiện dạy và học ở lớp áp dụng CT mới; mỗi năm tiếp theo sẽ giải quyết vấn đề của lớp tiếp theo.

Về giáo viên, 100% các thầy cô của mình đạt chuẩn rồi, do đó vấn đề đáng lo không phải là trình độ, mà là động lực đổi mới của các thầy cô. Để tạo động lực cho thầy cô, trước hết, CT, SGK phải thật sự có cái mới, thật sự có hiệu quả. Thêm vào đó, điều kiện dạy và học được cải thiện, thầy cô làm việc đỡ vất vả hơn thì sẽ thêm hào hứng, thêm hiệu quả trong công việc. Đặc biệt, khi nhà trường và thầy cô được tự chủ trong công việc thì sức sáng tạo của thầy cô được khơi dậy sẽ chắp cánh thêm cho những ý tưởng mới của CT mới”.

Cũng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết: “Điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ngành ra ngoài ngành. Nếu như tất cả mọi người đều coi công việc đổi mới này là việc quan trọng của quốc gia, có ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực của đất nước và tương lai của mỗi gia đình thì cần phải có sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ với những đóng góp có tính chất xây dựng.

Còn nếu coi đây chỉ là việc của riêng ngành Giáo dục và nếu còn nhiều luồng ý kiến không trên cơ sở nghiên cứu kỹ vấn đề và không mang tính xây dựng, làm cho xã hội bị phân tâm, các thầy cô cũng bị phân tâm, thì CT mới sẽ khó thực hiện tốt được”.

Theo báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Thường trực Ủy ban), do việc triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm nên việc Bộ GD&ĐT kiến nghị về lùi thời điểm áp dụng CT mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà.

Tuy vậy, do đây là nội dung quan trọng, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện.

Từ đó nghiên cứu, đề xuất một số phương án lùi thời gian bắt đầu áp dụng và phương thức triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; cung cấp đầy đủ thông tin về ưu điểm và hạn chế của các phương án để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.

Thu Phương – Huyền Thanh
.
.
.