TP Hồ Chí Minh vẫn áp lực về trường lớp cho năm học mới
- TP Hồ Chí Minh dự kiến 2 phương án Khai giảng năm học mới
- Có thể tổ chức khai giảng trực tuyến nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Năm học tới, bậc Mầm non tăng hơn 3.600 học sinh, Tiểu học tăng gần 9.000 học sinh, Trung học cơ sở tăng gần 28.000 học sinh, Trung học phổ thông tăng hơn 14.000 học sinh.
Số học sinh tăng nhiều ở một số quận như: Quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp và các huyện ngoại thành. Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày chung toàn thành phố đạt 70%. Tuy nhiên, có những quận, huyện tỷ lệ này rất thấp chưa tới 50%, như như quận 12, Bình Tân Tân Phú...
Toàn thành phố có 11 trong số 24 quận, huyện bảo đảm được 100% số học sinh học 2 buổi/ngày. Tháo gỡ khó khăn này để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một số địa phương có điều kiện khó khăn thì sẽ tổ chức học thứ 7.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là bắt đầu năm học mới |
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú cho biết, toàn quận chỉ có 30% học sinh được học 2 buổi/ngày với 193 lớp. Trước mắt, địa phương triển khai phương án dạy học nhiều hơn 5 buổi/tuần, mỗi trường tiểu học dành khoảng 10% số phòng học để tổ chức dạy học các buổi thứ 6, 7… Quận cũng giải quyết chỗ học cho tất cả người dân trên địa bàn, không phân biệt có hay không có hộ khẩu và đăng ký tạm trú.
Đối với huyện Bình Chánh, ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết, năm học này huyện có 10.638 học sinh sẽ vào lớp 1, quy mô 305 lớp. Hiện nay, còn 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày kể cả lớp 1 do áp lực dân số quá lớn. Hai xã này có tổng dân số hơn 250.000 dân, 7 trường tiểu học nhưng vẫn gặp khó khăn về chỗ học so với nhu cầu. Tốc độ xây dựng trường dù được đẩy mạnh nhưng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.
Việc thiếu phòng học buộc ngành giáo dục phải gia tăng sỹ số lớp học, vượt cao so với chuẩn (bậc tiểu học), số học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Nhiều trường trên 40-50 học sinh/lớp, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng dạy học. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, về lâu dài, để đảm bảo cơ sở vật chất trường học đáp ứng chỗ học cho học sinh theo đúng chuẩn quy định, thành phố tiếp tục tập trung xây dựng trường lớp.
Cụ thể, để đạt mục tiêu năm 2020, thành phố có 300 phòng học/10.000 dân số độ tuổi đi học, ngành giáo dục thành phố đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt 219 phòng học/10.000 dân và không đồng đều giữa các quận, huyện.
Trước khó khăn của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng các quận, huyện hiện đang đứng trước 2 nhiệm vụ là phổ cập giáo dục tiểu học, đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đến lớp và duy trì tỷ lệ học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm học 2020-2021, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong khi đó các năm học kế tiếp sẽ vừa có học sinh mới vào lớp 1, vừa dạy học cuốn chiếu đối với học sinh lớp 1 năm nay (lên các lớp 2, 3, 4, 5). Vì vậy, áp lực về chỗ học những năm sau sẽ rất lớn. Do đó, các quận, huyện tiếp tục rà soát lại các dự án đầu tư công xây dựng trường tiểu học và THCS, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Dương Anh Đức cho biết, TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua chịu áp lực lớn về gia tăng dân số, trung bình 5 năm thêm một triệu dân, kéo theo số lượng học sinh tăng mạnh qua các năm trong khi điều kiện cơ sở vật chất không theo kịp. Tuy nhiên, ông Đức đã chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo cho tất cả trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Để giải quyết bài toán đó, một số địa phương phải chấp nhận sĩ số học sinh khá cao/lớp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì, tham mưu UBND thành phố phương án, kế hoạch hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học khối ngoài công lập, căn cứ theo Luật Giáo dục và dựa trên nguồn lực thực tế của thành phố, xem xét cụ thể đối tượng, hình thức và định mức hỗ trợ phù hợp. Với những gia đình có điều kiện về kinh tế, địa phương có thể vận động, khuyến khích cho con học ở các trường tư thục.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện nay toàn thành phố có 18/24 quận, huyện đảm bảo được cùng lúc 2 nhiệm vụ mà Phó Chủ tịch UBND thành phố nói trên. Còn 6 quận, huyện gặp khó khăn gồm: Quận 12, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Giải pháp trước mắt đối với những địa phương này là giảm số lớp học 2 buổi/ngày đối với các khối 2, 3, 4, 5; song về lâu dài các quận, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây trường, đảm bảo tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân.
Hiện nay, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố đề án hỗ trợ học phí cho đối tượng học sinh tiểu học ngoài công lập để trình HĐND thành phố xem xét.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho tất cả khối lớp ở cấp tiểu học. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn triển khai chương trình phổ thông mới đối với những nơi triển khai được dạy học 2 buổi/ngày. Trước mắt, các địa phương triển khai theo tinh thần dạy tối thiểu 6 buổi/tuần, tức là học sinh học 6 buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 sẽ đảm bảo yêu cầu tối thiểu của chương trình.
“Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn các trường tổ chức dạy học trong điều kiện không duy trì được 2 buổi/ngày. Mỗi buổi học sẽ gồm 5 tiết, tối thiểu 6 buổi/tuần, nơi nào đủ điều kiện sẽ triển khai dạy học 7 buổi hoặc 8 buổi/tuần; chủ yếu cho các hoạt động trải nghiệm, tăng cường thể chất…”, ông Nguyễn Văn thông tin.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại trường học, tại cuộc họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh chiều 24/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở GD-ĐT căn cứ vào diễn biến dịch bệnh hiện nay, trình UBND thành phố về phương án tổ chức khai giảng và nhập học của học sinh năm học 2020 - 2021 theo nguyên tắc an toàn, an tâm khi đến trường.