Lãng phí tiền tỷ trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn

Thứ Tư, 07/09/2016, 09:55
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh này cũng đã vấp phải những khó khăn, bất cập, thậm chí gây lãng phí ngân sách Nhà nước khiến cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả chưa cao.

Thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua đó đã góp phần trang bị nghề, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác dạy nghề vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục.

Từ xây nhà để… bỏ hoang

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong thực hiện đề án, tỉnh này cũng đã vấp phải những khó khăn, bất cập, thậm chí gây lãng phí ngân sách Nhà nước khiến cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả chưa cao.

Điển hình như trong năm 2010, Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk Rlấp được ngân sách Trung ương đầu tư trên 16,5 tỷ đồng để xây dựng 2 dãy nhà cao tầng tại thị trấn Kiến Đức do Sở LĐ-TB&XH làm chủ đầu tư. 

Ngoài ra, trung tâm còn được UBND huyện đầu tư, giao đất để xây dựng nhà xưởng, máy móc, hệ thống điện, nước, với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, phục vụ cho tổ chức dạy nghề may công nghiệp. Đến tháng 12-2012, công trình này được chủ đầu tư là bàn giao cho Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk Rlấp quản lý, sử dụng.

Cơ sở vật chất của Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk Mil đã được xây dựng xong cả năm nay nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi được bàn giao thì đến tận đầu năm 2014, trung tâm mới bắt đầu mở lớp đào tạo đầu tiên. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm này chỉ mở được 8 lớp dạy nghề cho 265 học viên. Điều đáng nói là, trong số 8 lớp học này chỉ có 3 lớp may công nghiệp với 95 học viên là được tổ chức tại trung tâm; còn lại 5 lớp dạy nghề nông nghiệp thì phải xuống tận thôn, bản thuê địa điểm.

Nói về những bất cập này, ông Nguyễn Xuân Thùy, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk Rlấp cho biết: “Các lớp thuộc ngành nông nghiệp như trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y thì phải xuống mượn hội trường của các thôn hoặc nhà dân để dạy bởi nghề nông nghiệp dân không chịu lên trung tâm học vì xa quá nên phải mở lớp ngay tại thôn, bon, bà con mới học”, ông Thùy cho biết thêm.

Năm 2005, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông cũng được Trung ương phân bổ hơn 18 tỷ đồng để xây dựng 8 phòng làm việc, 11 phòng học và các công trình phụ trợ khác như nhà để xe, căng tin, sân vườn… với mục đích phục vụ cho việc dạy nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Năm 2011, trung tâm được đưa vào sử dụng.

Với một cơ ngơi được đầu tư hoành tráng là vậy, nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm này chỉ mới thực dạy được 1 lớp làm bánh tại trụ sở cho vài chục người, còn lại các lớp khác đều phải đi xuống huyện mới tổ chức dạy nghề được. Hiện tại, toàn bộ khuôn viên của Trung tâm phải đóng cửa và chỉ có bảo vệ ngày đêm lo canh giữ tài sản, trang thiết bị trị giá tiền tỷ.

Một công trình khác là Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Jút cũng trong tình trạng tương tự. Với 2 dãy nhà cao tầng, gồm 8 phòng học và 8 phòng hiệu bộ được xây dựng khang trang, nhưng từ khi thành lập đến nay, trung tâm chỉ tổ chức được 37 lớp dạy nghề; trong đó, số lớp dạy tại cơ sở chính chỉ chiếm chưa đầy 20%. Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk Mil cũng được đầu tư cả chục tỷ đồng và hoàn thành cả năm nay, nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động vì chưa được chủ đầu tư bàn giao.

Đến mua trang thiết bị để… “đắp chiếu”

Từ các nguồn vốn phục vụ cho công tác dạy nghề, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông được đầu tư gần 5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, nhưng hiện nay phần lớn số trang thiết bị này đều phải nằm “đắp chiếu”. 

Điển hình như năm 2013, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ưu ái đầu tư cho Đắk Nông hệ thống máy làm bánh sản xuất công nghiệp với trị giá gần 2 tỷ đồng. Nhưng từ khi được bàn giao đến nay, hệ thống này chỉ mới được đem ra sử dụng duy nhất 1 lớp dạy học nghề làm bánh vào năm 2013, còn từ đó đến nay đành nằm “đắp chiếu”.

Bên cạnh đó, trung tâm này cũng được đầu tư hơn 100 máy vi tính nhằm phục vụ công tác hành chính và dạy nghề; 180 chiếc máy may công nghiệp, máy may dân dụng cùng hàng loạt bộ đồ nghề dệt thổ cẩm, các trang thiết bị phục vụ việc dạy nghề trang điểm, uốn tóc, cắm hoa, nấu ăn… cũng đang nằm chất đống và phủ bụi.

Còn tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Jút chủ yếu dạy một số nghề như: Nông nghiệp, điện, dệt thổ cẩm, tin học, sửa chữa máy nông nghiệp. Tuy nhiên, trung tâm này lại được đầu tư mua sắm những trang thiết bị học nghề như máy may công nghiệp, hệ thống điện cao cấp… với số tiền hàng tỷ đồng không phù hợp nên cũng đành “đắp chiếu” trong kho, không sử dụng đến.

Một bất cập khác có thể thấy rõ đó là tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy, số người có việc làm ổn định sau khi tham gia học nghề đạt tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân là do chất lượng đào tạo chưa đảm bảo để người dân thành nghề, rất nhiều người học xong không chuyển đổi được nghề, đặc biệt đối với một số nghề nông nghiệp chất lượng cao mới du nhập vào địa phương.

Có thể nói, từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, thì hệ quả tất yếu là kết quả thực hiện một số mục tiêu trong đề án chưa đạt được như mong muốn. Việc khắc phục những tồn tại, bất cập để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả thực chất rất cần được các cấp, ngành của tỉnh Đắk Nông nhìn nhận một cách nghiêm túc, thấu đáo. 

Song trước mắt, vấn đề cần nhất lúc này là khẩn trương rà soát và chấn chỉnh lại việc tổ chức thực hiện Đề án theo hướng quản lý chặt chẽ, đưa hiệu quả đào tạo đi vào thực chất, tránh tình trạng làm cho được gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Văn Thành
.
.
.