Giáo dục giới tính cho học sinh: Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Thứ Năm, 01/10/2020, 08:55
Chỉ trong vòng 1 tuần đã xảy ra hai trường hợp nữ sinh lớp 8 và lớp 9 bất đắc dĩ có thai ngoài ý muốn. Từ sự việc đáng tiếc này, vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh lại được dư luận xã hội đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta giáo dục giới tính từ sớm, trực diện và hiệu quả sẽ giúp các em có kỹ năng để bảo vệ mình, tránh được những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.


Nhiều ý kiến từ phụ huynh và giáo viên cho rằng, việc giáo dục giới tính trong sách giáo khoa phổ thông hiện chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế. Việc đưa giáo dục giới tính vào sách giáo khoa lớp 5 hay lớp 9 như hiện nay là tương đối muộn, nhất là trong bối cảnh trẻ em có xu hướng dậy thì sớm. Bên cạnh đó, nội dung vẫn còn quá nặng về lý thuyết, kiến thức mà quên việc trang bị cho các em kỹ năng cụ thể, cần thiết để bảo vệ mình.

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Những vụ việc trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn gần đây cho thấy nhiều em bị lạm dụng thuộc những gia đình khuyết thiếu bố mẹ, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Hậu quả của những vụ việc mang thai ngoài ý muốn khi các em còn quá nhỏ là nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng việc chú trọng nhiều hơn đến giáo dục giới tính trong trường học. 

Cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục giới tính cho học sinh.

Để việc giáo dục giới tính đạt hiệu quả, các bài giảng tại trường học phải được tích hợp nhiều hình thức như video, clip, hình ảnh… để học sinh dễ hiểu vấn đề. Đặc biệt, giáo dục giới tính cần phải cá nhân hoá đến tận từng nhóm đối tượng cụ thể theo độ tuổi, từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp. 

Đơn cử như với cấp tiểu học, cần chú trọng đến việc giáo dục phòng tránh xâm hại, dạy cho trẻ ý thức về cơ thể, tôn trọng cơ thể, không gian an toàn… Nhưng đến cấp THCS, khi trẻ ở tuổi dậy thì với bản năng hấp dẫn giới tính trỗi dậy thì lại phải dạy trẻ về tình yêu, tình bạn, tình dục, sức khoẻ sinh sản và các biện pháp tránh thai an toàn.

Khẳng định việc giáo dục giới tính cho học sinh trong nhà trường là cần thiết song TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại nhấn mạnh đến vai trò của phụ huynh trong vấn đề này bởi cha mẹ là người gần gũi, sát sườn với con em mình nhất. 

Theo TS. Vũ Thu Hương, trong quá trình giảng dạy, tư vấn về giáo dục giới tính, bà đã nhận được rất nhiều băn khoăn của phụ huynh như “không biết nói thế nào cho con hiểu mà bố mẹ không bị ngượng”, hay tâm lý lo ngại nếu mình dạy quá sớm, nói quá kỹ có “vẽ đường cho hươu chạy” hay không?… 

Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương cho biết, động chạm tới những bộ phận kín đáo của cơ thể, chắc chắn dù là ai trong chúng ta thì đều ngại cả. Nhưng nếu không đề cập thẳng thắn, cụ thể thì các con sẽ không hiểu, thậm chí có thể “hiểu nhầm”. Do vậy, cha mẹ hãy đề cập tới các bộ phận kín đáo của cơ thể bằng các ngôn từ khoa học và các hình ảnh minh họa. 

Nếu cần thiết, cha mẹ có thể nhờ vào các thông tin và hình ảnh trên sách báo để dạy con. Tùy thuộc vào từng lứa tuổi để nói sao cho hợp lý là có thể được, không nên né tránh hoặc nói vòng vo. Việc truyền đạt các tình huống cụ thể nếu dựa theo các nguyên lý khoa học thì mọi việc vừa dễ dàng mà vừa thoải mái.

Cũng theo bà Hương, cha mẹ nên bắt đầu giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt. Giáo dục phòng, chống xâm hại phải bắt đầu từ lứa mầm non, ngay khi các em bắt đầu khám phá bộ phận sinh dục trên cơ thể. Cha mẹ dạy cho con thế nào là động chạm an toàn và không an toàn; thế nào là không gian an toàn và không an toàn; đâu là khu vực thuộc về riêng tư; nhận diện tình huống nào nguy hiểm; hành vi nào gây khó chịu; cách ứng xử với hành vi bị quấy rối. Cha mẹ cũng cần cho con ngủ riêng từ sớm; chú trọng cách hành xử sao cho hợp lý với lời dạy dỗ của mình. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy con biết các nguy cơ mà con sẽ gặp phải nếu chơi những trò chơi nguy hiểm; cảnh báo con về những hành vi được coi là thiếu nghiêm túc để con có thể nhận diện trong các tình huống cụ thể. Đặc biệt, cần nói rõ cho con biết về những hậu quả có thể xảy ra như mang thai sớm, bệnh tật và các hệ lụy nguy hiểm khác để con biết cân nhắc, lựa chọn và phòng tránh.

Huyền Thanh
.
.
.