Đào tạo trực tuyến ở bậc đại học: Khó khăn trong đảm bảo an toàn thông tin
- Nhà trường không thu tiền của phụ huynh, học sinh khi học online
- Nở rộ hình thức học online
- Nhiều trường tổ chức học online
Đại diện Trường ĐH Thái Nguyên cho biết: Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ĐH Thái Nguyên đã chủ động lùi thời gian sinh viên đến học tập trung để tăng cường tổ chức học trực tuyến, duy trì mọi hoạt động học diễn ra khi sinh viên không đến trường.
Qua hơn 2 tháng triển khai đã có 78.675 lượt người truy cập vào trang web hỗ trợ tin học và ngoại ngữ, trung bình mỗi ngày 1.200 lượt truy cập và tham khảo học tập. Ngoài ra, ĐH Thái Nguyên còn có trung tâm đào tạo từ xa, từ 2012 đến nay đã đào tạo gần 5.000, sinh viên; quy mô hiện nay gần 4.000 sinh viên với đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm đào tạo từ xa.
Mặc dù vậy, lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận phát sinh một số bất cập trong đào tạo từ xa như: 70% sinh viên của ĐH Thái Nguyên là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng khó khăn, nên việc trang bị công cụ học hạn chế.
Số lượng trường đại học tiến hành đào tạo trực tuyến trong dịch COVID-19 vẫn còn quá ít. Ảnh minh họa. |
Kinh nghiệm giảng dạy online của một số giảng viên giai đoạn đầu còn lúng túng, thói quen học thông qua các phương tiện công nghệ của sinh viên còn hạn chế. Các môn học chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng zoom, các mạng xã hội facebook, zalo… để gửi tài liệu, giao và kiểm tra bài tập, do vậy tính chuyên nghiệp và bảo mật không cao. Lãnh đạo nhà trường đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ E-Learning đơn giản nhất với các giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục.
Đồng thời, phát triển nguồn học liệu bài giảng đa phương tiện cho đào tạo trực tuyến; có chính sách hỗ trợ các trường có nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện tham gia học tập trực tuyến.
Theo đề xuất của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông cần có chính sách rõ ràng về hỗ trợ data dị động cho người học, giảng viên và phụ huynh trong thời điểm diễn ra dịch bệnh. Ví dụ sinh viên chỉ cần có xác nhận của nhà trường là sinh viên đang dùng mạng của nhà mạng nào sẽ được hưởng chính sách của nhà mạng đó; có cơ chế phối hợp định kỳ tư vấn cho các trường nên sử dụng hệ thống nào, công cụ nào cho việc đào tạo trực tuyến nhằm đạt được hiệu quả mong đợi và đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi triển khai thực hiện.
Nhà trường cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho các trường ngoài công lập và hỗ trợ học phí trực tiếp cho người học, nhất là đối với người học có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa. Trường ĐH Mở Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm xây dựng hành lang pháp lý cho khảo thí và đánh giá trực tuyến nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mô hình dạy học này phát triển không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà cả những năm tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Báo cáo nhanh của các trường ĐH cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19, có 100 trường (chiếm khoảng 45%) đã triển khai đào tạo trực tuyến; 104 trường, chiếm 42% chưa thực hiện đào tạo trực tuyến; 13% là các trường khối quốc phòng, an ninh đang thực hiện đào tạo tập trung. Về đào tạo trực tuyến, hiện nay, cả hệ thống còn gặp nhiều thách thức như các trường còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến, học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hoá, chưa kiểm soát tốt về chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá.
Về phía người học, sinh viên còn hạn chế về thiết bị, hạ tầng internet, đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn. Ngoài ra, đào tạo trực tuyến còn đối mặt với nguy cơ không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nguy cơ tiềm ẩn từ internet và mạng xã hội. Trong khi đó, chúng ta chưa có những cảnh báo, kỹ năng cần thiết cho sinh viên học tập trên môi trường mạng; chưa có giải pháp tránh quấy rối lớp học, mất thông tin cá nhân…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là thời cơ cho quá trình chuyển đổi số trong khối giáo dục ĐH. Khối giáo dục ĐH phải đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Thứ trưởng đề nghị các trường có kinh nghiệm đào tạo trực tuyến tăng cường chia sẻ kinh nghiệm với các trường trong cùng hệ thống, đặc biệt là học liệu, bài giảng trực tuyến. Từ đó tiến tới xây dựng kho học liệu số cho khối giáo dục ĐH.
Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông cố gắng triển khai nhanh nhất những cam kết hỗ trợ các trường về cơ sở dữ liệu, đường truyền, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhưng vẫn đảm bảo về an toàn, an ninh mạng.
Về hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, các trường ĐH có đầy đủ căn cứ pháp lý để đào tạo, công nhận kết quả trực tuyến. Bộ GD&ĐT cũng đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy ĐH theo hướng cho phép các trường được triển khai chương trình theo một số tỷ lệ nhất định đào tạo trực tuyến trong toàn bộ chương trình.