Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Đề thi an toàn, không “đánh đố” học sinh
- Gợi ý đáp án đề thi lớp 10 môn Ngữ văn ở TP HCM
- Gợi ý đáp án môn Ngữ văn Thi vào lớp 10 tại Hà Nội
- TP Hồ Chí Minh: Trên 80.000 thí sinh bắt đầu cuộc đua vào lớp 10 công lập
Ghi nhận của phóng viên, kết thúc môn thi Ngữ văn, tại nhiều điểm thi, hầu hết thí sinh đều ra khỏi phòng với tâm trạng vui vẻ do đề thi vừa sức.
Tại điểm thi trường THPT Trương Định, Hoàng Mai (Hà Nội), học sinh Bùi Lan Hương, trường THCS Tân Mai cho biết: “Cấu trúc của đề thi năm nay quen thuộc như các năm trước, các dạng câu hỏi trong bài đều đã được ôn luyện kỹ ở trường. Ở phần 1, đề thi hỏi về bài thơ “Sang thu” của Nhà thơ Hữu Thỉnh, các câu hỏi đều yêu cầu kiến thức cơ bản như phân tích thể thơ, tác dụng của các biện pháp tu từ nên em làm tương đối tốt. Ở phần nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu nêu quan điểm cá nhân về việc “phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình”. Yêu cầu này cũng tương đối gần gũi với học sinh và cũng là một chủ đề khá thú vị”.
Học sinh thi vào lớp 10 tại điểm thi trường THPT Trương Định. |
Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của Hà Nội năm nay vẫn theo đúng “phong cách an toàn", đề giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kỹ năng viết các đoạn văn nghị luận.
Phân tích kỹ hơn về cấu trúc đề thi, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn của hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: Ở Phần I, đề thi hỏi về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi đều kiểm tra các kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ…
Câu 4, yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài, chiếm trọng số điểm cao nhất của đề thi, đòi hỏi các em trình bày bài không chỉ đủ ý, mạch lạc mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn văn, về phần tiếng Việt. Điểm mới rất đáng chú ý trong đề thi năm nay là ở Phần II của đề thi, thay vì một đoạn văn được trích ra từ một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 thì lại là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Đây là vấn đề mở nhưng tương đối gần gũi với lứa tuổi của các em, có thể nêu rõ quan điểm cá nhân nhưng không quá “đao to, búa lớn”.
Cô giáo Phan Thu Hiền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho rằng: Tính phân loại của đề thi năm nay hợp lý hơn do có những thay đổi trong việc sử dụng ngữ liệu, cách thức ra đề. Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ, học vẹt của thí sinh. Với đề thi này, mặt bằng điểm thi môn Ngữ văn chắc chắn sẽ cao hơn so với năm 2018. Tuy nhiên, cô Hiền cho biết, cá nhân cô thích cách ra đề của TP.Hồ Chí Minh hơn vì cấu trúc không theo khuôn mẫu, lối mòn; có nhiều không gian hơn cho sự sáng tạo, nhất là đối với những học sinh có năng khiếu văn chương và yêu thích môn Văn.
Theo đánh giá của học sinh, đề thi môn Toán của Hà Nội năm nay cũng tương đối vừa sức, không quá khó. Em Nguyễn Toàn Thắng, học sinh trường THCS Tô Hoàng cho biết: “Cả 5 câu hỏi trong đề thi đều tương đối phù hợp, không có câu hỏi đánh đố học sinh. Chỉ cần nắm vững công thức trong sách giáo khoa, suy luận thêm là có thể giải quyết được. Riêng câu cuối thuộc phần kiến thức nâng cao nhưng chỉ chiếm 0,5 điểm nên không quá đáng lo. Với đề thi này, không khó để đạt điểm 7-8”.
6 thí sinh vi phạm quy chế trong buổi thi đầu tiên Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 85.557 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 với 3.651 phòng thi tại 169 điểm thi. Trong buổi sáng ngày 2-6, có 497 thí sinh vắng mặt; 6 thí sinh vi phạm quy chế thi. Cụ thể, có 2 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi; 3 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, 1 thí sinh trao đổi bài thi.Trong số 6 thí sinh vi phạm quy chế trên, căn cứ theo mức độ vi phạm, lãnh đạo các điểm thi đã quyết định đình chỉ thi đối với 3 thí sinh, khiển trách 3 thí sinh.(PV) |