Nên thay đổi cách giáo dục giới tính trong nhà trường

Thứ Hai, 07/11/2011, 15:00
Việc giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay vẫn nặng tính hình thức mà chưa đi sâu sát vào thực tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nắm bắt một cách mơ hồ về nhận thức giới tính trong HS hiện nay. Một khảo sát tại Trường ĐH KHXH & NV TP Hồ Chí Minh cho biết, có nữ HS cấp III rồi mà khi hỏi trẻ ra đời từ đâu vẫn vô cùng tự tin trả lời là từ nách (?).

Thống kê 10 tháng đầu năm 2011 của Khoa KHHGĐ BV Phụ sản Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ đã tiếp nhận tư vấn cho 26.287 ca về nạo phá thai. Riêng trong tháng 10/2011 là 2.809 ca. Điều đáng nói là số ca nhờ BS hỗ trợ tư vấn và thực hiện thủ thuật riêng ở nữ vị thành niên là 1.121 ca nhằm giải quyết việc từ chối quyền làm mẹ. Đa số đều đã mang thai từ tuần thứ 10 tới tuần thứ 19. Điều đó đặt ra vấn đề cần giáo dục giới tính như thế nào?

Trong khi cả khu nhà trọ cho sinh viên (SV) khu vực đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) bàn tán về cái bụng càng ngày càng lớn của N (SV năm 2 Cao đẳng P.T.…), thì chính N. lại rất vô tư, cô không hề biết rằng có một sinh linh đang hình thành trong bụng, cô vẫn mảy may như không. Kết quả siêu âm từ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ: Cô đang mang bầu tháng thứ 6. Lúc này N. chỉ biết… tròn mắt nhìn bác sĩ.

Những câu chuyện "na ná" giống hoàn cảnh của N. nếu có dịp gặp gỡ các bác sĩ tại khoa khám thai hoặc kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sẽ là một câu chuyện dài không có hồi kết.

Lứa tuổi học sinh hiện nay có sự phát triển tâm sinh lý khác hẳn những năm trước đây.

Trao đổi với chúng tôi ngày 3/11, BS Dương Phương Mai, Trưởng khoa KHHGĐ Từ Dũ nói: Giáo dục giới tính cho học trò hiện nay có thể nói đã quá lạc hậu so với sự phát triển của thực tế. Sự dậy thì sớm, do đời sống có nhiều điều kiện dinh dưỡng tốt hơn, thêm chuyện quan niệm "thoáng" trong quan hệ tình dục hiện nay ở giới trẻ lại không được trang bị kiến thức đầy đủ về kiến thức giới tính, tình dục an toàn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những chuyện buồn tại Khoa Sản như trên.

Trong khi ấy, việc giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay vẫn nặng tính hình thức mà chưa đi sâu sát vào thực tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nắm bắt một cách mơ hồ về nhận thức giới tính trong HS hiện nay. Một khảo sát tại Trường ĐH KHXH & NV TP Hồ Chí Minh cho biết, có nữ HS cấp III rồi mà khi hỏi trẻ ra đời từ đâu vẫn vô cùng tự tin trả lời là từ nách (?).

Và trên thực tế, bài giảng giáo dục giới tính trong nhà trường chỉ mới thể hiện lướt qua trong chương trình sinh học lớp 8 như giới thiệu cơ thể người, về sự hình thành em bé… với những thông tin hết sức cơ bản, chưa đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của các em. Vì vậy, khi một HS lớp 5 đã có kinh nguyệt, học sinh lớp 6 đã hỏi về vấn đề tình dục, thì mãi đến lớp 8 các em mới được giới thiệu về những vấn đề này là đã quá muộn. Đến cấp III, những vấn đề này lại được lồng ghép, tích hợp trong các môn học như: Ngữ văn, giáo dục công dân, sinh học…, hoặc được đề cập trong các hoạt động ngoại khóa của trường. Tuy nhiên, thời lượng một tiết (45 phút) không đủ để các thầy, cô truyền đạt kiến thức ngoài luồng và giải đáp thắc mắc của các em.

Tại một buổi học ngoại khóa cho HS lớp 11 của Trường THPT N.C.T. (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) chúng tôi đã được nghe nhiều câu hỏi cực kỳ mơ hồ về vấn đề giới tính như: "Quan hệ lần đầu có thai không cô?", "Nếu ôm nhau, hôn nhau liệu có con được không?", "Thế nào là hôn bên ngoài và hôn bên trong?"... Thế nhưng, ngược lại tại một buổi học ngoại khóa của HS lớp 6 một Trường THCS quận 3 cô giáo lại giật mình vì nhận được những câu hỏi rất sốc của HS về vấn đề sex, tình dục trước hôn nhân… Có rất nhiều câu hỏi "hóc búa" được các em đặt ra tại buổi sinh hoạt làm cho giáo viên không trả lời được, các cô thừa nhận giáo án  thành thừa không sử dụng tới.

Khi lên trường ĐH-CĐ việc giáo dục giới tính sẽ được đầu tư chuyên sâu hơn, thế nhưng như nhận xét của nhiều sinh viên mà chúng tôi có dịp tiếp xúc thì kiến thức cần cho các em vẫn ở tận đâu đâu. Chúng tôi đã có dịp được Lan (SV năm nhất của một trường CĐ) dẫn vào trường mình để tham dự một buổi cho tân SV học chuyên đề giáo dục giới tính. Buổi học cho khoảng 500 SV, bố trí tại 4 tầng với một ông thầy giảng bài "chia sẻ" những điều thầm kín qua truyền hình trực tiếp của nhà trường. Được tiếp cận gần nhất với thầy là số HS học ở lầu 1. Bài giảng khá hấp dẫn phần đầu nhưng khi có nhu cầu muốn đặt câu hỏi thì không có giáo viên trợ giảng đứng lớp nên chỉ khoảng nửa buổi thì hầu hết SV bỏ ra ngoài, có người ra về luôn vì cảm thấy "ngượng ngùng" khi nhìn những hình ảnh mà thầy giáo minh họa trên màn hình.

Thực tế khi có cuộc sống đầy đủ, dinh dưỡng tốt hơn, việc dậy thì sớm hơn, các em có nhu cầu tìm hiểu những phát triển, biến đổi mới lạ trong cơ thể mình, phát sinh những cảm xúc nam nữ… cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, hiện khung bài giảng của nhà trường đã không còn bắt kịp với tiến độ bùng nổ của xã hội, đã không đáp ứng được một cách kịp thời nhu cầu nhận thức ngày càng cao của các em HS hiện nay về giáo dục giới tính.

Khi ở gia đình cha mẹ lại có quan niệm lo ngại trao đổi cùng con những chuyện về sex, giới tính, về sinh nở ở phụ nữ sẽ không tốt cho con, sợ con bị "đầu độc" quá sớm. Càng "rào chắn" lại càng khiến trẻ tò mò muốn biết. Không được giải đáp, các em tự mày mò đọc trên Internet, qua bạn bè. Chỉ cần lên mạng click nhẹ con chuột là có vô số các trang thông tin "chia sẻ" những thắc mắc này với các em. Chỉ cần một chiếc điện thoại có nối mạng các em có thể download vô số những hình ảnh "nóng", "bổ sung" ngay những kiến thức đang muốn biết. Từ chuyện tán bạn gái như thế nào để ăn điểm, bí quyết cho lần đầu được mỹ mãn,… những thước phim đen luôn chực chờ đầy rẫy trên mạng thỏa mãn sự tò mò của học trò.

Internet lúc này đã trở thành người bạn quan tâm đến những diễn biến sinh lý, tâm tư, tình cảm của các em nhưng trong mớ hỗn độn thông tin ấy có cái đáng tin và không tin cậy cùng sự thiếu chọn lọc khi tiếp nhận và hậu quả là một tỉ lệ không nhỏ các em đã đi chệch hướng. Tình trạng yêu sớm, bỏ dở việc học lấy vợ, lấy chồng tất yếu xảy ra. Một tỉ lệ rất lớn nữ vị thành niên phải tìm tới các khoa KHHGĐ BV Sản.      

Theo thống kê mới nhất của Hội KHHGĐ, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Trong năm 2010 tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 89.000 ca phá thai, trong đó hơn 2.000 ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Cũng trong năm 2010 có hơn 390 ca tai biến sản khoa tại các bệnh viện quận, huyện trong đó có 8 trường hợp bà mẹ chết trong lúc sinh do tiền sản giật và thuyên tắc mạch máu ối khi chuyển dạ…

Huyền Nga
.
.
.