Làm rõ nguyên nhân phải lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới
- Bộ trưởng Giáo dục xin lùi thời điểm áp dụng sách giáo khoa mới
- Sẽ có sách giáo khoa mới để tập huấn cho giáo viên trong tháng 4-2018
- Vẫn chậm trễ xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa mới
Bộ trưởng Giáo dục xin giãn tiến độ
Thừa ủy quyền trình bày Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành nhiều bước để triển khai, bao gồm cả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế...
Bộ này cũng “tổ chức các đoàn công tác đi trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển…; dịch ra tiếng Việt chương trình Tú tài quốc tế (IB) và chương trình, sách giáo khoa của một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc,... và tổ chức nhiều hội thảo về xây dựng, biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh; từ đó đề xuất vận dụng vào điều kiện Việt Nam”.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra. Theo Quyết định 404 của Thủ tướng, đến tháng 6-2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học). Trên thực tế, chương trình tổng thể được Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua ngày 27-7-2017; dự kiến chương trình mới được ban hành trong quý I năm 2018.
Việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. |
Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày trong 4 gạch đầu dòng chính: Do xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, gồm nhiều bước.
Quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu xây dựng chương trình mới cũng cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục theo quy định.
“Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022” - Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Bản chất là lùi chứ không phải giãn
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định: Ngoài việc chưa đảm bảo lộ trình (riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch), thì chương trình các môn học cũng chưa hoàn thiện để tạo cơ sở cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa cũng như bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương; cơ sở giáo dục cũng chưa có căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo tinh thần Nghị quyết. Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết của Quốc hội.
Đến nay, đề án về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông chưa được phê duyệt (đáng lẽ phải phê duyệt trước tháng 6-2016); đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm; đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được chuẩn bị kỹ, nhất là những yêu cầu liên quan đến dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá…
Nội dung kinh phí cũng chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán được phần kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ phần kinh phí của địa phương; nhiều tỉnh sẽ khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về việc lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp trung học cơ sở và 3 năm ở các lớp trung học phổ thông so với lộ trình, Thường trực Ủy ban cho rằng cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.
Ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Tờ trình viết không đúng bản chất, phải nói thẳng là xin lùi thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới chứ không phải giãn. Cần làm rõ sự cần thiết, lý do và việc lùi như vậy tác động như thế nào? Vì kinh phí có thể tăng lên hay tác động của kết quả hội nghị Trung ương 6 về sắp xếp và tinh giản biên chế. Phải làm rõ bản chất và báo cáo Quốc hội.