“Rớt” mạng trong ngày đầu tiên học trực tuyến
Ngày 6/9, học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội chính thức học online. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, buổi học đầu tiên diễn ra không suôn sẻ do tình trạng “rớt” mạng liên tục xảy ra. Nhiều học sinh bị out khỏi lớp 2-3 lần chỉ trong một buổi học.
Chị Lưu Thuý Hà ở Phú Lương (Hà Đông) cho biết: Ngày đầu học online, cả 3 đứa con của chị đều nháo nhào hỏi nhau “bên ấy có mạng không” rồi ôm máy chạy khắp các góc nhà tìm sóng do “rớt” mạng. Theo chị Hà, nhà chị dùng gói cước của FPT với giá gần 3 triệu/năm. Cách đây mấy hôm, khi thấy mạng Internet chập chờn, chị đã gọi phản ánh lên tổng đài, nhà mạng cũng đã cho nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra và nhận được kết luận là “mạng bình thường, không có vấn đề gì”.
Chị Nguyễn Hồng Hoa ở Linh Đàm (Hà Nội) cũng cho biết: Trong thời gian nghỉ hè vừa rồi, các con học online thì mạng vẫn ổn. Hôm nay, vừa chính thức bước vào năm học mới thì thì mạng lại chập chờn. Sóng vẫn báo đầy nhưng khi các con bị out ra thì lại không vào lớp lại được. Theo chị Hoa, nhà mạng cần có giải pháp tăng dung lượng, nâng cấp đường truyền chứ các gói cước Internet giờ không rẻ, cứ quảng cáo tăng băng thông, khuyến mại thêm dung lượng mà vẫn chập chờn, không đảm bảo cho các cháu học sinh và bố mẹ làm việc thế này thì không ổn.
“Sau ngày toàn dân đưa trẻ đến trước tivi là ngày toàn dân đưa trẻ lên Internet. Tivi thì nhà nào dùng riêng nhà đó, còn đường truyền thì triệu trẻ dùng chung. Nên chắc nghẽn đường truyền thực sự rồi. Sau khi phân nhóm đối tượng ra đường thì Hà Nội có nên chia tiếp các nhóm lớp học sinh lên Internet không? Vừa về tới nhà, xem con học một lúc mà thấy thương cả cô và trò quá”-chị Đỗ Thu Lan, phụ huynh học sinh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ kỹ thuật của VNPT cho biết: Thực tế cho thấy, mạng Internet bị chập chờn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như gói cước có tốc độ quá thấp trong khi các gia đình lại sử dụng nhiều thiết bị cùng một lúc; chất lượng thiết bị phát wifi không tốt hoặc vị trí đặt thiết bị wifi quá xa so với nơi học tập, làm việc. Để tránh tình trạng nghẽn mạng, khách hàng nên hạn chế sử dụng các thiết bị không cần thiết cùng một thời điểm, kiểm tra lại vị trí đặt và chất lượng thiết bị thu phát wifi hoặc nâng cấp lên gói cước có tốc độ cao hơn nếu có điều kiện.
Để tạo điều kiện cho học sinh trong việc học trực tuyến, nhiều ý kiến đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội xem xét, nghiên cứu phương án chia ca, chia khung giờ học trực tuyến theo từng cấp học cụ thể. Điều này vừa có tác dụng khai thác tối đa một thiết bị học trực tuyến cho nhiều học sinh trong một gia đình được sử dụng, đảm bảo việc truy cập vào phần mềm được thông suốt, tránh trường hợp cùng thời điểm có quá nhiều tài khoản truy cập vào cùng một hệ thống ảnh hưởng đến tốc độ, chất lượng đường truyền.