Không thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới khi chưa đủ điều kiện

Thứ Sáu, 22/09/2017, 19:52
Ngày 22-9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Giáo dục 2017 bàn về chất lượng giáo dục phổ thông.

Tới dự và phát biểu tại Hội thảo, Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: Hội thảo là cơ hội để lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ những quan điểm ý tưởng và giải pháp phát triển giáo dục phổ thông và cùng tìm giải pháp tháo gỡ cho nền giáo dục nước nhà.

Chất lượng giáo dục “trên bảo tốt, dưới bảo không tốt”

Tại Hội thảo, TS. Lê Quang Minh (Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị Đại học - ĐHQG TP.HCM) cho biết, lúc bắt đầu nghiên cứu về kết quả PISA, bản thân ông cũng không thể tin vị trí xếp hạng của Việt Nam khi mà kết quả PISA của Việt Nam xếp hạng cao trên bản đồ thế giới, thậm chí “vượt mặt” các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Lý do là Việt Nam có nhiều chính sách giáo dục tạo độ sâu cần thiết cho chương trình đào tạo, trong khi chương trình của thế giới thì thường quá rộng. Điều đó chứng tỏ giáo dục phổ thông Việt Nam có chất lượng nhưng chưa được người Việt “công nhận”.

Về vấn đề này, TS. Lê Thống Nhất cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có quá nhiều đánh giá về thành tích, nhưng tại sao trên bảo tốt - dưới bảo không tốt. Đến khi nào chúng ta đồng nhất được chất lượng, để lãnh đạo Bộ GD&ĐT phía trên và địa phương, giáo viên phía dưới cùng chung nhận định tốt hay chưa tốt?”.

Lý giải thắc mắc này, TS. Lê Quang Minh cho rằng: Sự khác biệt xuất phát từ mục tiêu và nhận thức khác nhau về tầm quan trọng của các yếu tố cấu thành chất lượng từ đầu vào, quá trình đến đầu ra của giáo dục.

Đặc biệt, ở Việt Nam, chất lượng giáo dục từ góc nhìn của các bên liên quan rất khác nhau. Chính sự trái ngược, không thống nhất trong quan điểm về chất lượng dẫn đến những nhận thực trật khớp nhau giữa các cấp, các bên. Do vậy, Bộ GD&ĐT nên thành lập nhóm để soạn lại  một số thuật ngữ giáo dục để xã hội không bị hỗn loạn vì định nghĩa khác nhau.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình kết luận, ngành Giáo dục cần thống nhất chuẩn khái niệm, chuẩn đánh giá để có được đồng nhất về nhìn nhận chất lượng giáo dục.

Hiện vẫn đang có nhiều đánh giá khác nhau về chất lượng giáo dục phổ thông tại Việt Nam

Giáo viên phải được tham gia vào các bước trong xây dựng chương trình

GS Nguyễn Minh Thuyết-Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết: Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) lần này được thực hiện một cách bài bản nhất. 

Nếu như trước đây, chúng ta làm SGK xong mới có chương trình, hơi ngược với quy trình của thế giới thì hiện nay, chúng ta đang xây dựng chương trình GDPT trước khi biên soạn SGK, có chương trình tổng thể trước khi xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Tuy vậy, nội dung các chương trình môn học và hoạt động giáo dục cũng không quy định quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả SGK, cơ sở giáo dục và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

 Khẳng định chương trình giáo dục là một trong những yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, GS Trần Kiều-Viện khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, để xây dựng được mục tiêu chương trình hợp lý, khả thi cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa xã hội-cá nhân theo tinh thần hài hòa. Giáo viên phải được tham gia vào tất cả các bước của quá trình phát triển chương trình từ xây dựng, triển khai, đánh giá theo những hình thức phù hợp.

Từ kinh nghiệm của người nhiều năm làm công tác thực tiễn, ông Phạm Văn Hùng -Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng: Việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn, có thể phải chấp nhận quy luật phát triển không đều trong GD&ĐT. 

Đối với những trường đảm bảo điều kiện thì có thể triển khai ngay từ năm học 2019 - 2020. Đối với những trường chưa đảm bảo điều kiện thì tiến hành theo lộ trình riêng, chậm hơn để có thời gian hoàn chỉnh các điều kiện.

Cũng theo ông Hùng, cần quan tâm đặc biệt đối với công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ. Trước hết cần khảo sát, đánh giá, phân loại toàn thể đội ngũ để có giải pháp đào tạo lại, bồi dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản luật về trường học 2 buổi/ngày, về phân cấp quản lý giáo dục; quy định giảm sĩ số học sinh/lớp; quy định mức biên chế giáo viên cho trường học 2 buổi/ngày. “Nên lùi thời gian triển khai đại trà chương trình, SGK phổ thông mới vào năm học 2019 - 2020, để các tỉnh, thành có thời gian, vật chất để chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện”-ông Hùng kiến nghị.

Băn khoăn về “tuổi đời” của chương trình sách giáo khoa

Là người tâm huyết với giáo dục phổ thông, GS Phạm Toàn nêu quan điểm: “Dù chọn đi theo cách tư duy nào và theo lý thuyết gì thì cũng phải trình ra xã hội một bộ chương trình, SGK. Những công cụ này sẽ phải thể hiện một tầm tư duy giáo dục dựa trên những điều bất biến.

Đặt một câu hỏi đơn giản, chương trình SGK có tuổi thọ dài, thậm chí rất dài hay cứ bị thay đổi xoành xoạch theo tuổi đời từng dự án?”. 

Trả lời câu hỏi mà mình đặt ra, GS Phạm Toàn khẳng định: “Thực tiễn cho thấy, chương trình GDPT và SGK cho học sinh phổ thông sẽ bền vững và có tuổi thọ dài vì những lý do sau: Chúng thể hiện cách học của người học, cách học thể hiện các thao tác tư duy, là điều bất biến; Những vật dụng dùng để tổ chức cách học của học sinh đều mang tính phổ thông và đó cũng là bất biến”. 

GS Phạm Toàn chia sẻ: “Không được lẫn lộn giữa khái niệm chương trình tổng thể với chỉ một việc biên soạn chương trình và SGK phổ thông. Và ngay cả việc viết SGK cũng cần phải xử lý nghiêm cẩn”.

Cùng chung băn khoăn này, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: “Đảng ra Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Ở đây có hai vấn đề, một, về triết học, thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện? Hai, về lịch sử, sức mạnh vật chất nào thực thi cuộc đổi mới ấy? Tôi từng chứng kiến các cuộc “cải cách”, “ đổi mới” giáo dục từ năm 1956 đến nay, tất cả đều thế cả, cả tư tưởng triết học lẫn nghiệp vụ thực thi trong thực tiễn sư phạm. Trong đó, tư tưởng triết học vẫn tiếp tục theo dự án “Chương trình năm 2.000”, nay chỉ nói khác đi, nói khéo hơn những điều mà xưa nay nền giáo dục cổ truyền vẫn nói. Công nghệ thực thi thì vẫn làm như cũ, như các lão nông; giàu kinh nghiệm nhưng không có công nghệ mới dựa trên khoa học hiện đại... 

Tất cả những ai liên quan đến giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đều phải có quyết tâm chính trị, quyết tâm thực thi Nghị quyết của Đảng. Nếu chưa đủ độ chín muồi về quyết tâm chính trị thì thà tu sửa chương trình năm 2.000 còn hơn”.

Thu Phương-Huyền Thanh
.
.
.