Học sinh tiểu học chật vật học trực tuyến

Chủ Nhật, 21/02/2021, 07:47
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường như hiện nay, việc tạm dừng đến trường là một giải pháp vừa để phòng dịch, vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh.

Với tinh thần "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", cả giáo viên và phụ huynh đều đang nỗ lực tạo mọi điều kiện để học sinh dần thích ứng với hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, để việc học online thực sự hiệu quả, nhất là ở bậc tiểu học không hề đơn giản.

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong thời gian tạm ngừng đến trường, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh bắt đầu từ ngày 17/2 cho đến hết ngày 28/2.

Ghi nhận của phóng viên, hầu hết các trường trên địa bàn đã bước vào giảng dạy bình thường theo thời khóa biểu trên những lớp học ảo qua Zoom, Microsoft, Teams hay nhiều nền tảng công nghệ khác.

Ở cấp học, để giảm bớt áp lực cho học sinh, thời khóa biểu của các trường cũng được xây dựng theo hướng ưu tiên các môn học chính, một số môn học như giáo dục, mỹ thuật, âm nhạc chủ yếu được giáo viên ra bài tập rồi giao cho học sinh hoàn thành trong tuần.

Sau 2 ngày học trực tuyến, nhiều phụ huynh phản ánh sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn vì nhiều trường bố trí lịch học cả sáng, chiều, tối. Do học sinh lớp 1 năm đầu tiên làm quen với học trực tuyến nên nhiều trường tiểu học đã ưu tiên xếp thời khoá biểu vào buổi tối để có sự hỗ trợ, kèm cặp của phụ huynh. Riêng các lớp 2, 3, 4, 5 thì sắp xếp lịch học chủ yếu vào buổi ngày.

Học sinh Hà Nội học trực tuyến đến hết ngày 28/2. Ảnh minh họa.

Để tăng hiệu quả của việc học trực tuyến, nhà trường cũng đã đề nghị các gia đình tạo điều kiện để học sinh có điện thoại, máy tính nối mạng, giáo viên soạn giáo án kỹ và phù hợp với dạy trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, hiệu quả học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1 không cao.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Phượng - phụ huynh có con học lớp 1, việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 chỉ mang tính hình thức, đối phó vì các con chưa đọc thông, viết thạo. Trong khi đó, bài dạy của giáo viên qua mạng không có cải tiến so với dạy trực tiếp. Học sinh có hiểu bài hay không, có chú ý hay không không kiểm soát được.

“Cái khó nhất hiện nay đối với phụ huynh ở bậc học này là không có thời gian để quản con học online. Trong khi đó, học sinh lớp 1, 2, 3 không có được sự tự giác, tự chủ như học sinh trung học nên bố mẹ rất vất vả. Để con có thể tập trung học, tập trung tiếp thu kiến thức, ngoài việc giám sát, bố mẹ còn phải đóng vai giáo viên, giảng bài cho con, hướng dẫn con làm bài tập nên áp lực vô cùng”, chị Phượng cho biết.

Ngoài ra, đối với các gia đình có 2-3 con, việc bố trí phương tiện học tập như máy tính, điện thoại khi các con học cùng một thời điểm cũng vô cùng khó khăn, kể cả là gia đình có điều kiện.

Cô Bùi Thanh Hà, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai cũng thừa nhận: Với bậc tiểu học thì việc dạy trực tuyến gặp nhiều khó khăn và cần thiết phải có sự hỗ trợ của phụ huynh vì khả năng tập trung chưa tốt, nhiều em còn mải chơi.Đặc biệt, với học sinh lớp 1, các em đang trong giai đoạn học chính tả, tập đọc nên để có hiệu quả, rất cần sự phối hợp từ phía phụ huynh. 

Cũng theo cô Hà, trước khi bắt đầu bài học online, bố mẹ hãy hướng dẫn con đọc trước sách giáo khoa để nắm sơ qua những kiến thức mới. Đọc trước tài liệu giúp các con theo dõi bài giảng một cách trôi chảy, lưu loát và dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn…

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để việc dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu, các đơn vị, nhà trường cập nhật hằng ngày số lượng và tình hình học sinh học tập ở từng môn học; quan tâm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có thiết bị học tập.

Riêng với học sinh lớp 1, do các em còn nhỏ, đây lại là năm học đầu tiên các em thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới nên Sở yêu cầu các nhà trường ưu tiên chọn khung giờ tốt nhất để dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1; phối hợp với phụ huynh học sinh để hỗ trợ nhiều nhất cho việc học tập ở nhà của các em; thường xuyên có biện pháp kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phương pháp tổ chức dạy học...

Với các khối lớp còn lại, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường xây dựng thời khóa biểu với tất cả các môn học; tổ chức dạy học đủ các nội dung theo hướng dẫn; lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Huyền Thanh
.
.
.