Trò chuyện Chủ Nhật

Cần phải đánh giá toàn diện tác động của thi hay không thi

Chủ Nhật, 19/04/2020, 08:42
Đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp đã gây xáo trộn đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến phương thức dạy và học cũng như việc tổ chức các kỳ thi. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) năm 2020, kỳ thi có quy mô lớn nhất hiện nay như thế nào để phù hợp với điều kiện dịch bệnh đã được dư luận xã hội đặt ra.

Trong khi chờ đợi quyết định của Chính phủ về các kịch bản thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra, câu chuyện bỏ hay giữ kỳ thi THPT 2020 vẫn tiếp tục nóng trên các diễn đàn với nhiều ý kiến trái chiều. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi  với TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.

PV: Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia năm 2020 ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, vẫn sẽ tổ chức thi THPT quốc gia đúng kế hoạch nếu học sinh quay lại trường trước ngày 15/6. Trong trường hợp không tổ chức kỳ thi do bất khả kháng, sẽ giao các trường xét tốt nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra? Ngoài hai phương án trên, liệu có kịch bản nào phù hợp hơn cho năm nay không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi cho rằng phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra là hoàn toàn phù hợp, bao gồm cả tình huống xấu nhất là không tổ chức kỳ thi THPTQG trong năm nay. Và cũng xin nhấn mạnh là nếu phải hủy kỳ thi THPTQG khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn cũng chỉ là hủy kỳ thi của năm 2020 chứ không phải hủy bỏ kỳ thi THPTQG luôn cả trong những năm sắp tới như một số ý kiến hiện nay.

Nếu Việt Nam tiếp tục khống chế hiệu quả dịch bệnh và tình hình dịch bệnh trên quy mô khu vực và quốc tế có chiều hướng suy giảm, có khả năng học sinh cả nước đi học lại trước 15/5 thì kỳ thi có thể diễn ra theo các điều chỉnh như Bộ GD&ĐT đã dự kiến. Ở đây, có một khía cạnh tôi muốn nhấn mạnh, đó là  ngoài mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp và là căn cứ để xét tuyển ĐH, kỳ thi THPTQG còn cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi sắp tới Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau khi không còn thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, kỳ thi THPTQG hiện nay là kỳ thi cấp quốc gia duy nhất còn lại ở bậc phổ thông.

Nếu do bất khả kháng không tổ chức được kỳ thi, bên cạnh việc phải thực hiện các quy định pháp lý của Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020 để không tổ chức kỳ thi THPTQG, về việc xét tốt nghiệp còn có một hình thức khác được quy định tại khoản 3 điều 34: “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”.

Như vậy, việc xét tốt nghiệp hoàn toàn có thể giao cho hiệu trưởng trường THPT như Luật định. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên, lần đầu tiên thực hiện việc xét tốt nghiệp như vậy nên Bộ GD&ĐT cũng cần có hướng dẫn cụ thể.

PV: Hiện có luồng ý kiến cho rằng, nếu vẫn tổ chức “kỳ thi THPT QG ở mức nhẹ nhàng nhất có thể” thì tốt nhất nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Nhưng lại có ý kiến lo ngại, nếu không có một kỳ thi chung thì sẽ “nở rộ” các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức. Vậy sẽ giải quyết “mâu thuẫn” này như thế nào để hài hòa các quyền lợi, đặc biệt là của thí sinh, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Mục đích của kỳ thi THPTQG không phải để đánh rớt thí sinh. Vì sao có kỳ thi THPTQG trong Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung mà chúng ta sắp thực hiện, điều này cũng đã thảo luận và tranh luận nhiều trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật để cuối cùng trong Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua vẫn quy định phải có kỳ thi này.

Tôi cho rằng đây là một điều hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong điều kiện Việt Nam. Với đặc thù của Việt Nam hiện nay, việc phải có một số kỳ thi là một yêu cầu thực tế. Tôi cho rằng, nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT thì tỉ lệ tốt nghiệp sẽ tiệm cận 100%, nhưng điều này không quan trọng bằng việc tỉ lệ học sinh tốt nghiệp loại giỏi sẽ tăng vọt, hiện tượng “mưa điểm 10” sẽ trở thành “chuyện thường ngày” ở trường THPT. Còn nhớ năm 1999, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ cho phép tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi với điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp từ 9 trở lên, số học sinh giỏi tăng lên ào ạt và quy định tuyển thẳng này chỉ tồn tại đúng 1 năm 1999.

Tương tự như vậy, khi bỏ thi tiểu học, việc xét tuyển vào lớp 6 phát sinh nạn “chạy trường” vì quá nhiều học sinh giỏi và sau khi bỏ thi tốt nghiệp THCS năm 2006 thì các địa phương đều phải quay lại tổ chức kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập. Trong khi đó, 5 năm vừa qua, công thức tính điểm xét tốt nghiệp bao gồm cả điểm trung bình lớp 12 (chiếm 30% ở năm 2019 và 50% ở những năm trước đó) và điểm các bài thi trong kỳ thi THPTQG, các số liệu điểm thi cho thấy có độ vênh lớn giữa điểm thi THPTQG và điểm trung bình năm học lớp 12.

Về phía các trường ĐH, nếu nghiên cứu kết quả điểm thi và số liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH thực chất kỳ thi THPTQG và xét tuyển ĐH có thể xem là “sân chơi” của các học sinh giỏi và các trường ĐH lớn thu hút học sinh có điểm số cao.

PV: Điều dễ nhận thấy là nếu không tổ chức kỳ thi THPTQG 2020, xu hướng tuyển sinh ĐH sẽ rẽ theo 2 hướng. Một số trường ĐH lớn có ưu thế, thường được gọi là tốp trên sẽ tổ chức kỳ thi riêng và một số trường ĐH tốp giữa, tốp dưới, trường tư thục sẽ chuyển sang xét tuyển học bạ. Điều này sẽ tác động như thế nào đến chất lượng nguồn tuyển của các trường và liệu có“gây khó” cho thí sinh không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Đề án tuyển sinh 2020 của hầu hết các trường ĐH hiện nay đều xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPTQG với những tỉ lệ nhất định, ít thì cũng 10% chỉ tiêu, nhiều thì gần như 100% chỉ tiêu. Việc không tổ chức kỳ thi THPTQG 2020 theo tôi dự đoán sẽ có 2 tác động tức thời. Một là nhiều trường sẽ tự tổ chức kỳ thi riêng và hai là các trường tư thục sẽ khó khăn nhiều hơn trong tuyển sinh.

Tác động thứ nhất có thể hiểu được, vì các trường lớn không thể nào xét tuyển khi học bạ của hàng chục ngàn học sinh đăng ký đều thuộc loại giỏi. Điều này được minh chứng qua những dự kiến tổ chức kỳ thi riêng của các ĐH lớn phía Bắc. Và hệ quả của tác động thứ nhất này chắc những người yêu cầu bỏ kỳ thi THPTQG chưa hình dung là nếu trước đây học sinh chỉ cần thi một lần trong kỳ thi THPTQG và dùng kết quả để xét tuyển vào nhiều trường ĐH khác nhau thì nay phải khăn gói đến các trường khác nhau, thi vào những ngày khác nhau do từng trường quy định.

Tuy nhiên, việc tổ chức một kỳ thi riêng như thế không đơn giản, từ khâu tổ chức cho học sinh đăng ký thi đến khâu đề thi, nên nhiều trường cũng sẽ “trở tay không kịp” cho năm 2020 này. Và việc tổ chức thi riêng này sẽ đưa đến tình trạng trúng tuyển ảo mà chính các trường ĐH lớn sẽ gánh chịu khi mà những học sinh giỏi đăng ký dự thi ở nhiều trường và đồng thời cùng trúng tuyển. Tác động thứ hai xem ra khó hiểu hơn, vì các trường ĐH tư thục từ nhiều năm nay đã xét tuyển theo học bạ THPT. Tuy nhiên, dưới góc nhìn dữ liệu thực tế, tôi cho rằng nếu càng có nhiều trường ĐH công lập không tự tổ chức thi được mà chỉ xét tuyển bằng học bạ THPT thì các trường ĐH tư thục nói chung (trừ những trường đã có uy tín đào tạo) sẽ càng khó khăn trong tuyển sinh.

Cũng lưu ý rằng theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về phân luồng học sinh sau THPT thì vào năm 2020 chỉ 60% học sinh lớp 12 được tuyển vào các trường ĐH, số còn lại phải chuyển vào học ở các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Khi đó, việc cạnh tranh nguồn tuyển sẽ ở mức rất cao, sẽ có nhiều trường ĐH tư thục không tuyển sinh được, vì nếu để các trường tự chủ hoàn toàn trong xét tuyển bằng học bạ thì các trường ĐH tư thục càng yếu thế.

PV: Hiện có một số ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT nên tổ chức kỳ thi "3 chung rút gọn". Không tổ chức các môn thi theo các khối A, B, C, D… và không tổ chức 2 đợt như trước kia, mà chỉ tổ chức 1 đợt với 5 hoặc 6 môn thi. Các trường sẽ căn cứ vào đó để xác định các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo của trường mình. Ông đánh giá sao về đề xuất này?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Cá nhân tôi cho rằng, đề xuất này là khá hợp lý vì có thể bảo toàn được hệ thống đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH. Thực tế những năm qua cho thấy, nếu không có kỳ thi THPTQG và các trường ĐH tự tổ chức kỳ thi, khi thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào thì chỉ có cách đăng ký dự thi vào trường đó (trừ trường hợp các trường liên kết với nhau thành một hệ thống sử dụng chung kết quả một kỳ thi do một trường đại diện tổ chức). Hiện nay, hệ thống đăng ký xét tuyển chung như vậy chưa có hệ thống thi nào ngoài kỳ thi THPTQG đạt được quy mô lớn và mức độ hoàn thiện về quy chế hoạt động.

PV: Một giải pháp nữa có thể tính đến trong bối cảnh hiện nay là các trường ĐH cùng khối ngành đào tạo có thể hợp tác cùng tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung để xét tuyển, theo ông liệu có khả thi không?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Ngay khi còn thi tuyển sinh ĐH theo phương thức “ba chung” trước năm 2015 đã có những trường ĐH không tổ chức thi, phần lớn là các trường dân lập, tư thục. Thí sinh muốn xét tuyển vào các trường này sẽ đăng ký “thi nhờ” ở một trường ĐH có tổ chức thi và sau khi có kết quả sẽ chuyển về cho trường ĐH không tổ chức thi xét tuyển.

Một số trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh từng rất “thành công” trong việc không tổ chức thi. Gọi là thành công vì trường dù không tổ chức thi (không tốn kém về tài chính và công sức) nhưng vẫn tuyển được thí sinh, thậm chí là thí sinh giỏi. Đáng tiếc là hiện nay, ngoài kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức được gần 60 trường ĐH dùng chung để xét tuyển thì chưa có một kỳ thi tương tự nào khác.

Đến thời điểm này, với quy mô hơn 40 ngàn thí sinh dự thi đợt 1, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP Hồ Chí Minh không thể đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường tham gia xét tuyển chung nếu không có kỳ thi THPTQG 2020. Dù còn một số vấn đề (đặc biệt là vụ gian lận điểm thi ở vài địa phương năm 2018) nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, nhìn chung kỳ thi THPTQG vẫn đảm bảo đủ chất lượng và độ tin cậy làm căn cứ xét tuyển ĐH.

PV: Năm nay là một năm học vô cùng “đặc biệt”, do dịch bệnh đột ngột xảy ra, làm xáo trộn mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục-đào tạo. Theo ông, ngành giáo dục cần có sự chuẩn bị dài hơi như thế nào để kịp thời ứng phó nếu dịch bệnh, thiên tai tái diễn vào những năm tiếp theo?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Không riêng ngành giáo dục, mọi ngành kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới đều bất ngờ trước đại dịch COVID-19. Nhờ ứng phó linh hoạt và có những quyết sách quyết liệt, hiện chúng ta đã và đang khống chế những tác hại của dịch bệnh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy rõ sự thiếu chuẩn bị dài hơi để đối phó với những biến cố mang tính toàn cầu.

Có nhiều hoạt động tích cực như các ký túc xá sinh viên trở thành khu cách ly tập trung quy mô lớn, đội ngũ sinh viên tham gia hỗ trợ các khu cách ly, nhanh chóng tổ chức giảng dạy trực tuyến qua mạng và truyền hình, thói quen họp và làm việc, giảng dạy trực tuyến góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục trong cách mạng giáo dục 4.0. Nhưng vẫn còn những nguy cơ giải thể một số cơ sở giáo dục do chi phí thuê cơ sở vật chất, trả lương giáo viên và nhân viên, vẫn còn khó khăn để các phương pháp giảng dạy trực tuyến đạt hiệu quả và các quy định về sử dụng kết quả học và thi trực tuyến chưa được hoàn thiện.

Những lúng túng, bất cập mà ngành giáo dục gặp phải khi đại dịch xảy ra và biện pháp cách ly xã hội dài ngày sẽ là bài học để xây dựng lại và phát triển ngành giáo dục sau đại dịch, từ cơ sở vật chất, tổ chức giảng dạy và phương pháp, quản lý giảng viên, giáo viên và sinh viên, học sinh, thi cử…

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.