Giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020?

Thứ Bảy, 11/04/2020, 09:39
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng phương án thi THPT quốc gia 2020 phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tại thời điểm hiện tại, việc bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia 2020 hiện đang trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội hết sức quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.


Đề xuất giao địa phương và các trường xét tốt nghiệp

Chia sẻ với chúng tôi, một số giáo viên tại Hoàng Mai, Nghệ An cho biết: Để việc học không bị gián đoạn và thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong việc ôn thi THPT quốc gia năm 2020, nhà trường đã tổ chức cho học sinh học trực tuyến đối với các môn thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, việc học online cũng đã xuất hiện nhiều bất cập. 

Đáng nói nhất là nhiều học sinh do gia đình không có điều kiện để sắm máy tính nên để có tham gia học, các em phải sang nhà bạn cùng lớp để xin được học cùng dưới sự vận động của thầy cô. Điều này không chỉ “làm khó” các em không có phương tiện học mà còn gây bất tiện cho những học sinh chia sẻ phương tiện học với bạn. 

Đây cũng là một trong những lý do khiến các thầy cô giáo ở các vùng nông thôn cho rằng, phương thức học trực tuyến hiệu quả không đồng đều, vì thế nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia toàn quốc sẽ không công bằng với thí sinh ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Các giáo viên này cũng đề xuất phương án Bộ GD&ĐT có thể xem xét, tạm bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, giao cho địa phương xét tốt nghiệp THPT trong năm học “đặc biệt” này.

Tìm phương án phù hợp cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang là đòi hỏi từ xã hội. (Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng: Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần đưa ra các kịch bản phù hợp cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, nhất là ở tình huống bất khả kháng. 

Theo ông Lâm, trong tình huống học sinh nghỉ học kéo dài, Bộ không thể tiếp tục lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia lần 3 vì không còn đủ quỹ thời gian nữa thì nên tính đến phương án tạm dừng tổ chức kỳ thi, trả thi xét tốt nghiệp THPT về cho các địa phương, các nhà trường. 

“Tất nhiên, khi giao việc tổ chức xét tốt nghiệp THPT về cho địa phương, hình thức thi có thể linh hoạt khác nhau, không nhất thiết lập những hội đồng lớn. Tôi cũng muốn việc giao xét tốt nghiệp về cho nhà trường là xu hướng lâu dài, không phải tạm trước mắt. Ở các nước không tổ chức thi THPT quốc gia nhưng lại kiểm tra từng bộ môn rất chặt chẽ, có trung tâm khảo thí, học sinh được quyền thi đi thi lại nhiều lần lấy điểm cao nhất để xét tuyển vào ĐH, không phải ấn định ngày khiến học sinh vất vả”- ông Lâm nêu ý kiến.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, thực tế dạy và học online chưa đồng đều và thực sự hiệu quả. Đó là chưa kể, nhiều học sinh vùng khó khăn không có điều kiện để tham gia học online. Nếu tổ chức thi THPT quốc gia với phần kiến thức học online, kiến thức của học kỳ II sẽ không công bằng với học sinh vùng khó và ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường đại học. 

“Kỳ thi THPT quốc gia được quy định rõ ràng trong Luật Giáo dục sửa đổi. Trong tình huống bất khả kháng, Quốc hội và Chính phủ hoàn toàn có khả năng họp phiên đột xuất để điều chỉnh Luật. Chúng ta cũng nên tính đến trường hợp xấu nhất là không thể tổ chức thi thì có thể xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho học sinh dựa vào điểm học tập của các em. Riêng với tuyển sinh đại học, các trường tự chủ có đủ thẩm quyền để tổ chức một kỳ thi riêng, cách thức riêng theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, miễn sao các cơ sở giáo dục hài lòng với chất lượng đầu vào của mình”- nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.

Vẫn tổ chức thi nhưng giới hạn và khoanh vùng kiến thức

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông lại cho rằng: Vẫn nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhưng với điều kiện là giới hạn và khoanh vùng kiến thức theo nguyên tắc tất cả học sinh THPT cả nước được học kiến thức lớp 12 đến đâu thì nội dung giới hạn thi đến đó. Có thể chỉ dừng ở kiến thức học sinh học ở kỳ I cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay để đảm bảo công bằng. 

Cũng theo ông Lập, ngoài việc công nhận tốt nghiệp, nhiều trường đại học vẫn lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học. Thực tế cho thấy, những trường đại học có thương hiệu thì tuyển sinh khá dễ, kiểu gì thì họ cũng tuyển dễ dàng. Chỉ lo cho các trường top sau, chẳng biết dựa vào đâu. Họ tổ chức thi riêng là rất khó vì không đủ nguồn lực và ít thí sinh đăng ký. Còn chỉ dựa vào học bạ thì quá ít thông tin.

Đồng quan điểm này, ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng: Trong điều kiện hiện nay vẫn có thể giữ kỳ thi THPT quốc gia nhưng giới hạn thi là phần kiến thức đã học trước khi nghỉ do dịch bệnh và khoanh phần kiến thức chưa học đến hết năm học. Tuyệt đối không thi vào phần kiến thức đã khoanh lại này, bởi lẽ việc thi vào phần kiến thức đã học trên lớp sẽ đảm bảo công bằng với mọi học sinh. Còn thi vào phần học online hay qua truyền hình kể cả chương trình đã được giảm tải thì không công bằng, bởi điều kiện trang thiết bị, đường truyền của mỗi học sinh khác nhau, đặc biệt là vùng khó khăn.

Huyền Thanh
.
.
.