Tìm giải pháp để giáo dục đào tạo thích ứng với nền kinh tế số
- Đào tạo nghề khách sạn miễn phí - Cánh cửa tương lai cho những trẻ thiệt thòi
- Lãng phí tiền tỷ trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn
Các đại biểu tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; thảo luận về đổi mới thể chế phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kinh tế số…
Ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, xã hội đang đòi hỏi một nền giáo dục kiểu mới, để có nguồn nhân lực mới thích ứng với nền kinh tế số. Hơn lúc nào hết cần có cơ chế và chính sách mới nhằm khơi dậy niềm đam mê của người học, người thầy, nhà trường và toàn xã hội để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ tri thức, sáng tạo công nghệ mới.
Các đại biểu đang thảo luận về sự thích ứng và chuyển đổi của giáo dục đào tạo trong điều kiện kinh tế số phát triển. |
GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, chương trình đào tạo hiện vẫn nặng về lý thuyết, phương pháp giảng dạy lỗi thời làm học sinh thụ động, máy móc; chất lượng đội ngũ giáo viên tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, yếu kém; hệ thống bảng lương cho giáo viên còn nhiều bất cập. Giáo sư Nguyễn Thị Doan đề xuất, các trường đại học phải giúp Chính phủ tạo ra tri thức theo hướng giáo dục mở để tất cả người lao động có thể tiếp nhận tri thức ở bất cứ đâu, thời gian nào. Cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra với tốc độ nhanh và tạo ra những thay đổi thế giới mạnh mẽ hơn bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đó. Chính vì thế, cần có các chính sách và cơ chế mới thích ứng với thay đổi trên toàn cầu hiện nay. ĐHQGHN đã và đang phát huy vai trò tiên phong trong việc đổi mới về phương diện tư duy trong giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nhận diện các vấn đề, đề xuất các giải pháp phù hợp.
ĐHQGHN đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học Công nghệ về tự chủ đại học, phát triển đại học Việt Nam trong bối cảnh cách mạng 4.0; giải pháp tích cực trong xếp hạng đại học, đổi mới kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng đào tạo; đổi mới hoạt động kiểm tra đánh giá…
Những ý kiến thảo luận tại hội thảo sẽ cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho định hướng và chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, góp phần phục vụ soạn thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.